“Trong đánh, ngoài vây”
Quyết định kiên quyết, dũng cảm của Nam bộ được Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhất trí và gửi Huấn lệnh biểu dương. Như vậy, cùng với Nam bộ, nhân dân Tân An - Chợ Lớn sống trong hòa bình chỉ 21 ngày ngắn ngủi sau khi nước Việt Nam chính thức công bố quyền độc lập và thiết lập chính thể dân chủ cộng hòa, để rồi bước vào cuộc chiến đấu mới.
Ngay sau khi Tổng ủy Mặt trận - Trần Văn Giàu triệu tập hội nghị quân sự, thành lập 4 mặt trận (Đông Bắc, Tây Bắc, Tây và Nam), cùng với toàn Nam bộ, nhân dân Tân An - Chợ Lớn hướng về Sài Gòn thực hiện “trong đánh, ngoài vây” cầm chân quân Pháp.
Với vị trí cửa ngõ và tiếp giáp Sài Gòn, Tân An - Chợ Lớn làm nhiệm vụ ở 2 mặt trận hình thành ở phía Tây (Mặt trận số 3 hay Mặt trận Phú Lâm - Chợ Đệm) án ngữ lộ Đông Dương (nay là Quốc lộ 1), con đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho và lộ 10 Phú Lâm - Đức Hòa và phía Nam (Mặt trận số 4 hay Mặt trận tiền tuyến Sài Gòn - Chợ Lớn) gồm mặt trận Bình Đông, mặt trận cầu chữ Y, mặt trận Tân Thuận - Thủ Thiêm trải dài trên suốt cụm dân cư vùng ven phía Nam Sài Gòn - Chợ Lớn.
Du kích Nam bộ của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh TL: Internet
Dù “Thuốc súng kém, chân đi không” nhưng nhân dân Tân An - Chợ Lớn từ thành thị đến nông thôn, những đoàn quân giáo, nóp, gậy tầm vông rầm rập kéo đi trong khí thế “rền khắp trời lời hoan hô, quân dân Nam nhịp chân kéo ra trận tiền... Thề giết hết quân xâm lăng” (lời bài hát Nam bộ kháng chiến của Tạ Thanh Sơn), đưa hình ảnh của ngọn tầm vông, chiếc nóp đi vào lịch sử kháng chiến chống xâm lược như một trong những biểu tượng về tinh thần quyết chiến của dân, quân Chợ Lớn - Tân An và Nam bộ khi “sơn hà nguy biến”.
Suốt hơn một tháng “trong đánh, ngoài vây”, dân, quân Chợ Lớn trên 2 mặt trận tiền tuyến, bằng mọi hình thức, như sơ tán dân, cơ quan, tổ chức và bố trí lực lượng canh gác, báo động, phá đường, đắp mô, thực hiện “vườn không, nhà trống”, thành lập các ủy ban kháng chiến địa phương, xây dựng và tăng cường lực lượng tự vệ, thanh niên chiến đấu đưa về các mặt trận tham gia chiến đấu,... tấn công liên tục, bao vây cầm chân địch trong thành phố Sài Gòn, làm cho quân Pháp lâm vào cảnh khốn đốn trong “một thành phố chết”: Không điện, không nước, thiếu vũ khí, thiếu lương thực - thực phẩm, thiếu quân và luôn bị dân, quân ta tập kích, tiêu hao, tiêu diệt,... buộc phải tìm cách hoãn binh, nhờ đại diện của quân Anh xin điều đình với Ủy ban Kháng chiến Nam bộ. Tất cả góp phần quan trọng vào nhiệm vụ “đi trước”, tạo thời gian quý báu cho Nam bộ và cả nước chuẩn bị kháng chiến.
“Đi trước, về sau”
Sau khi viện binh đến Sài Gòn (23/10/1945), quân Pháp lập tức triển khai kế hoạch chọc thủng các phòng tuyến bao vây của ta ở Sài Gòn - Chợ Lớn, rồi theo 2 cánh đường bộ theo lộ Đông Dương và Tỉnh lộ 5A (Quốc lộ 50) Chợ Lớn - Gò Công, dùng chiến hạm Richelieu và kỳ hạm Triomphang theo đường thủy xuất phát từ Cần Giờ tiến đánh Đồng bằng sông Cửu Long.
Đến cuối tháng 10/1945, quân Pháp lần lượt đánh chiếm các trục giao thông quan trọng, các tỉnh lỵ, quận lỵ ở các tỉnh Trung Nam bộ. Trở thành tuyến đầu khi Pháp mở rộng cuộc chiến, Tân An - Chợ Lớn nhanh chóng triển khai các “trận địa chiến” trên bộ, các tuyến vật cản dưới sông, sơ tán các cơ quan, trước mắt ra bưng biền vùng ven (Bình Trị, Tân Nhựt, Tân Kiên, Tân Bửu, An Thạnh, Rạch Chanh,...) và chuẩn bị căn cứ lâu dài là Vườn Thơm, Bà Vụ. Xứ ủy rút lên vùng kênh Lý Văn Mạnh; Tỉnh ủy Chợ Lớn dời vào nhà máy thơm Lý Văn Mạnh, rồi lên khu vực miếu Ông Lão (Hựu Thạnh, Đức Hòa).
