Nguồn: baocamau.vn
Những năm qua, quán triệt quan điểm của Đảng, cả nước hướng về biển, đảo với phương châm: Kiên quyết, kiên trì giải quyết tranh chấp chủ quyền biển, đảo thông qua thương lượng hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển (năm 1982) và đã đạt những kết quả rất quan trọng, giữ vững chủ quyền biển, đảo Việt Nam.
Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực, tình hình biển Đông có nhiều diễn biến mới, căng thẳng, phức tạp, đe dọa hòa bình, ổn định; sự phát triển, bùng nổ của thông tin trên Internet, mạng xã hội (MXH), các thế lực thù địch không ngừng gia tăng các thủ đoạn ngày càng tinh vi để chống phá Đảng, Nhà nước ta. Tranh chấp chủ quyền biển, đảo luôn là “cái cớ” để các phần tử phản động, bất mãn lợi dụng nhằm bóp méo sự thật, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam.
Thời gian qua, Internet và các trang MXH đã và đang tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt của đời sống, tạo hiệu ứng xã hội lan truyền mau lẹ, rất khó quản lý, giám sát và kiểm duyệt. Các thế lực thù địch đã lập nên các tờ báo, đài phát thanh phản động ở nước ngoài như BBC, RFA, RFI, Việt Tân, báo Tiếng Dân, Chân Trời Mới media,...; lợi dụng các trang MXH Facebook, YouTube, Twitter, Zalo,... để tuyên truyền xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ lãnh tụ, xuyên tạc vấn đề chủ quyền lãnh thổ, trong đó có chủ quyền về biển, đảo; lợi dụng những “điểm nóng” trên biển Đông, sử dụng các đối tượng trong nước thu thập thông tin, trả lời phỏng vấn về các vấn đề nhạy cảm, phức tạp,... để phát tán tài liệu, hình ảnh, video, tạo ra các “chiến dịch truyền thông”, hòng bóp méo sự thật, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam.
Chúng cố tình thông tin sai sự thật, vu khống rằng: Đảng và Nhà nước không quan tâm đến việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, đặc biệt là chủ quyền biển, đảo; “chính quyền Việt Nam làm ngơ về biển Đông”. Chúng đòi “hợp tác với một nước khác để giải quyết tình hình”, đòi hỏi phải “chọn phe” để bảo vệ chủ quyền biển, đảo, từ đó đánh vào tâm lý hoài nghi của người dân, cho rằng lãnh đạo Đảng, Nhà nước “vì phe này, phe kia” để chủ quyền biển, đảo bị xâm lấn; Việt Nam đi với nước này chống nước kia...; suy diễn, nếu muốn tranh thủ sự ủng hộ của các quốc gia phương Tây, lực lượng duy nhất có thể giúp Việt Nam bảo vệ được sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo. Chúng phê phán rằng, chính sách “bốn không” của quốc phòng Việt Nam là “tự trói mình” vì tiềm lực kinh tế, quốc phòng - an ninh Việt Nam hiện nay là quá yếu; chúng đưa ra viễn cảnh cần phải liên minh với Mỹ thì Việt Nam mới giữ được chủ quyền biển, đảo và bảo vệ được lợi ích quốc gia - dân tộc. Chúng lợi dụng việc giải quyết những tranh chấp về chủ quyền biển, đảo nhằm muốn chia rẽ quan hệ đối ngoại của nước ta với các nước. Đây là những luận điệu xuyên tạc trắng trợn, phủ nhận những thành quả đã đạt và quan điểm đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ; đồng thời cũng là luận điệu vu cáo nằm trong âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động luôn chống phá Đảng, Nhà nước ta.
Các phần tử cơ hội cấu kết, móc nối với một số cán bộ, đảng viên có biểu hiện thoái hóa, biến chất để tạo dựng lực lượng chống phá từ bên trong; hướng đến sinh viên, thanh niên để tuyên truyền, xuyên tạc về tình hình biển Đông; lôi kéo, mua chuộc, kích động phần tử bất mãn, chống đối tạo nên lực lượng
đối lập dưới danh nghĩa “đấu tranh” bảo vệ chủ quyền biển, đảo theo kiểu “nội công, ngoại kích” hòng bẻ lái dư luận, gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, hạ thấp uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.
Đồng thời, với chính sách phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, trong đó có hỗ trợ ngư dân bám biển, song các đối tượng chống phá lại đưa ra những lời lẽ xấc xược, cho rằng “chỉ có ngư dân bảo vệ biển, không thấy chính quyền đâu”; vu cáo chính quyền “chỉ quan tâm đến phát triển kinh tế, không lo bảo vệ biển, đảo, không lo cho dân”. Hoặc chúng vin vào tình hình ngư dân Việt Nam đánh bắt hải sản ở ngoài vùng biển nước ta, bị lực lượng bảo vệ pháp luật của các nước bắt giữ, xử lý để tung luận điệu “ngư dân bị bỏ rơi”, hay tung tin “lực lượng chuyên trách thực thi pháp luật trên biển làm ngơ, không hoàn thành nhiệm vụ”,...
Nếu người dân không tỉnh táo thì dễ sập bẫy bởi những luận điệu xuyên tạc, kích động trên MXH, gây tâm lý hoang mang, hoài nghi, mất niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, của lực lượng chuyên trách Việt Nam thực thi pháp luật trên biển.
Phải khẳng định rằng, chủ quyền quốc gia là không thể từ bỏ và đây cũng là nguyên tắc bất biến trong quá trình dựng và giữ nước của dân tộc Việt Nam, của Đảng và Nhà nước ta. Thực tế, mỗi khi chủ quyền và quyền chủ quyền quốc gia của Việt Nam trên biển Đông bị xâm phạm, Việt Nam luôn thể hiện tinh thần đấu tranh kiên quyết, kiên trì bằng các biện pháp hòa bình, cụ thể là thông qua các diễn đàn, các cuộc gặp gỡ trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao,... Việt Nam ngày càng mở rộng quan hệ, tăng cường hợp tác với nhiều quốc gia nhưng tuyệt nhiên không có tư tưởng và hành động “lôi bè kéo cánh” để giải quyết bất đồng về chủ quyền lãnh thổ. Chính sách không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ của Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế của Việt Nam là những quan điểm, chính sách nhất quán. Cho nên, luận điệu xuyên tạc, chỉ trích Việt Nam đi với nước này chống lại nước kia là không có trong đường lối đối ngoại hoặc trong chủ trương giải quyết vấn đề biển Đông của Đảng và Nhà nước ta.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”.
Để tăng cường đấu tranh phản bác hiệu quả những luận điệu xuyên tạc, thù địch, chống phá về biển, đảo và chủ quyền biển, đảo của Việt Nam cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường lãnh, chỉ đạo của Đảng về công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của thế lực thù địch về chủ quyền biển, đảo.
Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về chủ quyền biển, đảo.
Ba là, phát huy trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên, sinh viên trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Bốn là, báo chí, truyền thông phát huy vai trò cung cấp thông tin, định hướng dư luận xã hội, phản bác các thông tin sai trái, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam.
Năm là, tăng cường công tác nắm bắt thông tin, dư luận xã hội, chủ động định hướng phản bác những luận điệu xuyên tạc về chủ quyền biển, đảo.
Sáu là, tăng cường quản lý Internet, MXH và bảo đảm an ninh mạng ở Việt Nam.
Bảy là, thực hiện chiến lược đầu tư phát triển kinh tế biển, đảo một cách có hiệu quả./.
Nguyễn Thanh Hoàng