Đại biểu Nguyễn Thanh Quang chất vấn Sở Y tế về tình hình khám chữa bệnh ở Bến Lức
Ngành Nông nghiệp cần làm tốt công tác dự báo
Mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu (ĐB) Nguyễn Hữu Tuấn, đơn vị huyện Cần Giuộc, chất vấn lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) liên quan đến tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2015 giảm so với cùng kỳ.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT - Lê Văn Hoàng, mức tăng trưởng lĩnh vực trồng trọt đóng vai trò quyết định sự tăng trưởng của toàn ngành (chiếm trên 80% tổng giá trị sản xuất nội bộ ngành nông nghiệp và chiếm trên 70% giá trị sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp). Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm, lĩnh vực trồng trọt tăng 1,9%, thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước tăng 2,5%), làm cho tăng trưởng ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm đạt thấp.
Để đạt kế hoạch tỉnh giao từ nay đến cuối năm 2015, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 3,2%, ngành sẽ tập trung chỉ đạo công tác dự báo tình hình, thời tiết và chất lượng nước, nạo vét hệ thống thủy lợi nội đồng phục vụ tưới tiêu; tăng cường tuyên truyền, chuyển giao ứng dụng khoa học-kỹ thuật thông qua hoạt động khuyến nông.
Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT sẽ thành lập đoàn công tác đến các huyện để triển khai các chính sách có liên quan đến người dân; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại trên lĩnh vực nông-lâm-thủy sản nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng các nông sản chủ lực của tỉnh, tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư, mở rộng thị trường, tìm đầu ra ổn định, lâu dài cho sản phẩm nông nghiệp.
Niêm yết và bán theo giá niêm yết dược phẩm còn nhiều bất cập
ĐB Nguyễn Thanh Quang, đơn vị huyện Bến Lức, chất vấn lãnh đạo Sở Công Thương liên quan đến việc quản lý niêm yết giá và bán theo giá niêm yết đối với dược phẩm, thuốc bảo vệ thực vật.
Theo Giám đốc Sở Công Thương - Đặng Văn Lớp, trước đây, hầu hết các cơ sở kinh doanh đều không thực hiện việc niêm yết giá bán tại cơ sở, tuy nhiên những năm gần đây, qua việc thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, vận động kết hợp kiểm tra, xử lý thường xuyên của các cơ quan chức năng, đặc biệt là của lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh, các cơ sở kinh doanh đã có chuyển biến dần trong việc chấp hành niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Qua kiểm tra việc chấp hành quy định về giá trong 6 tháng đầu năm, lực lượng QLTT đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 93 vụ vi phạm về niêm yết giá và bán theo giá niêm yết.Mặc dù đã chuyển biến dần nhưng thực tế, vẫn còn nhiều cơ sở kinh doanh thuốc tây dược phẩm và thuốc bảo vệ thực vật chưa chấp hành nghiêm túc quy định của pháp luật về niêm yết và bán theo giá niêm yết như phản ánh của một số cử tri.
Để khắc phục tình trạng trên, Sở Công Thương sẽ chỉ đạo Chi cục QLTT tiếp tục yêu cầu các Đội QLTT trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là QLTT số 4 (phụ trách huyện Bến Lức và Tân Trụ) tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử lý nghiêm việc chấp hành quy định về niêm yết và bán theo giá niêm yết, nhằm góp phần hạn chế thiệt hại cho người tiêu dùng.
Tìm cách xử lý nạn lục bình
Liên quan đến việc áp dụng công nghệ trong trục vớt lục bình và xử lý lục bình sau khi vớt, ĐB Trần Thị Huê, đơn vị huyện Tân Thạnh, chất vấn lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN).
Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở KH&CN - Mai Văn Nhiều cho biết, từ năm 2013 đến nay, sở đã triển khai, tiếp nhận 6 đề tài, dự án nghiên cứu vừa xử lý, vừa phát huy hiệu quả cây lục bình. Qua kết quả nghiên cứu và thử nghiệm đã cung cấp cơ sở khoa học về tính hiệu quả của việc sử dụng cây lục bình trồng nấm rơm, làm biogas, phân bón và phương án sử dụng máy vớt lục bình trên rạch.
Tuy nhiên, việc ứng dụng vào thực tế các kết quả nghiên cứu có nơi không hiệu quả như quá trình nghiên cứu, nguyên nhân do nguồn meo giống không ổn định, thời tiết không thuận lợi, nhiễm bệnh các loại nấm dại, nấm mốc xanh và giá nấm đôi khi rất thấp.
Máy vớt lục bình mà sở đang nghiên cứu được sản xuất trong nước từ kết quả đề tài của Bộ KH&CN, Bộ Công Thương.
