Nghề gia công chiếu thảm giúp người dân xã Ðức Mỹ, huyện Càng Long (Trà Vinh) nâng cao thu nhập.
Các cơ sở, hộ gia đình, người lao động và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực làng nghề, ngành nghề nông thôn đã có nhiều nỗ lực để phát triển bền vững các làng nghề.
Tỉnh An Giang hiện có 29 làng nghề được công nhận với 3.846 hộ. Các làng nghề này giải quyết việc làm cho khoảng 12.092 lao động với mức thu nhập bình quân từ 3,5 đến 5 triệu đồng/người/tháng.
Trong số 29 làng nghề đó, có 14 làng nghề và 15 làng nghề truyền thống. Thị trường tiêu thụ sản phẩm của các làng nghề chủ yếu là trong nước; một số ít được xuất khẩu, như sản phẩm thêu rua, đường thốt nốt... Hiện nay, một số cơ sở có quy mô tương đối lớn đang tích cực tìm kiếm thị trường thông qua các kỳ hội chợ; quảng bá sản phẩm như mắm, đường thốt nốt, rèn, đồ thủ công mỹ nghệ.
Tỉnh An Giang nổi tiếng với nghề truyền thống làm đường thốt nốt, nhất là tại hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Nghề này đã giải quyết việc tạo nguồn thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ đồng bào dân tộc. Ðể nâng cao hiệu quả sản phẩm, từ năm 2017, Hội Nông dân tỉnh và Tổ chức Phát triển nguồn nhân lực nông thôn châu Á đã hỗ trợ dự án "Nâng cao lợi ích từ sản xuất và tiêu thụ đường thốt nốt cho đồng bào dân tộc thiểu số Khmer tỉnh An Giang", qua đó hỗ trợ 102 máy đánh đường thốt nốt. Chị Néang Sóc Pon, ngụ xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn chia sẻ, nước thốt nốt có thể lấy quanh năm để nấu đường nhưng nếu lấy vào mùa khô thì đường sẽ ngọt, mầu sẽ đẹp hơn so với mùa mưa.
Một làng nghề lâu đời nổi tiếng ở tỉnh An Giang đó là nghề làm rập chuột ở thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, có từ năm 1957. Hiện làng nghề có 13 cơ sở sản xuất, mỗi cơ sở thuê khoảng 25 đến 30 nhân công, mỗi tháng làng nghề cung ứng cho thị trường từ 30.000 đến 45.000 sản phẩm. Ông Nguyễn Ngọc Giàu, Tổ trưởng làng nghề cho biết, làng hoạt động quanh năm, người làm rập lấy công làm lời. Trước đây để làm ra một cái rập chuột phải trải qua rất nhiều công đoạn, tất cả đều làm thủ công. Sau này nhờ có máy móc, thiết bị hiện đại hỗ trợ nên số lượng và chất lượng sản phẩm nhờ đó tăng lên rất nhiều. Làng nghề trụ vững đến nay, nông dân trong và ngoài tỉnh quanh năm đều mua rập đặt bẫy bắt chuột. Làng còn xuất khẩu sản phẩm sang Campuchia với số lượng hơn 1.000 rập/năm.
Ðến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh đã ban hành quyết định công nhận 13 làng nghề, gồm làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp xã Ðức Mỹ, huyện Càng Long; các làng nghề tiểu thủ công nghiệp xã Ðại An, xã Hàm Giang, dệt chiếu thảm xã Hàm Tân, huyện Trà Cú; làng nghề tiểu thủ công nghiệp xã Hưng Mỹ, đan đát, thủ công mỹ nghệ xã Lương Hòa, huyện Châu Thành; làng nghề bánh tét Trà Cuôn, xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang.
Nghệ nhân Diệp Thị Trang, ở ấp Giồng Ðình, xã Ðại An, huyện Trà Cú cho biết: Xã Ðại An là vùng đất giồng cát, triền giồng, thích hợp cho các loại tre, trúc phát triển. Với nguồn nguyên liệu dồi dào, người dân đã gìn giữ, phát triển nghề đan đát gần 100 năm qua. Trước đây, làng nghề tiểu thủ công nghiệp Ðại An chỉ sản xuất các mặt hàng truyền thống từ nguyên liệu tre, trúc như giường, bàn, ghế, xà ngôn... thu nhập không ổn định. Nhiều năm trăn trở, tìm hiểu nhu cầu của thị trường, bà Diệp Thị Trang đã tìm tòi, tạo ra những sản phẩm đan đát có kích cỡ nhỏ, tinh xảo dùng để trang trí nội thất, làm quà lưu niệm, quà tặng phục vụ du lịch rất được ưa chuộng, giúp cải thiện sinh kế cho người dân địa phương.
