Tiếng Việt | English

22/08/2020 - 11:19

Phát triển du lịch nhờ “đặc sản” văn hóa

Với những tiềm năng, lợi thế về văn hóa cùng những chủ trương đúng đắn, kịp thời của tỉnh, ngành du lịch Long An ngày càng khởi sắc, đóng góp vào sự phát triển KT-XH của tỉnh.

Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập là một trong những địa điểm du lịch tại Long An thu hút du khách

Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập là một trong những địa điểm du lịch tại Long An thu hút du khách

Theo thống kê của ngành du lịch Long An, năm 2019, toàn tỉnh thu hút 1.835.100 lượt khách, tăng 52,83% so với năm 2018, tăng 20,17% so với kế hoạch. Đây là tín hiệu vui cho nền kinh tế tỉnh nhà, góp phần đưa hình ảnh vùng đất, con người Long An đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập

Một góc Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập

Du lịch sinh thái trên đà phát triển

Khu du lịch (KDL) Làng nổi Tân Lập (huyện Mộc Hóa) đã trở thành lựa chọn ưa thích của nhiều du khách khi muốn tận hưởng cảm giác hòa mình với thiên nhiên, thong dong trên con đường xuyên rừng tràm dài nhất Việt Nam. Nằm ở trung tâm vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh, KDL là điểm đến lý tưởng với cảnh sông nước hữu tình và rừng tràm ngút mắt. Thật bình yên khi du khách ngồi trên xuồng lênh đênh trên rạch Rừng, ngửi hương tràm, ngắm những vạt sen, súng nở rực một góc sông và những cánh chim chao liệng trên bầu trời xanh ngắt.

Không những thế, nơi đây còn có đài quan sát giúp du khách có thể phóng tầm mắt bao quát cảnh vật toàn khu sinh thái. Du khách cũng có thể đi bộ trên tuyến đường đal để khám phá rừng tràm; thưởng thức ẩm thực đồng quê hấp dẫn (lẩu gà lá giang, lẩu chua cá lóc, cá linh chiên giòn, cá rô kho tộ, lươn xào nghệ,...); tham gia đốt lửa trại và tiệc nướng, giao lưu dã ngoại, team building,... Ngoài ra, đến nơi đây, du khách còn có cơ hội khám phá bản sắc văn hóa của cư dân địa phương qua các nghề thủ công truyền thống (chạm gỗ, đóng thuyền,…) và nghệ thuật đờn ca tài tử.

Nét hoang sơ của Làng nổi Tân Lập

Nét hoang sơ của Làng nổi Tân Lập 

Năm 2016, KDL Làng nổi Tân Lập được Công ty TNHH Du lịch Tháp Mười tiếp nhận dự án và đầu tư thêm nhiều hạng mục, thu hút nhiều khách du lịch với chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao, tạo ấn tượng tốt cho du khách. Phó Tổng Quản lý KDL Làng nổi Tân Lập - Nguyễn Thành Nhân cho biết: KDL đang triển khai phục vụ các dịch vụ: Tiệc buffet, phục vụ khách tham quan rừng tràm bằng tuyến đường bộ, tuyến cáp kéo, xuồng ba lá,...; đồng thời dần hoàn thiện thêm một số hạng mục như thuần dưỡng chim cò, khu trò chơi dân gian, khu lưu trú cho khách và hệ thống cây xanh.

Làng nổi Tân Lập hiện giữ được nét hoang sơ vốn có, là điểm đến quen thuộc của không ít phượt thủ TP.HCM. Qua đây, bước đầu khẳng định được thế mạnh, lợi thế cạnh tranh đặc thù về du lịch sinh thái điển hình vùng Đồng Tháp Mười theo Đề án Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch của tỉnh Long An đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Lạp xưởng tươi của Cần Đước không giống với bất kỳ loại lạp xưởng nào khác

Lạp xưởng tươi của Cần Đước không giống với bất kỳ loại lạp xưởng nào khác

“Đặc sản” văn hóa níu kéo du khách

Cần Đước vốn là nơi dừng chân lý tưởng cho những ai thích du lịch, đam mê khám phá. Đến đây, du khách không thể bỏ qua Di tích Nhà Trăm Cột, tọa lạc vùng cù lao, ven biển của xã Long Hựu Đông. Đây là ngôi nhà được xây dựng theo kiến trúc thời Nguyễn với thiết kế 100 cột làm từ gỗ quý được chạm khắc tinh xảo, độc đáo cũng như giá trị văn hóa to lớn. Ngôi nhà này được làm theo đơn đặt hàng của gia chủ trong bối cảnh Nam bộ thời Pháp thuộc nên có nhiều nét tiểu dị trong đề tài trang trí, tạo được sự phong phú và đa dạng. Đây cũng là một phần lịch sử, văn hóa đất phương Nam ở cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Nhờ vậy, Nhà Trăm Cột được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử, văn hóa quốc gia theo Quyết định số 2890-VH/QĐ, vào ngày 27/9/1997.

Gạo Nàng Thơm vùng đất Chợ Đào, huyện Cần Đước (Ảnh Internet)

Gạo Nàng Thơm vùng đất Chợ Đào, huyện Cần Đước (Ảnh Internet)

Song song đó, về Cần Đước, du khách có thể tìm về các làng nghề thủ công truyền thống như dệt chiếu ở Long Cang, Long Định; chạm bạc ở Phước Vân;  chạm khắc gỗ ở Tân Lân;  đóng ghe ở cù lao Long Hựu, Tân Chánh;...  Ngoài việc khám phá các nét văn hóa độc đáo của người bản địa, du khách còn có thể  thưởng thức các món ăn đặc sản.  Đến xã Mỹ Lệ, du khách được tìm về cái nôi của nghệ thuật đờn ca tài tử, tham quan vùng đất nổi tiếng với gạo Nàng thơm Chợ Đào. Hạt gạo thon dài, bên trong có hột lựu hồng hồng, khi nấu có mùi thơm như nhà thơ Hào Vũ đã ví von:

Vẫn mùi hương ấy, tình yêu ấy
Lúa theo ta vào tận chiến hào. 
Trong ngần đấy, dễ gì ta thấy. 
Giọt lệ buồn trong ánh mắt em trao.

 

(Nàng thơm)

"Đặc sản" văn hóa luôn là nguồn tài nguyên quý báu, góp phần làm nên thương hiệu, hình ảnh của mỗi địa phương, tạo thành các sản phẩm du lịch, vừa tạo sự khác biệt, vừa là lợi thế, tiềm năng cho sự phát triển bền vững.

Thời gian qua, các dự án du lịch tại Long An được nhiều nhà đầu tư quan tâm, khai thác, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương; trong đó đáng chú ý là các dự án Khu văn hóa đa năng ngoài công lập Làng nổi Tân Lập, Khu văn hóa đa năng ngoài công lập Láng Sen; Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười; điểm du lịch văn hóa, thể thao Phước Lộc Thọ;.../.

Hà Lan

Chia sẻ bài viết