Cán bộ Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội kiểm tra quá trình vận hành hệ thống VNACCS/VCIS. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)
Do thay đổi nhân sự sau Kỳ họp thứ XI của Quốc hội và đề xuất từ các Bộ, ngành Trung ương, nên hai Ban chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN, cơ chế hải quan một cửa quốc gia và Ban chỉ đạo điều hành giá cần được kiện toàn trong thời gian tới.
Chiều 23/5, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp với Ban chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN, cơ chế hải quan một cửa quốc gia và Ban chỉ đạo điều hành giá, kiện toàn nhân sự hai ban chỉ đạo này.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng là Trưởng Ban chỉ đạo của các Ban này, sau khi được Thủ tướng Chính phủ phân công mới đây.
Tại buổi làm việc của Ban chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN và cơ chế hải quan một cửa quốc gia, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, cuối năm 2015, Quốc hội đã thông qua Nghị định thư sửa đổi để đưa Hiệp định tạo thuận về thương mại WTO (TF) vào Hiệp định Marrakesh thành lập WTO, trong đó, phần III của Nghị định thư quy định các thỏa thuận về thể chế quy định việc thành lập Ủy ban tạo thuận lợi thương mại quốc gia.
Để thực hiện cam kết này, Bộ Tài chính đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng thành lập Ủy ban chỉ đạo quốc gia Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại trên cơ sở kiện toàn Ban chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN và cơ chế một cửa quốc gia.
Đồng tình với đề xuất của Bộ Tài chính về thành lập Ủy ban trên cơ sở kiện toàn Ban chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN, một cửa quốc gia, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính căn cứ vào chức năng “tạo thuận lợi thương mại” để bổ sung nhiệm vụ và nhân sự cho Ủy ban là lãnh đạo của các Bộ, ngành khác.
Các Bộ cũng chính thức cử lãnh đạo tham gia Ủy ban để đẩy mạnh việc thực hiện các Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh.
Với sự cần thiết của việc kết nối và mở rộng kết nối các thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa ASEAN và một cửa quốc gia, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đề nghị các Bộ liên quan trình Chính phủ và Quốc hội cho phép dành riêng một khoản kinh phí cho các Bộ, ngành để thực hiện.
Về lâu dài, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất cơ chế đặc thù để lập, phê duyệt các dự án công nghệ thông tin phục vụ triển khai cơ chế này.
Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành tính toán hỗ trợ kinh phí đào tạo chuyên môn cho cán bộ và doanh nghiệp và tăng cường giới thiệu để doanh nghiệp chủ động tham gia.
Thành lập từ năm 2011, Ban chỉ đạo đã tổ chức triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN toàn diện, từ hoàn thiện cơ sở pháp lý, cải cách quy trình thủ tục tới việc chỉ đạo các Bộ, ngành xây dựng hệ thống công nghệ thông tin để kết nối và thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường một cửa quốc gia và một cửa ASEAN.
Đối với khu vực và quốc tế, từ tháng 9/2015, Cơ chế một cửa quốc gia đã kết nối thành công với 4 nước ASEAN là Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Singapore để trao đổi Giấy chứng nhận mẫu D cho hàng hóa xuất khẩu xuất xứ từ ASEAN; sẵn sàng để chính thức kết nối Cơ chế một cửa ASEAN khi Nghị định thư về khung pháp lý để thực hiện Cơ chế này có hiệu lực trong năm nay.
Hiện có 9/14 Bộ tham gia Cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN, trong đó các Bộ Giao thông vận tải, Công Thương, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Y tế là những Bộ tham gia tích cực, hiệu quả nhất.
Tổng số thủ tục hành chính đưa lên Cơ chế một cửa quốc gia tới nay là 31 thủ tục với số hồ sơ hành chính được xử lý là 90.000 bộ cho gần 6.000 doanh nghiệp hoạt động thường xuyên trong các lĩnh vực này.
Cũng trong chiều nay, làm việc với Ban chỉ đạo điều hành giá, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá đồng tình với đề xuất của Bộ Tài chính-cơ quan thường trực Ban chỉ đạo được bổ sung lãnh đạo hai Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường vào thành viên Ban chỉ đạo để Chính phủ thống nhất quản lý giá trong lĩnh vực đất đai và nhà ở xã hội (hiện hai Bộ này chỉ là thành viên trong nhóm giúp việc của Ban chỉ đạo).
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đề nghị Bộ Tài chính xem xét bổ sung lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội làm thành viên Ban chỉ đạo để cập nhật thông tin khi thực hiện quản lý đối với tiền lương-được coi như là giá cả của sức lao động trong nền kinh tế thị trường.
Trưởng Ban chỉ đạo cũng đề nghị các Bộ, ngành hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan tới quản lý giá; ngay từ bây giờ, phải xây dựng các kịch bản điều hành giá cho năm 2016 để đảm bảo thực hiện thành công chỉ tiêu về lạm phát tăng từ 4%-5% theo yêu cầu của Quốc hội./.
Vân - Chung/TTXVN