Tiếng Việt | English

11/07/2016 - 08:54

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao - Yêu cầu tất yếu

Chương trình ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất nông nghiệp được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân. Năm 2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Long An xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu phát triển của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X.


Cơ giới hóa đồng bộ đối với cây trồng

Bước đi phù hợp

Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 4/3/2016 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Sở NN&PTNT xây dựng Kế hoạch xây dựng các vùng sản xuất ứng dụng CNC: Lúa, rau, thanh long và bò thịt trên địa bàn tỉnh năm 2016, định hướng đến năm 2020. Tổng kinh phí thực hiện năm 2016 là 9,21 tỉ đồng, trong đó, 800 triệu đồng từ nguồn kinh phí lồng ghép dự án VnSAT.

Đối với cây lúa, xây dựng các vùng sản xuất ứng dụng CNC trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí 5, 15 tỉ đồng, trong đó 4,35 tỉ đồng nguồn ngân sách Nhà nước và 800 triệu đồng kinh phí của VnSAT, thực hiện các công việc: Xây dựng mô hình điểm ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa trong canh tác lúa; hỗ trợ 30% giá giống cho người dân sử dụng nguồn giống xác nhận trong vùng; xây dựng hố thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật; đào tạo cán bộ kỹ thuật, tập huấn chuyển giao kỹ thuật canh tác lúa bền vững.

Mô hình đồng bộ cơ giới hóa được xây dựng tại 5 điểm của 5 huyện (mỗi huyện 1 mô hình) và 1 mô hình tại thị xã Kiến Tường. Chọn các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) có diện tích đất trồng lúa được san phẳng mặt ruộng bằng ứng dụng tia laser, mỗi mô hình khoảng 100ha và hỗ trợ 30% giống lúa xác nhận cho 3.000ha tại: HTX Gò Gòn ở xã Hưng Thạnh (huyện Tân Hưng); THT xã Khánh Hưng (huyện Vĩnh Hưng); HTX Tiên Tiến ở xã Bình Hòa Trung (huyện Mộc Hóa); HTX Tân Đồng Tiến ở xã Tân Lập (huyện Tân Thạnh); THT xã Tân Tây (huyện Thạnh Hóa); HTX Nông nghiệp Đồng Đưng ở xã Tuyên Thạnh (thị xã Kiến Tường).

Các mô hình sản xuất lúa ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa từ khâu làm đất đến thu hoạch, bao gồm: Ứng dụng công nghệ san phẳng mặt ruộng bằng tia laser; ứng dụng sạ hàng bằng máy, dùng máy phun phân để sạ hoặc máy cấy; ứng dụng máy phun phân, máy phun thuốc tự hành; ứng dụng máy gặt đập liên hợp bằm nhuyễn rơm kết hợp dàn phun thuốc phân hủy rơm rạ hoặc máy cuộn rơm. Đồng thời, hỗ trợ giống nhằm giảm lượng giống gieo sạ và bổ sung nguồn giống tốt, kháng rầy nâu và đạo ôn, năng suất cao, phẩm chất tốt, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu cho nông dân trong vùng sản xuất 20.000ha ứng dụng CNC, hướng đến mục tiêu đến năm 2020 đạt 70% diện tích trồng lúa của tỉnh sử dụng giống tốt, nâng cao chất lượng lúa gạo, góp phần cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.

Giám đốc HTX Nông nghiệp Gò Gòn (huyện Tân Hưng) - Trương Hữu Trí cho biết: “Năm 2016, để phát triển hiệu quả hơn, HTX mở rộng diện tích bơm tưới, ổn định các dịch vụ phục vụ và mua sắm thêm thiết bị, máy móc cho dịch vụ thu hoạch, từ 1 máy gặt đập liên hợp lên 2 máy. Các dịch vụ cầu nối huy động nhiều nguồn lực tiến lên hoạt động cung cấp chính thức phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho các thành viên. Mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng dẫn nông dân sản xuất lúa ứng dụng CNC nhằm tăng thêm thu nhập”.


Cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Bên cạnh đó, vùng sản xuất rau ứng dụng CNC được xây dựng với tổng kinh phí 2,35 tỉ đồng để hỗ trợ nông dân: Xây dựng mô hình tưới tiết kiệm và nhân rộng mô hình; nhân rộng mô hình trồng rau trên giá thể, thủy canh,...; chuyển đổi sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học trong sản xuất; hỗ trợ chi phí cho THT, HTX, doanh nghiệp có vùng sản xuất đạt chứng nhận GAP, rau xác nhận an toàn, chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; hỗ trợ chi phí test mẫu đất, nước định kỳ; thu mẫu sản phẩm và giám sát cảnh báo an toàn sản phẩm; hỗ trợ xây dựng mô hình vườn ươm trên rau.

Giám đốc HTX Rau an toàn Phước Hiệp, huyện Cần Giuộc - Trần Thanh Minh thông tin: “HTX sản xuất rau hướng an toàn và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong nông nghiệp. Hiện nay, mô hình phát triển rau an toàn rất hiệu quả, khi người dân tham gia mang lại lợi nhuận cao. Sản xuất rau ứng dụng CNC tạo điều kiện thuận lợi giúp nông dân tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, cung cấp sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng”.


Vùng sản xuất rau ứng dụng CNC được xây dựng với tổng kinh phí 2,35 tỉ đồng để hỗ trợ nông dân

Giải pháp phát triển

Giám đốc Sở NN&PTNT - Lê Văn Hoàng cho biết: Nông nghiệp ứng dụng CNC là yêu cầu tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại. Để tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp bền vững, cần hơn nữa công tác hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC; tập trung đầu tư ngay từ đầu vào như giống cây trồng, vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, phân bón, hệ thống chẩn đoán, kiểm định dịch bệnh, công nghệ thu hoạch, chế biến, bảo quản,... Các ngành chức năng cần quan tâm đến việc nhân rộng mô hình, chuyển giao công nghệ cho nông dân; nâng cao hiệu lực trong quản lý chất lượng nông sản, vệ sinh an toàn thực phẩm, xem truy xuất nguồn gốc đối với hàng nông sản của doanh nghiệp là yêu cầu bắt buộc để doanh nghiệp phải có trách nhiệm đầu tư vào vùng nguyên liệu.

Bên cạnh đó, các địa phương cần có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ với mức cao cho công tác nghiên cứu khoa học, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển có sự liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông. Các ngành chức năng cần có cơ chế, chính sách phù hợp để triển khai hiệu quả việc ứng dụng CNC trong nông nghiệp.

Liên kết tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản CNC, kêu gọi các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia thu mua, chế biến, tìm thị trường tiêu thụ nông sản sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, giúp nông dân tăng thu nhập. Gắn với việc hình thành các vùng nông nghiệp CNC giữa các hộ nông dân phải liên kết, hợp tác thành THT, HTX và các doanh nghiệp để sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn chất lượng, chứng nhận chất lượng, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa nhằm tiêu thụ trong hệ thống siêu thị, kênh phân phối./.

Lê Huỳnh

Chia sẻ bài viết