Năm 2019, bộ đồ dùng sinh hoạt nông thôn thu nhỏ của hộ kinh doanh Diệp Thị Trang là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh chứng nhận đạt OCOP 3 sao. Sở Công thương tỉnh Trà Vinh, các ngành, các cấp quan tâm xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm làng nghề nên đầu ra tăng lên, số đơn đặt hàng vượt khả năng cung ứng. Làng nghề tiểu thủ công nghiệp xã Ðại An hằng năm sản xuất khoảng 30 nghìn bộ sản phẩm, giải quyết việc cho hơn 1.000 lao động thường xuyên và thời vụ. Các cơ sở sản xuất của làng nghề tiểu thủ công nghiệp xã Hàm Giang đang dần thay thế các mặt hàng truyền thống như giường tre, thang tre bằng các sản phẩm salon, tủ, kệ sách, kệ trưng bày sản phẩm nông sản với giá trị cao gấp nhiều lần; mỗi năm cung ứng ra thị trường hơn 200 nghìn sản phẩm, doanh thu hàng tỷ đồng. Làng nghề dệt chiếu xã Hàm Tân hằng năm sản xuất hơn 100 nghìn chiếc chiếu, doanh thu hơn 10 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 1.500 lao động…
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ðức Mỹ (huyện Càng Long) Nguyễn Văn Song, năm 2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh quyết định công nhận làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp xã Ðức Mỹ. Các mặt hàng chủ lực của làng nghề xã Ðức Mỹ được sản xuất từ cây lác, trái dừa, cọng lục bình, phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu. Hiện xã có 500 ha đất chuyên canh cây lác. Trung bình một héc-ta đất trồng lác, nông dân thu hoạch 800 kg lác cọng loại I, 200 kg lác cọng loại II, giá bán 16.000 đồng/kg lác cọng loại I, 14.000 đồng/kg lác cọng loại II, ước thu nhập hơn 200 triệu đồng.
Năm 2021, Hợp tác xã dệt chiếu thảm Quyết Tâm, xã Ðức Mỹ gia công hơn 46.000 sản phẩm chiếu trắng, chiếu cói xanh, lõi lác, giải quyết việc làm cho 220 lao động nông thôn. Ðể tăng năng suất lao động, bà Nguyễn Thị Diễm Trang, chủ cơ sở dệt chiếu ấp Ðức Mỹ, xã Ðức Mỹ đầu tư hơn 300 triệu đồng mua 10 máy dệt chiếu bán tự động. Theo bà Trang, dệt chiếu bằng máy dệt bán tự động năng suất lao động cao gấp 10 lần so với dệt thủ công. Cơ sở dệt chiếu của bà Trang giải quyết việc làm cho 15 lao động nhàn rỗi với thu nhập khoảng 3 triệu đồng/người/tháng. Các hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở dệt chiếu thảm xã Ðức Mỹ thường sử dụng nguồn nguyên liệu lác tại chỗ, giải quyết đầu ra nguyên liệu, giúp người trồng lác huyện Càng Long có thu nhập ổn định.
Một tín hiệu vui đối với làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp xã Ðức Mỹ là năm 2021, Công ty TNHH một thành viên Út Mừng; Công ty TNHH Dừa Tấn Phát có nhiều đơn hàng xuất khẩu ra thị trường nước ngoài với các sản phẩm thảm xơ dừa, dây thừng, đạt doanh thu gần 100 tỷ đồng. Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Út Mừng Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết, tới đây, công ty tiếp tục đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, kết nối thị trường tiêu thụ nội địa và nước ngoài, giải quyết đầu ra cho các sản phẩm từ trái dừa...
Du khách thưởng thức bánh tét tại làng nghề Trà Cuôn, xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang (tỉnh Trà Vinh).
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Lê Văn Ðông, sản phẩm của làng nghề rất đa dạng, phong phú, hợp với thị hiếu của người tiêu dùng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tích cực. Yêu cầu cấp thiết trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh là tiếp tục duy trì và phát triển các ngành nghề, làng nghề.
Do vậy, để có cơ sở quy hoạch, bảo tồn, phát triển làng nghề, tháng 2/2022, Chi cục Phát triển nông thôn Trà Vinh phối hợp với Trung tâm Quy hoạch và Phát triển nông thôn II, Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, khảo sát thực trạng tại 10 làng nghề trên địa bàn tỉnh và đề ra nhiều giải pháp. Một số giải pháp mang tính đột phá, như: Ðổi mới quản lý, tổ chức, quy hoạch hệ thống làng nghề phù hợp với tiềm năng; kêu gọi đầu tư hiện đại hóa vật chất kỹ thuật, phương tiện sản xuất; cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm; tổ chức các loại hình đào tạo kết hợp để nâng cao chất lượng đội ngũ lao động nghề có kỹ thuật cao; xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch qua nhiều phương tiện và hoạt động xã hội trong và ngoài nước; sử dụng hiệu quả lao động nghề truyền thống địa phương; liên kết, hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp du lịch tham gia đầu tư phát triển và tiêu thụ sản phẩm…
Tỉnh An Giang có 12/29 làng nghề đã và đang được đầu tư, khai thác gắn với phát triển du lịch của tỉnh. Tuy nhiên, cơ sở vật chất của các hộ trong làng nghề còn rất nhiều khó khăn và điều kiện kinh tế-xã hội chưa phát triển; tỷ lệ lao động qua đào tạo trong các làng nghề còn thấp, chủ yếu là lao động phổ thông hoặc theo hình thức truyền nghề… Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang mới đây đã có chính sách hỗ trợ các nghề truyền thống như hỗ trợ trực tiếp một lần 30 triệu đồng xây dựng phương án bảo vệ môi trường; làm hồ sơ đề nghị công nhận và tổ chức lễ công bố cho nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống; khi xây dựng biển quảng bá, cổng làng nghề gồm biển hiệu, vật liệu xây dựng kiên cố được hỗ trợ không quá 50 triệu đồng/làng nghề cho Ủy ban nhân dân xã; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân và làng nghề quảng bá sản phẩm trên trang thông tin điện tử của tỉnh./.
Theo Nhân dân