Thủ đoạn và luận điệu xuyên tạc
Những năm gần đây, MXH là một trong những môi trường mà các thế lực thù địch, phần tử phản động trong và ngoài nước thường xuyên ra sức khai thác, lợi dụng để tung thông tin bịa đặt, xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước ta.
Các đối tượng cực đoan, thiếu thiện chí liên tục tìm mọi cách mở rộng mạng lưới kênh thông tin trên các trang MXH với mưu đồ tiếp cận người dùng để thao túng tâm lý, truyền bá thông tin sai sự thật, bịa đặt nhằm gây sự hiểu lầm, kích động tâm lý chống đối.
Đáng chú ý, các đối tượng lợi dụng tâm lý lứa tuổi, nhận thức chính trị còn hạn chế của một bộ phận người dân, nhất là người trẻ để tuyên truyền tư tưởng sai trái, lệch lạc các chủ trương, chính sách về bảo đảm QCN của Việt Nam.
Chúng ra sức xuyên tạc cho rằng Đảng, Nhà nước phân biệt đồng bào dân tộc thiểu số, không quan tâm đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo,... từ đó kích động, lôi kéo người dân tham gia các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước.
Các đối tượng này còn thường xuyên phát tán những thông tin sai sự thật, xuyên tạc về tình hình thực tế tại Việt Nam, vu cáo Việt Nam không có tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, phủ nhận chính sách bình đẳng giữa các tôn giáo, lên án Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền,...
Nghiêm trọng hơn, chúng lợi dụng một số phát ngôn, hình ảnh hoạt động thực hành tín ngưỡng, tôn giáo chưa chuẩn mực của một số ít nhà tu hành để cắt ghép, xuyên tạc, lấy đó làm bằng chứng để lớn tiếng bôi nhọ, quy chụp, công kích một số tôn giáo chính thống, cổ xúy các hoạt động chống phá núp bóng tôn giáo; chỉ trích chính sách của Đảng, Nhà nước là bóp nghẹt “dân chủ, nhân quyền”, “nhân danh”, một số “tổ chức quốc tế” lên án về tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam,...
Đẩy mạnh công tác truyền thông về bảo vệ quyền con người
Ngày 14/9/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1079/QĐ-TTg phê duyệt Đề án truyền thông về QCN ở Việt Nam giai đoạn 2023-2028. Đề án được thực hiện trên 63 tỉnh, thành trong cả nước với mục tiêu truyền thông nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hiểu biết của toàn xã hội về các QCN; thông tin đầy đủ giúp người Việt Nam ở trong nước và ngoài nước cũng như bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về quan điểm, chủ trương, sự nỗ lực, kết quả đã đạt trong công tác bảo vệ và thúc đẩy QCN ở Việt Nam; không ngừng nâng cao uy tín của Việt Nam trong lĩnh vực bảo đảm QCN ở phạm vi trong nước và trên thế giới.
Trên thực tế, công tác tuyên truyền về nhân quyền được xác định là một nội dung quan trọng trong công tác bảo vệ và đấu tranh về QCN. Vì vậy, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm chỉ đạo triển khai công tác truyền thông đối nội, đối ngoại về QCN dưới nhiều hình thức khác nhau, thời gian qua có nhiều chuyển biến, bài bản, chuyên nghiệp hơn.
Các cơ quan, đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ; phương thức ngày càng đa dạng; huy động hiệu quả các nguồn lực; chủ động thông tin; cung cấp thông tin kịp thời, có tính đi trước, dự báo. Với những đóng góp tích cực và nổi bật, các hoạt động truyền thông góp phần tạo sự chuyển biến lớn trong nhận thức, hiểu biết của toàn xã hội về QCN cũng như công tác nhân quyền của Việt Nam.
Tuy nhiên, công tác thông tin, truyền thông về QCN hiện cũng đứng trước nhiều yêu cầu, thách thức mới khi tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động, đòi hỏi phải có sự đổi mới, linh hoạt hơn, không để bị động trước sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Đáng chú ý, Đề án truyền thông về QCN giai đoạn 2023-2028 chỉ rõ: “Ưu tiên khai thác hiệu quả thế mạnh của truyền thông trên các nền tảng số”. Đây là quan điểm đúng đắn và phù hợp với sự phát triển của thực tiễn khách quan. Bởi tiềm năng truyền thông trên các nền tảng MXH của Việt Nam là rất lớn.