Đến nay, đã qua 3 lần cải tiến từ mô hình máy cắt rong của ngoài nước, tạm gọi là máy thế hệ thứ 3. Các dòng máy này đã đưa vào sử dụng thử tại TP.HCM, tỉnh Tây Ninh và Cà Mau, tuy nhiên còn nhiều hạn chế về tính năng như không có bộ phận đùn ép, đóng gói lục bình, nhằm giảm khối lượng và thuận tiện cho vận chuyển, khả năng cơ động chưa phù hợp với địa hình của tỉnh.
Xã hội hóa máy chạy thận nhân tạo
ĐB Nguyễn Hữu Tuấn, đơn vị huyện Cần Giuộc, chất vấn lãnh đạo Sở Y tế liên quan đến vấn đề cho thuê máy chạy thận nhân tạo tại tỉnh chưa được thực hiện.
Giám đốc Sở Y tế - Lê Thanh Liêm cho rằng, vào năm 2013, Sở Y tế đã cử 4 ê kíp cán bộ y tế đến Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM học và đã được chứng nhận có đủ trình độ chuyên môn để thực hiện kỹ thuật chạy thận nhân tạo tại các bệnh viện tỉnh.
Bên cạnh đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng đã khảo sát và kết quả cho thấy nhu cầu chạy thận nhân tạo của bệnh nhân trong tỉnh nhiều và bệnh nhân hài lòng với việc điều trị tại tỉnh. Mặc dù hằng năm, ngành Y tế luôn được quan tâm bổ sung, nâng cấp trang thiết bị từ nguồn kinh phí của Nhà nước, song kinh phí đầu tư cho lĩnh vực này rất hạn chế, trong khi nhu cầu rất lớn.
Trước tình hình trên, được sự thống nhất của Bảo hiểm Xã hội, từ năm 2013, Sở Y tế đã trình cơ quan có thẩm quyền xem xét thực hiện xã hội hóa máy chạy thận nhân tạo phục vụ bệnh nhân. Tuy nhiên, một số sở, ngành chưa đồng thuận trong việc triển khai thực hiện.
Xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ gặp khó
Sau hơn 10 năm triển khai Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ (giai đoạn 1), hiện nay, tỉnh có 165 cụm, tuyến dân cư vượt lũ (104 cụm, 61 tuyến).
ĐB Trần Văn Nhu, đơn vị Thủ Thừa, chất vấn UBND tỉnh về tình trạng một số gia đình chính sách, hộ nghèo xây nhà trên cụm, tuyến dân cư nhưng không vào ở, một số hộ chuyển nhượng trái quy định, việc thu hồi nợ vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội gặp khó khăn; việc trả nợ cụm, tuyến dân cư cho Trung ương, một số địa phương trả nợ đúng lộ trình, nhiều huyện còn nợ đọng khá lớn.
Trả lời chất vấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Thị Nhanh cho rằng, theo báo cáo của các địa phương vùng lũ, có xảy ra tình trạng sang nhượng trái phép bằng giấy tay 251 hộ, tương ứng với số dư nợ 2.284 triệu đồng. Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Xây dựng và Ngân hàng Chính sách Xã hội Trung ương, đề nghị có hướng xử lý (hiện chưa có văn bản trả lời từ Trung ương).
Qua các đợt kiểm tra liên ngành về việc xây dựng nhà nhưng không vào ở, tỉnh đã đôn đốc và nhắc nhở các địa phương tập trung vận động người dân vào ở.
Gần đây, số hộ dân vào ở tăng lên 16.725/16.793 căn đã xây dựng; còn 68 căn, một số hộ đi làm ăn xa ít khi về nhà, số còn lại về nơi cũ để canh tác. Tổng nợ vay Trung ương để tôn nền 2 đợt là 365.312 triệu đồng. Lũy kế đã trả nợ vay từ đầu chương trình đến ngày 17-6-2015 là 180.081,21 triệu đồng. Tổng dư nợ vay từ đầu chương trình đến nay là 101.619,68 triệu đồng; trong đó, nợ quá hạn các năm trước và năm 2014 chuyển sang là 53.245,459 triệu đồng.
Để khắc phục những hạn chế trên, sắp tới, các huyện vùng lũ tiếp tục tập trung bán nền giá kinh doanh, lồng ghép với các chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo,... để xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng thiết yếu trong cụm, tuyến dân cư, vận động người dân vào ở, nâng cao tỷ lệ lấp đầy cụm, tuyến.
Đồng thời, tạo việc làm ổn định, đưa các ngành nghề phù hợp, kết hợp đào tạo nghề cho các hộ dân nhằm bảo đảm ổn định cuộc sống, tạo điều kiện để họ yên tâm sinh sống; rà soát các đối tượng nhận nền nhưng chưa vào ở để vận động, trường hợp người dân không còn nhu cầu thì địa phương làm việc cụ thể với họ, đề xuất thu hồi, bố trí cho đối tượng có nhu cầu,...
Hữu Bằng