Tiếng Việt | English

20/10/2021 - 08:45

Phát huy phẩm chất 'Tự tin - tự trọng - trung hậu - đảm đang'

Phụ nữ Việt Nam (PNVN) có những đóng góp to lớn vào sự phát triển của đất nước. Bước vào thời đại mới, những đức tính tốt đẹp của PN ngày càng được phát huy.

Tự tin theo đuổi đam mê

Đến thăm xưởng mộc của chị Nguyễn Thị Thu Vân (cơ sở Thúy Chiến), tại ấp Tây, xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, chúng tôi không khỏi bất ngờ về một cơ ngơi sạch sẽ, không tiếng ồn, bụi gỗ. Chạm khắc gỗ không phải là nghề xa lạ đối với “đấng mày râu” nhưng lại khá mới đối với PN. Dù không phải “con nhà nòi” nhưng với sự hỗ trợ từ chồng và niềm đam mê nghệ thuật, chị Vân đã “bén duyên” và khởi nghiệp với nghề ở độ tuổi 50.

Chị chia sẻ, mấy chục năm sinh sống tại TP.HCM, chị làm tròn vai trò người vợ, người mẹ trong gia đình. Sau đó, biến cố xảy ra, từ một người chỉ quanh quẩn trong gian bếp, chị tự vươn lên bằng chính đôi tay, nghị lực của mình. Chị tự học rồi mở tiệm chụp hình, cơ sở chăm sóc sắc đẹp,... Đến năm 2017, chị về quê và đầu tư vào lĩnh vực làm đẹp một thời gian, sau đó chuyển sang nghề chạm gỗ.

Phụ nữ Long An tham gia tích cực trong phòng, chống dịch Covid-19 (Trong ảnh: Phụ nữ Long An gửi những món quà yêu thương đến phụ nữ TP.HCM) (Ảnh tư liệu)

Chị nhận thấy, với sự phát triển không ngừng của khoa học - kỹ thuật, việc điêu khắc gỗ không còn dừng lại ở việc điêu khắc bằng tay mà còn có sự hỗ trợ của máy móc. Phổ biến nhất phải kể đến máy điêu khắc gỗ CNC (viết tắt của thuật ngữ Computer Numerical Control - máy tiện cơ khí điều khiển bằng máy tính). Đây là công nghệ tiên tiến nhất hiện nay trong lĩnh vực khắc gỗ nghệ thuật và có nhiều ưu thế vượt trội.

Theo chị Vân, khi sử dụng máy để gia công khắc gỗ, sản phẩm tạo ra đúng với bản vẽ đã thiết kế, rất thuận lợi trong gia công khắc gỗ hàng loạt; thời gian gia công ngắn nên tiết kiệm chi phí, giá luôn rẻ hơn so với khắc gỗ bằng tay, giảm thiểu tối đa lỗi do con người tạo ra.

Từ “tay ngang” chỉ có niềm đam mê, chị Vân dành thời gian học vi tính, sau đó đến Đồng Nai học chuyển giao công nghệ của loại máy trên. Thời gian đầu, được sự giới thiệu của Hội Liên hiệp (LH) PNVN xã, chị vay 100 triệu đồng từ ngân hàng để mua 1 máy CNC hơn 200 triệu đồng. Hiện tại, cơ sở của chị vừa làm thủ công, vừa sử dụng máy và giải quyết việc làm cho vài lao động nông thôn. Chị làm theo đơn đặt hàng của khách, nhận gia công theo mẫu cho khoảng 10 cơ sở trong và ngoài huyện.

Theo chị Nguyễn Thị Thu Vân, phụ nữ trong xã hội hiện đại vừa chu toàn việc nhà, vừa tham gia làm kinh tế (Trong ảnh: Chị Vân bên máy CNC)

“Ngày đó, khi lên Đồng Nai để học về máy CNC, ai cũng ngạc nhiên vì tôi là nữ lại lớn tuổi nhưng bản thân tôi không ngại. Chỉ cần mình kiên trì, yêu nghề, thời gian ngắn tôi tiếp thu được. Tôi nghĩ rằng, PN hiện đại không chỉ chăm sóc chồng, con mà còn phải mạnh dạn khởi nghiệp, làm kinh tế mới giữ gìn được hạnh phúc gia đình. Dù ở độ tuổi nào đi nữa, còn sức khỏe thì đừng nản lòng mà hãy chịu khó, nhất định sẽ thành công” - chị Vân chia sẻ.

Với truyền thống gia đình, mẹ chị là con liệt sĩ, bà cố chị là Mẹ Việt Nam Anh hùng nên chị luôn dạy các con phải sống cho xứng đáng. Ở địa phương, mẹ của chị cũng là người nhiệt huyết, thường xuyên tham gia các phong trào, đóng góp xây dựng nông thôn mới. Hai người con của chị chăm ngoan, học giỏi. Hiện người con trai lớn công tác trong ngành công an tại TP.HCM, con gái út đang theo học cao học ngành Luật. Bản thân chị cũng có những đóng góp cho địa phương, khi hỗ trợ nhu yếu phẩm cho những người có hoàn cảnh khó khăn trong đợt dịch vừa qua.

