Tiếng Việt | English

21/03/2018 - 19:35

Phía sau sân khấu dã chiến

Người nghệ sĩ (NS) có lúc đứng trên sân khấu tràn ngập ánh đèn nhưng cũng có lúc, họ diễn trên những sân khấu dã chiến, gió lộng bốn bề, khán giả đứng, ngồi trên những khoảng đất trống gập ghềnh dưới bầu trời đầy sao và gió. Đó là những buổi biểu diễn phục vụ người dân vùng sâu, vùng xa của Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An.

1. Trong buổi chiều đầy gió giữa tháng 3, những NS của Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An nép sau sân khấu ngoài trời để trang điểm. Sân khấu được dựng trên bãi đất trống ở xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ. Trong không gian chật hẹp và ám mùi phân bò sau sân khấu, các NS chia nhau từng khoảng trống để trang điểm chuẩn bị cho đêm diễn, ai cũng cười rất tươi. NS trẻ Võ Hoàng Dư vừa sửa lại trang phục, vừa nói với chúng tôi, điều kiện như vậy được xem là tươm tất rồi. Anh kể: “Đi diễn ở Đồng Tháp Mười nhiều muỗi lắm! Có nơi xa quá, điện, nước sinh hoạt khó khăn, việc ăn uống cũng khó nhưng đổi lại những vất vả đó là tình thương của người mộ điệu dành cho NS. Có đi lưu diễn thì mới thấy hết tình cảm của người dân dành cho anh em NS. Chúng tôi phải xa nhà nhưng bù lại, có được nhiều người anh em khác. Nếu chọn nghề khác, tôi nghĩ sẽ không được như vậy đâu!”. Nữ NS Mai Thắm cũng khẳng định, tình cảm của khán giả là động lực lớn nhất để chị vững tâm khắc phục khó khăn, đứng trên sân khấu.

Nghệ sĩ chia nhau khoảng không gian nhỏ, hẹp sau sân khấu để trang điểm, chuẩn bị cho buổi diễn phục vụ

Nghệ sĩ chia nhau khoảng không gian nhỏ, hẹp sau sân khấu để trang điểm, chuẩn bị cho buổi diễn phục vụ

2. Lưu diễn xa, vất vả là điều không thể nào tránh khỏi. Mỗi năm, Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An lưu diễn suốt các tháng mùa nắng và hầu như 100% NS, cán bộ, nhân viên phải có mặt (trừ những trường hợp gia đình có hữu sự). Chính vì vậy, muốn trụ lại với nghề và sân khấu, đòi hỏi người NS phải gác lại những vướng bận gia đình. Như NS Mai Thắm, mười mấy năm đứng trên sân khấu, chị phải chấp nhận sống xa gia đình, xa con. Chị kể: “Con tôi sống cùng ba tại TP.HCM, tôi thì theo đoàn đi lưu diễn. Đã chọn nghề, tôi chọn đứng trên sân khấu là hạnh phúc”. Những chuyến lưu diễn dài ngày đòi hỏi NS phải hy sinh không ít. Như gia đình NS Vương Tuấn và NS Kim Ngà, với mỗi chuyến lưu diễn dài ngày, anh chị phải gửi con cho ông bà. Đi sớm, về trễ trở thành quen thuộc với gia đình nhỏ này.

3. Và như để bù đắp những vất vả của các NS, tình cảm người dân vùng sâu dành cho NS mới thật là hồn hậu, dễ thương. Kỷ niệm về những nồi cháo giữa khuya, những ly rượu ấm tình vẫn luôn làm các NS ấm lòng. Người dân vùng sâu, điều kiện tiếp cận các hoạt động giải trí còn hạn chế nên khi về phục vụ, đoàn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân địa phương. Bà Nguyễn Thị Út, ngụ ấp 5, xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ, khẳng định, đoàn ở bao nhiêu đêm, bà đi xem hết bấy nhiêu. Bà nói: “Tôi không có điều kiện đi xem NS diễn trực tiếp. Mấy năm trước, đoàn về một lần nhưng hơi xa nên tôi không đi được. Giờ đoàn về gần nhà, tôi mừng lắm! Ở nhà xem ti vi cũng được nhưng tôi thích xem NS hát thật hơn”.

Dù đằng sau cánh màn nhung là những khó khăn, vất vả nhưng khi lên sân khấu, nghệ sĩ luôn phải rạng ngời và cống hiến hết mình

Dù đằng sau cánh màn nhung là những khó khăn, vất vả nhưng khi lên sân khấu, nghệ sĩ luôn phải rạng ngời và cống hiến hết mình

Mỗi năm, khoảng 6 tháng, các NS xa nhà đi diễn ở vùng sâu, những chuyến lưu diễn hoàn toàn miễn phí. Mỗi chuyến đi là biết bao vất vả, khó khăn về điều kiện sinh hoạt, gia đình, sức khỏe nhưng các NS đều chấp nhận vì ai cũng biết rằng, cái mình nhận lại được đáng quý hơn nhiều, đó là tình cảm, sự chờ đợi của biết bao khán giả vùng sâu. Người dân vì cái vất vả mà thương NS nhiều hơn, còn NS vì tình thương đó mà cố gắng “rút ruột” diễn hết mình./.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích