Tiếng Việt | English

12/02/2025 - 08:44

Phản bác luận điệu sai sự thật về tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam

Nhiều năm qua, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) thường xuyên đưa ra nhận định, báo cáo không chính xác về tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, từ đó kêu gọi chính phủ các nước cũng như các tổ chức quốc tế gây sức ép với chính quyền Việt Nam. Việc làm của USCIRF khiến dư luận thế giới vô cùng bức xúc, lên án. Năm 2024, USCIRF công bố cái gọi là “Báo cáo tự do tôn giáo năm 2024” với những thông tin phiến diện, sai lệch về tình hình tôn giáo ở Việt Nam.

1.  Đúng như dự kiến, cái gọi là “Báo cáo tự do tôn giáo năm 2024” của USCIRF cũng chẳng khác gì so với năm 2023. Các nước khác về hệ tư tưởng và “không thân thiện với Mỹ” như Nga, Trung Quốc, Cuba, Iran, Triều Tiên, Ấn Độ,... luôn được xếp vào danh sách” các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo - CPC”. Trên cái gọi là “bản đồ về tự do tôn giáo”, các nước nói trên luôn trong tình trạng “báo động đỏ”.

Những đánh giá phiến diện, sai lệch, thiếu khách quan về tự do tôn giáo như vậy được duy trì từ khi USCIRF ra đời năm 1998. Tổ chức này được Chính phủ Mỹ trao quyền nghiên cứu và báo cáo về tình hình tự do tôn giáo của từng quốc gia, trừ Mỹ.

Hàng năm, USCIRF đưa ra báo cáo thường niên về vấn đề tự do tôn giáo của các nước trên thế giới, kèm với đó là khuyến nghị Ngoại trưởng Mỹ về danh sách “các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo - CPC”. Những nước trong “danh sách đỏ” CPC sẽ phải chịu các biện pháp trừng phạt dưới các hình thức khác nhau.

Trong báo cáo năm 2024, USCIRF đưa ra nhiều thông tin phiến diện, sai lệch về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam. Báo cáo đưa ra những nhận định cho rằng, tự do tôn giáo ở Việt Nam không có gì thay đổi so với năm trước; cáo buộc chính quyền sử dụng Luật Tín ngưỡng tôn giáo để đàn áp các nhóm tôn giáo của dân tộc thiểu số và các nhóm tôn giáo không được chính phủ công nhận. USCIRF cáo buộc chính quyền Việt Nam “tăng cường kiểm soát và đàn áp tôn giáo một cách nghiêm trọng”.

Ngoài ra, trong báo cáo năm nay, USCIRF còn cho rằng, “chính quyền Việt Nam tiếp tục gây áp lực lên các tín đồ Cao Đài độc lập, các thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất và các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo quyết giữ đạo gốc, buộc họ phải tham gia vào những tổ chức Nhà nước kiểm soát. Bên cạnh đó, Nhà nước ngăn cản họ trong việc thực thi niềm tin tôn giáo một cách độc lập”.

Điều đáng nói, những thông tin mà USCIRF dùng để minh chứng đều thu thập từ các cá nhân, tổ chức chống phá Việt Nam. Đó là thành viên của những tổ chức, hội, nhóm đội lốt tôn giáo, hoạt động trái pháp luật: “Giáo hội phật giáo Việt Nam thống nhất”, “Hội đồng Liên tôn Việt Nam”, “Cao Đài chơn quyền”, “Phật giáo Hòa Hảo độc lập”, “Đạo Dương Văn Minh”, “Pháp luân công”, “Đạo Hà mòn”, “Hội thánh đức chúa trời”,...

Từ những thông tin phiến diện, vô căn cứ đó, USCIRF cho rằng, Việt Nam cần bị đưa vào “danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo - CPC”, với cáo buộc “do các vi phạm gia tăng”.

2. Ngay sau khi USCIRF công bố bản báo cáo phiến diện, sai lệch, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam - Phạm Thu Hằng khẳng định qua cuộc họp báo: Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền theo hoặc không theo tôn giáo nào của người dân.

Tại Việt Nam không có ai bị phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng, các hoạt động của các tổ chức tôn giáo được bảo đảm theo quy định của pháp luật. Điều này được thể hiện trong Hiến pháp năm 2013, hệ thống pháp luật của Việt Nam cũng như được tôn trọng trên thực tế.

Các chính sách hỗ trợ và thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người, trong đó có tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng đã được nhiều nước ghi nhận và đánh giá cao. Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục trao đổi với phía Mỹ về vấn đề mà hai bên cùng quan tâm trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn và tôn trọng lẫn nhau để đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược, toàn diện vì hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững giữa Việt Nam và Mỹ.

Thực tế, những tổ chức mà USCIRF nhắc đến đều là những tổ chức không được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động tôn giáo. Trong đó, có những tổ chức được xem là tà đạo, tổ chức bất hợp pháp, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi hoặc tiến hành các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ở Việt Nam, trong các giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, xem đây là vấn đề mang tính chiến lược, quan trọng trong tiến trình xây dựng, bảo vệ đất nước.

Ngay từ buổi đầu thành lập, trong phiên đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 03/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố: “Thực dân và phong kiến tìm mọi cách chia rẽ đồng bào lương và đồng bào giáo để cai trị, tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết”; điều này trở thành nguyên tắc trong chính sách nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta qua các thời kỳ lịch sử.

Hiện nay, theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ, Việt Nam có 27 triệu tín đồ (trong đó có khoảng 2,8 triệu người dân tộc thiểu số theo tôn giáo), chiếm khoảng 27% dân số cả nước; hơn 54.000 chức sắc; hơn 144.000 chức việc và gần 30.000 cơ sở thờ tự. Việt Nam cũng là quốc gia có hệ thống tín ngưỡng vô cùng phong phú với 50.703 cơ sở tín ngưỡng, trong đó, có khoảng 3.000 di tích gắn với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có một số di tích được UNESCO ghi danh là di sản thế giới.

Các chức sắc, tín đồ tôn giáo ở Việt Nam đều được đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, tự do thực hiện các lễ nghi tôn giáo, biểu hiện đức tin. Năm 2023, Nhà Xuất bản Tôn giáo xuất bản 2,4 triệu bản kinh sách, tài liệu liên quan bằng tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng các dân tộc thiểu số.

Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo sửa chữa, cải tạo xây dựng mới cơ sở tôn giáo. Đến nay, số lượng cơ sở tôn giáo được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên phạm vi toàn quốc đạt hơn 70%, nhiều cơ sở thờ tự được xây dựng, tôn tạo khang trang, quy mô để các tín đồ tôn giáo an tâm sinh hoạt tinh thần.

Điển hình như TP.HCM đã giao 7.500m2 cho Tổng liên hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam), xây dựng Viện Thánh kinh thần học; tỉnh Đắk Lắk giao hơn 11.000m2 đất cho Tòa giám mục Buôn Ma Thuộc; tỉnh Quảng Trị giao thêm 15ha đất cho Giáo xứ La Vang;...

Thực tế chứng minh rằng, những nhận định trong cái gọi là “Báo cáo tự do tôn giáo năm 2024” của USCIRF là phiến diện, hoàn toàn sai lệch về tình hình tôn giáo ở Việt Nam. Mỗi người dân cần tỉnh táo nhận diện, sàng lọc khi tiếp nhận các thông tin liên quan, góp phần đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động hiện nay./.

Huyền Linh

Chia sẻ bài viết