Tiếng Việt | English

28/08/2023 - 09:01

Hiểu đúng vấn đề biển Đông để chống luận điệu xuyên tạc

Thời gian gần đây, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng những sự kiện “nóng” để quy chụp, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kích động tâm lý chống đối, kêu gọi quần chúng tụ tập đông người gây rối an ninh, trật tự, trong đó có các sự kiện liên quan đến biển Đông.

Một trong những sự kiện “nóng” được chúng “khuấy” lên trong thời gian qua là việc nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 08 của Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam trên vùng biển phía Nam biển Đông gần bãi Tư Chính, từ ngày 03/7/2019 đến nay. Chúng phát tán nhiều tài liệu, gồm những bài viết, video clip, hình ảnh có nội dung xuyên tạc đường lối đối ngoại, gây tâm lý bất an, hoài nghi và kích động biểu tình, chống phá.

“Dĩ bất biến ứng vạn biến”, trong bối cảnh Trung Quốc vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Đảng, Nhà nước ta luôn giữ vững chủ trương: “Giải quyết mâu thuẫn thông qua thương lượng hòa bình trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước về Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) nhằm tìm kiếm một giải pháp cơ bản và lâu dài, đáp ứng lợi ích chính đáng của các bên, tiến tới xây dựng biển Đông thành vùng biển hòa bình, hợp tác và phát triển”.

Bảo đảm sự linh hoạt, mềm dẻo và giữ vững nguyên tắc không thể bác bỏ chủ quyền quốc gia. Chúng ta kiên trì đấu tranh trên các mặt trận, mọi cấp độ, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các quốc gia trên thế giới, thẳng thắn đấu tranh, trao công hàm, tiếp xúc đại diện, lên tiếng phản đối Trung Quốc, yêu cầu tôn trọng chủ quyền biển, đảo của Việt Nam; đồng thời, duy trì lực lượng chuyên trách tại thực địa, sử dụng biện pháp đấu tranh hòa bình không để xảy ra xung đột vũ trang.

Từ khi Trung Quốc đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 08 xâm phạm chủ quyền Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước ta đã 7 lần tuyên bố chính thức khẳng định đây là vụ việc nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Không chỉ người phát ngôn của Bộ Ngoại giao lên tiếng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta cũng chính thức phát biểu trên các diễn đàn trong nước và quốc tế: Tại hội nghị ngoại trưởng ASEAN, Phó Thủ tướng Chính phủ - Phạm Bình Minh lên án mạnh mẽ, chỉ đích danh tàu Trung Quốc đã xâm phạm đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Hay tại buổi gặp mặt Thủ tướng Australia - Scott Morrison, hội đàm với Thủ tướng Malaysia - Mahathir Mohamad, làm việc với Tổng Thư ký ASEAN - Lim Jock Hoi, lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đều lên tiếng đề nghị các nước bày tỏ quan điểm thẳng thắn ủng hộ duy trì hòa bình, ổn định, phát triển thịnh vượng, bảo đảm tự do hàng hải, hàng không trên biển Đông với tinh thần thượng tôn pháp luật quốc tế. Và cũng trong thời gian này, Bộ Ngoại giao của ta đã đưa vấn đề biển Đông ra tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Nhưng đó chưa phải là tất cả, trong bối cảnh căng thẳng, Việt Nam vẫn tiến hành hoạt động bình thường của giàn khoan Hakuryu-5 tại mỏ Lan Tây - Lan Đỏ thuộc lô 06.1 trong bể Nam Côn Sơn. Đây là dự án dầu khí liên doanh giữa PVEP thuộc PVN của Việt nam, Rosneft của Nga và ONGC của Ấn Độ, thuê Công ty Japan Drilling để thực hiện hoạt động khoan dầu. Đồng thời, nước ta đã hạ đặt giàn khoan “Sao Vàng - Đại Nguyệt” khổng lồ nặng trên 14.000 tấn, thuộc lô dầu khí 05-1b và 05-1c ở bồn trũng Nam Côn Sơn, cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 350km về phía Đông Nam và nằm ở độ sâu 120m. Dự án có ý nghĩa quan trọng trong việc gia tăng sản lượng dầu khí cho quốc gia, góp phần bảo đảm nguồn việc cho các đơn vị trong ngành Dầu khí, đặc biệt, đây là việc làm hiệu quả và thiết thực nhằm khẳng định cột mốc chủ quyền trên biển.

Biển, đảo là của tiền nhân để lại, một viên đá trên đảo, một ngụm nước biển thuộc chủ quyền của nước mình cũng không thể để mất đi. Vậy nên kiên quyết đấu tranh trên thực địa, mạnh mẽ phản đối về ngoại giao, tranh thủ sự lên tiếng của cộng đồng quốc tế chính là kế sách hợp lý nhất lúc này để đối phó với Trung Quốc. Mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta luôn vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Các chính sách, biện pháp giải quyết trong các tình huống tranh chấp trên biển Đông của Đảng, Nhà nước ta thể hiện nhất quán nguyên tắc, mục tiêu đó. Việc bảo vệ chủ quyền trên biển Đông được thực hiện một cách có lộ trình với những bước đi, tính toán kỹ lưỡng, chứ không phải là vấn đề thích là làm và làm thiếu tính toán, bất chấp mối tương quan và những hệ lụy có thể xảy đến.

Hiện nay, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng việc Trung Quốc đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 08 xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông để gia tăng các hoạt động chống phá, xuyên tạc hòng làm cho người dân “sập bẫy”, kích động biểu tình, đập phá nhà xưởng, xí nghiệp của nước ngoài (mà chủ yếu là của Trung Quốc), gây tổn thất lớn về kinh tế, ngoại giao, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội như năm 2014.

Tinh thần dân tộc, lòng yêu nước luôn cháy bỏng trong mỗi con người dân Việt Nam. Hãy hiện thực hóa tinh thần đó bằng những việc làm cụ thể để đưa đất nước ta ngày càng phát triển, giàu mạnh, sánh vai với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới; tích cực tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm phiến diện, sai trái, thù địch, xuyên tạc trước tình hình biển Đông của các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước.

Mỗi người dân yêu nước cần tỉnh táo, bình tĩnh, tin tưởng tuyệt đối vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong việc xử lý các vấn đề phức tạp trên biển Đông; nhận thức rõ luận điệu xuyên tạc, kích động, chống phá của các thế lực thù địch để có hành động đúng, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay./.

Huyền Linh

Chia sẻ bài viết