Góp sức xây dựng quê hương

Với mong muốn góp chút công sức của mình trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, cô Trịnh Thị Ngọc Trinh (SN 1984) - giáo viên Trường THCS Khánh Hậu (phường Khánh Hậu, TP.Tân An), vừa chuyển sang Trường THCS Lợi Bình Nhơn đầu năm học 2021 - 2022, cùng chính quyền, đoàn thể thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ người dân thành phố vượt qua khó khăn.

Trong đợt dịch vừa qua, cô Trinh đăng ký tham gia đội tình nguyện viên của Hội LHPNVN TP.Tân An. Bất kể ngày nắng hay ngày mưa, cô đều đến Hội để nhận phân loại nhu yếu phẩm, hỗ trợ “chuyến xe 0 đồng”, “gian hàng nghĩa tình”,... Cô cho hay: “Bản thân tôi thích tham gia công tác xã hội từ ngày còn nhỏ. Đến khi lập gia đình, tôi được chồng và người thân hỗ trợ nên tiếp tục ước mơ của mình.

Những ngày tham gia cùng các chị em, tôi sắp xếp công việc nhà, sáng dậy sớm lo cho 2 đứa con, sau đó nhờ cha mẹ chồng ở gần nhà trông giúp. Lúc đầu, chồng tôi cũng băn khoăn, lo lắng vì dịch bệnh phức tạp, thế nhưng sau đó anh hiểu và tạo điều kiện để tôi tham gia”.

Cô Trịnh Thị Ngọc Trinh (thứ 2, trái qua) là một trong những tình nguyện viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam TP.Tân An trong đợt dịch vừa qua

15 năm công tác trong ngành Giáo dục, ngoài hỗ trợ hoạt động phòng, chống dịch vừa qua, cô Trinh có khoảng 10 năm cùng nhóm thiện nguyện của mình rong ruổi theo các chuyến từ thiện tặng tập, sách giáo khoa,… cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Là giáo viên dạy mỹ thuật, vừa qua, cô Trinh đã sáng tác các tác phẩm đẹp mắt với công trình “Ghế đá nở hoa” tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh.

Chủ tịch Hội LHPNVN TP.Tân An - Huỳnh Thị Diễm Lệ nhận xét: “Nhờ những tình nguyện viên như cô Trinh đã làm ấm lòng người dân có hoàn cảnh khó khăn trong đợt dịch vừa qua. Cô Trinh là người tận tâm với công việc, mỗi lần Hội có việc, chỉ cần điện thoại, cô ấy đều sẵn lòng hỗ trợ. Không chỉ góp công, cô Trinh còn góp tiền mua thêm rau, củ, quả”.

Cô Trinh tham gia công trình “Ghế đá nở hoa” tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh

Phó Chủ tịch Hội LHPNVN tỉnh - Nguyễn Thụy Thắm cho biết, vai trò, vị thế của PN trong xã hội ngày càng nâng cao và có đóng góp lớn cho sự phát triển chung trên mọi lĩnh vực. PN ở mỗi thời đại bộc lộ những đặc điểm khác nhau do hoàn cảnh lịch sử đòi hỏi. Với đức tính nhân hậu, thủy chung, thực hiện tốt vai trò làm vợ, làm mẹ, gìn giữ hạnh phúc gia đình, PN xứng đáng được tôn vinh. Ngày nay, PN còn tham gia hệ thống chính trị, phát triển kinh tế, cùng nam giới đảm đương nhiều trọng trách.

Chúng ta tự hào với những đức tính, phẩm chất : “Công - dung - ngôn - hạnh”, “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang” và hiện nay, PN đang tự mình làm sáng thêm phẩm chất “Tự tin - tự trọng - trung hậu - đảm đang”. Thời gian qua, PN Long An phát huy truyền thống, tích cực tham gia các phong trào thi đua học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc; có những đóng góp vào các phong trào ở địa phương,...Đặc biệt, trong thời gian cùng tỉnh phòng, chống dịch Covid-19, PN đã “truyền lửa” yêu nước của các mẹ, các chị ngày xưa vào hoạt động này, huy động được nhiều chị em tham gia ứng phó dịch Covid-19.

Không còn thu mình trong gia đình, PN ngày nay luôn khẳng định bản lĩnh phái đẹp, nỗ lực tạo ra bản sắc riêng từ trí tuệ đến vẻ đẹp bên ngoài. “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, họ vừa là người “giữ lửa” trong gia đình, vừa có những đóng góp tích cực trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc phát triển KT - XH./.

Vai trò, vị thế của phụ nữ trong xã hội ngày càng nâng cao và có đóng góp lớn cho sự phát triển chung trên mọi lĩnh vực. Phụ nữ ở mỗi thời đại bộc lộ những đặc điểm khác nhau do lịch sử đòi hỏi. Với đức tính nhân hậu, thủy chung, thực hiện tốt vai trò làm vợ, làm mẹ, gìn giữ hạnh phúc gia đình, phụ nữ xứng đáng được tôn vinh. Ngày nay, phụ nữ còn tham gia hệ thống chính trị, phát triển kinh tế, cùng nam giới đảm đương nhiều trọng trách”.

Phó Chủ tịch Hội LHPNVN tỉnh - Nguyễn Thụy Thắm

Nguyệt Nhi

Chia sẻ bài viết