Quân Pháp gặp ngay sức phản kháng quyết liệt của lực lượng kháng chiến ở tuyến đầu Tân An - Chợ Lớn. Sau khi Pháp chiếm tỉnh lỵ Tân An, đêm 18 rạng 19/11/1945, lợi dụng trời trăng sáng, địch mất cảnh giác, Cộng hòa vệ binh Nam bộ và Khu 8 phối hợp Cộng hòa vệ binh tỉnh Tân An và thanh niên vũ trang các quận chia làm 4 cánh (Khánh Hậu - Lợi Bình Nhơn, Thủ Thừa - Vĩnh Công - Hòa Phú - An Vĩnh Ngãi và cánh tả ngạn sông Vàm Cỏ Tây) tập kích ga Tân An, bót Nhà Thờ, Kho bạc, Tòa bố và Dinh Tỉnh trưởng, gây cho địch thương vong và thiệt hại đáng kể. Địch phải dùng pháo 20 ly gắn trên xe tăng mới giải tỏa được trận địa.
Cuối năm 1945, cấp ủy, ủy ban kháng chiến các cấp, lực lượng vũ trang ở Tân An - Chợ Lớn từng bước được chấn chỉnh, củng cố, thống nhất chỉ huy dưới sự lãnh đạo của Đảng. Sang năm 1946, toàn dân Tân An - Chợ Lớn đi bỏ phiếu bầu Quốc hội, biểu thị niềm tin tưởng lớn lao vào Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Khoảng thời gian giữa Hiệp định sơ bộ 6/3 và Tạm ước 14/9, ta tiếp tục tranh thủ thời gian để củng cố mọi mặt, góp phần đưa phong trào kháng chiến ở Tân An - Chợ Lớn phát triển rộng khắp, làm nên nhiều chiến công vang dội, như trận Nhà Dài, Xóm Trường (Cần Đước), đặc biệt là trận Mỹ Bình (nay thuộc huyện Tân Trụ), ngày 30/6/1946, của Chi đội 14, lực lượng Vệ quốc đoàn Cần Đước (do đồng chí Hồng Son Đỏ chỉ huy) và dân quân du kích tập trung quận Thủ Thừa (do đồng chí Hồ Tấn Điều chỉ huy), diệt 135 tên, bắn hư hỏng nặng 1 xe quân sự, thu 100 súng, trong đó có 6 FM, là trận đánh gây tiếng vang, củng cố niềm tin của đồng bào, khích lệ, cổ vũ phong trào kháng chiến ở địa phương khi thực dân Pháp tái xâm lược. Đến cuối năm 1946, chiến trường du kích hình thành khắp Tân An - Chợ Lớn, góp phần làm thất bại chương trình bình định cấp tốc của Leclerc.
Đêm 19/12/1946, Pháp nổ súng tiến công Hà Nội. Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Cùng với cả nước, Tân An - Chợ Lớn “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”.
Tính đến ngày Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, cùng với Nam bộ, nhân dân Tân An - Chợ Lớn trải qua hơn 15 tháng chống xâm lược sau khi hưởng tự do, độc lập chỉ 21 ngày. Trong những năm tháng hào hùng ấy, Tân An - Chợ Lớn tỏ rõ tinh thần yêu nước quật cường và tinh thần chiến đấu anh dũng, góp phần làm thất bại âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của địch, tạo tiền đề cho cuộc kháng chiến trường kỳ sau này đi đến thắng lợi. Đó cũng là sự khởi đầu cho truyền thống “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” của nhân dân Long An về sau này, tô thắm lịch sử Nam bộ “Thành đồng Tổ quốc, đi trước về sau”.
Bước lên chặng đường mới trong công cuộc xây dựng quê hương, truyền thống ấy lại được nhân dân Long An phát huy để hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm một vùng xung yếu trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam; song song với những thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng lại quê hương, mà tiêu biểu là đi đầu trong việc thực hiện cơ chế một giá, đột phá vào việc xóa bỏ cơ chế quan liêu, bao cấp trong quản lý kinh tế và lưu thông, phân phối, đóng góp cơ sở thực tiễn cho đường lối đổi mới của Đảng; khai thác tiềm năng kinh tế Đồng Tháp Mười, góp phần tăng sản lượng lương thực cho cả nước, củng cố an ninh - quốc phòng ở vùng biên giới Tây Nam xung yếu của Tổ quốc và nay trở thành một trong những địa phương phát triển trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cùng cả nước vững bước tiến vào thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển.
“Mùa thu rồi ngày hăm ba
Ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến”...
72 năm trôi qua nhưng hào khí Nam bộ kháng chiến vẫn còn vang vọng như bản anh hùng ca bất tử với những tấm gương chiến đấu và hy sinh tràn đầy tinh thần yêu nước, khát khao lý tưởng và nhiệt huyết cách mạng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì sự trường tồn của đất nước. Hào khí ấy mãi mãi là nguồn động lực cho thế hệ hôm nay và mai sau vươn lên đạt những tựu mới./.
Tự hào những địa chỉ đỏ lưu dấu chiến công Cập Nhật 24-07-2017 Tự hào thay khi trên mảnh đất Long An “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc” còn lưu dấu bao chiến công oanh liệt, nơi cha anh ta có những ngày “nằm gai, nếm mật” chờ ngày giành lại độc lập. |
Nguyễn Tấn Quốc