Tiếng Việt | English

31/07/2024 - 10:20

Đấu tranh phản bác thông tin xấu, độc trên mạng xã hội

Nhận diện, đấu tranh phản bác thông tin xấu, độc (TTXĐ) của các thế lực thù địch, phản động trên mạng xã hội (MXH), góp phần xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn là nhiệm vụ không chỉ của các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể, các cơ quan chức năng mà còn là việc làm rất cần thiết của mỗi cá nhân khi sử dụng MXH.

Trong thời đại kỷ nguyên số, sử dụng MXH là nhu cầu thiết yếu của mọi giai tầng xã hội. Lợi dụng vấn đề này, các thế lực thù địch, phản động đã triệt để tận dụng mọi phương thức để đưa vào những luồng TTXĐ trái với văn hóa, đạo đức và quy định của pháp luật nhằm tạo ra những luồng dư luận tiêu cực, gây hoang mang, làm giảm sút niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

Nhận diện thông tin xấu, độc

TTXĐ về văn hóa, đạo đức, trái với quy định của pháp luật chứa nội dung sai sự thật, bịa đặt; chưa được kiểm chứng hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xuyên tạc, bóp méo gây ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức; phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chống phá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước ta và gây chia rẽ đoàn kết nội bộ, đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, đe dọa an ninh chính trị, chủ quyền quốc gia;...

Những TTXĐ về văn hóa, đạo đức, trái với quy định của pháp luật đang lưu hành trên MXH ở nước ta với những dạng sau: Thông tin chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Đảng, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, chiến lược bảo vệ Tổ quốc và chính sách đối ngoại của Đảng ta; phủ nhận những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước; xuyên tạc lịch sử dân tộc, đặc biệt là những cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta; xuyên tạc thân thế, cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và phủ nhận công lao của Người đối với sự nghiệp cách mạng nước ta; bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, tướng lĩnh quân đội; truyền bá lối sống vị kỷ, vụ lợi, trụy lạc và thù hận đối với cá nhân và tổ chức; phá hoại sự thống nhất quốc gia, dân tộc, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; phá hoại bản sắc văn hóa dân tộc;...

Thủ đoạn TTXĐ trên MXH rất đa dạng, tinh vi. Các đối tượng xấu thường lấy danh nghĩa các tổ chức “xã hội dân sự”, “diễn đàn dân chủ”,... để tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, quan điểm, cương lĩnh, nền tảng tư tưởng của Đảng, đặc biệt là những vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “tự do báo chí", "tự do ngôn luận”, “tôn giáo”,... Chúng thường lợi dụng một số cá nhân thoái hóa, biến chất về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống hoặc có tham vọng chính trị cao, thành lập các hội, nhóm, diễn đàn,... làm cơ quan ngôn luận, địa chỉ hoạt động cho tổ chức “dân chủ” trên MXH để phát tán văn hóa phẩm có nội dung xấu, độc, trái với văn hóa, đạo đức và quy định của pháp luật. Qua đó, kích động biểu tình, chống đối chính quyền địa phương, gây mất trật tự, an toàn xã hội và mất ổn định an ninh chính trị ở địa phương, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Các thế lực thù địch thường sử dụng các website, trang MXH như Facebook, Zalo, Twitter, YouTube, TikTok,... để tuyên truyền những TTXĐ. Phương thức phổ biến của các đối tượng này là tổng hợp tin tức từ các báo chính thống để tạo ra sự khách quan, sau đó cài cắm thêm những thông tin sai sự thật, xuyên tạc. Người sử dụng thông qua đường dẫn (link) của bạn bè trên MXH do nhẹ dạ, cả tin, thiếu kiến thức nên đã tin theo luận điệu của các thế lực thù địch, phản động, từ đó bị chúng dụ dỗ, lôi kéo để phục vụ cho mưu đồ của chúng.

Mặt khác, các đối tượng này còn thiết lập các trang mạng giả danh tổ chức hoặc cá nhân, đưa ra những thông tin sai sự thật nhằm tạo ra những hình ảnh méo mó, xuyên tạc về đất nước, văn hóa và con người Việt Nam. Chúng cũng lợi dụng những yếu kém trong công tác quản lý, công tác cán bộ, những sai phạm của một số tổ chức, cá nhân để nói xấu, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta, gây ảnh hưởng tiêu cực đến dư luận xã hội, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước trong xử lý thông tin xấu, độc

Trước các diễn biến phức tạp của TTXĐ trên MXH, những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và cấp ủy các cấp, toàn hệ thống chính trị đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ khẳng định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh luôn giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội Việt Nam; vô hiệu hóa các luận điệu và hoạt động phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị; bảo vệ thành công những thành tựu mà nhân dân ta đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Những năm gần đây, công cuộc đấu tranh phòng, chống TTXĐ về văn hóa, đạo đức, trái với quy định của pháp luật trên MXH đã đạt nhiều kết quả tích cực. Ban Chỉ đạo 35 các cấp phối hợp cơ quan thường trực, lực lượng nòng cốt, lực lượng chuyên sâu, lực lượng tham gia đấu tranh ở từng cấp đã hoạt động hiệu quả, góp phần làm thất bại âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Ngành Truyền thông phối hợp ngành Công an triển khai nhiều giải pháp đấu tranh đồng bộ trên các mặt, gồm: Pháp lý, kinh tế, kỹ thuật, buộc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tuân thủ pháp luật Việt Nam; từ đó kiểm soát, ngăn chặn, kịp thời gỡ bỏ TTXĐ trên MXH.