Theo công bố của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, đến đầu năm 2024, cả nước có 78,44 triệu người đang sử dụng Internet, tương ứng với 79,1% dân số. Trong đó có tới 72,7 triệu người sử dụng MXH, tương ứng với 73,3% tổng dân số.
Thực tiễn cho thấy, trong công tác truyền thông, việc đưa thông tin kịp thời, đúng lúc, đúng đối tượng và mục tiêu đề ra có vai trò hết sức quan trọng. Nhờ khả năng kết nối xuyên biên giới, đa kênh, tương tác cao, tính lan tỏa mạnh mẽ, dễ tiếp cận,... truyền thông xã hội cho thấy những lợi thế vượt trội trong việc phổ cập thông tin đến mọi tầng lớp nhân dân.
Tại Việt Nam, trước sự phát triển của MXH không ngừng gia tăng, thời gian qua, các cơ quan chức năng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, phát huy vai trò của nền tảng MXH trong hoạt động truyền thông. Nhiều chuyên mục, chương trình chuyên sâu về QCN bằng các thứ tiếng khác nhau, nhiều chiến dịch truyền thông về QCN được triển khai trên các nền tảng MXH thu hút sự hưởng ứng tích cực của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài. Người dân cũng chủ động cung cấp thông tin, hình ảnh sống động, thuyết phục về kết quả bảo vệ QCN tại Việt Nam.
Công tác truyền thông và thực tiễn sinh động kết quả bảo đảm nhân quyền của Việt Nam, nhất là bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo là không thể phủ nhận và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Vì vậy, bên cạnh thông tin kịp thời, hiệu quả những thành tựu này, công tác tuyên truyền về QCN giai đoạn tới cần tiếp tục tập trung vào mục tiêu mà Đề án Truyền thông về QCN giai đoạn 2023-2028 đã đặt ra. Đó là, phấn đấu đến năm 2028, 100% cơ quan hành chính nhà nước thực hiện cơ chế phát ngôn, cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí về công tác QCN theo quy định hiện hành. Thông tin về tình hình, kết quả công tác QCN kịp thời và tương xứng với các nỗ lực, thành tựu bảo vệ QCN của các cơ quan chức năng và các địa phương trong cả nước.
Bên cạnh đó, các đơn vị truyền thông cần đa dạng hóa hình thức các sản phẩm truyền thông đại chúng, nâng tỷ trọng các sản phẩm truyền thông bằng tiếng dân tộc, tiếng nước ngoài và sản phẩm truyền thông trên nền tảng số chiếm từ 15-20% tổng số sản phẩm truyền thông về QCN.
Đáng lưu ý, 100% nguồn dữ liệu và sản phẩm truyền thông của Đề án sẽ được số hóa, kết nối, sử dụng chung và phổ biến trên không gian mạng để lan tỏa thông tin tích cực, nhân văn.
Để đạt những mục tiêu trên, các cơ quan chức năng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, xác định rõ công tác truyền thông về QCN là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, đòi hỏi sự đồng bộ trong nhận thức và hành động, nhất là đổi mới tư duy và phương thức triển khai; cần bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa các cấp, từ Trung ương đến địa phương trong tuyên truyền và cung cấp thông tin về QCN. Các cơ quan liên quan cần linh hoạt mở rộng hệ sinh thái truyền thông trên các nền tảng MXH; phát triển truyền thông đa kênh và hiện đại trong lĩnh vực đấu tranh và bảo vệ QCN.
Các cơ quan báo chí một mặt cung cấp thông tin kịp thời, đúng định hướng về QCN, mặt khác chủ động đấu tranh phản bác các thông tin xấu, độc, tin giả, chống phá của các thế lực thù địch bằng những hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng để phát huy hiệu quả tốt nhất.
Các chiến dịch truyền thông về QCN cần được triển khai với những cách thức sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển của các nền tảng MXH.
Các đơn vị truyền thông cần chú trọng thiết kế, xây dựng nội dung hấp dẫn, dễ hiểu, kết hợp hình ảnh, video và nội dung tương tác để thu hút sự chú ý của cộng đồng, nhất là giới trẻ.
Cần hết sức lưu ý, khi đưa truyền thông xã hội thành một trong các kênh thông tin chủ lực thì phải bảo đảm tính chính xác và minh bạch của tin tức; đồng thời, chú trọng lựa chọn thời điểm và bối cảnh thích hợp để truyền tải nội dung thông điệp tuyên truyền./.
Huyền Linh