Hiện nay, số lượng người dân tham gia sử dụng MXH ngày càng gia tăng với nhiều xu hướng, mức độ, mục đích khác nhau. Đặc biệt, trong kỷ nguyên số, các thế lực thù địch, phản động tăng cường việc sử dụng tin giả để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta, gây chia rẽ nội bộ, mất an toàn xã hội của đất nước. Đảng và Nhà nước đã triển khai nhiều giải pháp đấu tranh phòng, chống TTXĐ như tăng cường vai trò lãnh đạo của cơ quan chức năng, chú trọng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về truyền thông; xử lý nghiêm mọi cá nhân, tổ chức tung tin xấu, độc, trái quy định của pháp luật trên các trang MXH nhằm bảo vệ Đảng, Nhà nước và chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Tuy nhiên, hiệu quả công tác đấu tranh với hành vi đưa tin không chính xác, phát tán các video xấu, độc trên Internet chống phá Đảng, Nhà nước vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn; tình trạng phát tán tin giả, tin sai sự thật trên MXH vẫn đang diễn biến rất phức tạp, theo chiều hướng ngày càng gia tăng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến dư luận xã hội.

Việc xử lý TTXĐ trên MXH để bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ, chống các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch, hướng tới xây dựng môi trường MXH an toàn, lành mạnh luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt coi trọng. Định hướng xây dựng và phát triển đất nước xác định phải tăng cường đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu của các thế lực thù địch là một trong những nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết. Văn kiện Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Các thế lực thù địch với những thủ đoạn mới nhất là triệt để sử dụng các phương tiện truyền thông trên Internet để chống phá... Tăng cường đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch”. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ ra một số nguyên nhân ảnh hưởng đến hiệu quả công tác đấu tranh phản bác: “Công tác thông tin, tuyên truyền một số chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước chưa phong phú, thường xuyên, kịp thời, chưa đáp ứng được sự mong đợi của nhân dân. Công tác đấu tranh phản bác, ngăn chặn các TTXĐ, quan điểm sai trái, thù địch có lúc, có nơi còn bị động, thiếu sắc bén, tính chiến đấu chưa cao”.

Để hiện thực hóa quan điểm của Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm quản lý chặt chẽ các hoạt động báo chí, xuất bản, mạng viễn thông, MXH như Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, ngày 03/02/2020 “Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử”; Nghị định số 14/2022/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP; Nghị định số 119/2020/NĐ-CP “Quy định xử phạt hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản”; Nghị định số 53/2022/NĐ-CP “Quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng”;... Đây là căn cứ pháp lý để các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân tham gia MXH đăng tải, bình luận, chia sẻ thông tin đúng pháp luật. Đây cũng là cơ sở để cơ quan chức năng đấu tranh ngăn chặn, xử lý những TTXĐ, góp phần xây dựng môi trường văn hóa, văn minh, lành mạnh trên MXH.

Một số giải pháp chủ yếu

Việc xác lập các giải pháp tiếp tục đấu tranh kiểm soát, xử lý các TTXĐ trên MXH nhằm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ Đảng, Nhà nước và Nhân dân ngày càng trở nên cấp thiết. Trước hết, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội cần tập trung một số giải pháp trọng tâm:

Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, quán triệt sâu, rộng cho người dùng MXH bằng các hình thức phù hợp, hiệu quả nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức và tinh thần trách nhiệm khi tham gia MXH. Mỗi cá nhân tham gia MXH cần phải quán triệt và nhận thức đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước như nội dung về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, những hành vi bị nghiêm cấm trong sử dụng MXH.

Nâng cao năng lực quản lý, nắm chắc tình hình tư tưởng và thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong từng cơ quan, đơn vị. Tăng cường biện pháp quản lý chặt chẽ thông tin trên Internet và MXH trên cơ sở luật pháp và các điều ước quốc tế. Tăng cường các biện pháp hỗ trợ người dùng MXH nhận diện và tự phòng, chống TTXĐ, trái với văn hóa, đạo đức và quy định của pháp luật trên MXH và chủ động, kịp thời cung cấp thông tin chính thống một cách đầy đủ, toàn diện. Xây dựng cơ chế khuyến khích người dùng MXH tích cực đấu tranh chống luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, chủ động đề phòng và hạn chế tiếp xúc với các luồng TTXĐ trái với văn hóa, đạo đức và quy định của pháp luật.

Trong thời đại ngày nay, sử dụng MXH cũng là nhu cầu thiết yếu. Tuy nhiên, các thế lực thù địch đã lợi dụng triệt để MXH để đưa tin, đăng tải những TTXĐ, trái với quy định của pháp luật, gây hoang mang trong nhân dân. Vì vậy, việc nhận diện, đấu tranh phản bác TTXĐ của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị là vấn đề vô cùng quan trọng và cấp thiết. Xây dựng môi trường MXH lành mạnh, an toàn là nhiệm vụ không chỉ của Đảng, Nhà nước, cơ quan chức năng mà còn là nhiệm vụ và trách nhiệm của mỗi người dân yêu nước khi sử dụng MXH./.

Huyền Linh

Chia sẻ bài viết