I. Các loại hình tai nạn do điện
1. Các loại hình tai nạn do điện trong sản xuất công nghiệp:
- Các thiết bị điện bị rò rỉ điện nhưng không được nối đất/nối không.
- Dây dẫn điện mất an toàn nhưng trải trên sàn nhà, nơi ẩm ướt, có nhiều nước.
- Các khớp nối dây dẫn và thiết bị điện không được che chắn, bọc kín như các đầu cos mô tơ điện, bộ phận gia nhiệt bằng điện trong máy ép đùn ống nhựa.
2. Các loại hình tai nạn do điện trong sản xuất nông nghiệp:
- Rò rỉ điện từ các dây dẫn mắc dựa vào cây trong vườn/ven đường, ổ điện treo ngoài trời để câu/ mắc điện,...
- Sử dụng mô tơ bơm nước.
- Dùng máy kích điện để đánh bắt thủy, hải sản.
- Dẫn điện để xông thanh long, dùng điện để bẫy chuột.
- Cắt/tỉa cây, hái quả trong phạm vi hành lang an toàn lưới điện.
3. Các loại hình tai nạn do điện trong sinh hoạt:
- Dây dẫn của máy khoan, máy cưa, máy mài cầm tay không bảo đảm an toàn.
- Thiết bị điện trong nhà như tủ lạnh, máy giặt, mô tơ bơm nước không được nối đất.
- Nổ điện thoại khi đang vừa sạc điện, vừa sử dụng.
- Trẻ em cho ngón tay hoặc cắm thìa vào ổ điện đặt ở nơi thấp.
- Thả diều khu vực có nhiều dây điện cao áp.
II. Cách sơ cứu
• Cắt nguồn điện ngay bằng cách tắt công tắc, ngắt cầu dao điện/rút phích cắm điện.
• Nếu không với tới được dây điện, công tắc thì đứng trên vật khô cách điện như hộp gỗ, tấm cao su hay nhựa, dùng cây hay cán chổi, chiếc ghế đẩu đẩy tay chân nạn nhân ra khỏi nguồn điện.
• Không được sờ vào nạn nhân nếu nạn nhân chưa tách khỏi nguồn điện.
• Sau khi đã ngắt điện:
Nếu nạn nhân bất tỉnh: Kiểm tra nhịp thở, mạch đập và cấp cứu ấn tim - thổi ngạt khi có ngưng thở ngưng tim (cấp cứu CPR).
GỌI CẤP CỨU NGAY.
Cách thực hiện hồi sức tim phổi (CPR) cơ bản
- Ép tim ngoài lồng ngực nạn nhân với tốc độ 100-120 lần/phút, ấn sâu lồng ngực xuống 4-6cm, sau 30 lần ấn tim làm hô hấp nhân tạo 2 lần với người lớn và trẻ em.
- Với người lớn, xác định chính xác vị trí ép tim tại 1⁄2 dưới xương ức. Đan hai tay vào nhau, đặt gót bàn tay vuông góc với 1/2 dưới xương ức, duỗi thẳng 2 khuỷu tay trong suốt quá trình ép tim. Khi ép tim, cần dùng trọng lượng phần trên cơ thể ấn thẳng xuống lồng ngực và để ngực nạn nhân nở hoàn toàn, hạn chế tối đa thời gian tạm dừng ép tim không quá 10 giây.
- Với trẻ em, đặt 2 ngón tay của một bàn tay ở giữa nằm về phía dưới đường ngang nối 2 núm vú, không đặt tay quá sâu về phía dưới ngực, tay còn lại đặt lên trán trẻ, vẫn giữ đầu trẻ hơi nghiêng về phía sau. Ấn xuống và tạo một áp lực sâu khoảng
1/3-1/2 ngực trẻ.
Lưu ý: Khi nạn nhân tự thở được và có mạch lại, hãy đặt cho nằm ở tư thế nằm nghiêng, miệng thấp (tư thế hồi phục) và thường xuyên kiểm tra hơi thở của nạn nhân cho đến khi bàn giao cho nhân viên y tế.
Nếu nạn nhân gần như bình thường, không bị thương tích, khuyên nạn nhân nghỉ ngơi.
Những việc cần tránh
• Chạm tay trực tiếp kéo nạn nhân ra trong khi nguồn điện chưa bị ngắt.
• Nếu có vết phỏng:
Đừng bóc phần da chết hoặc làm bể các vết phỏng rộp.
Đừng dùng đá lạnh, thuốc bôi kem hoặc mỡ bôi vào vết phỏng.
III. Phòng ngừa điện giật
• Hạn chế trang trí đèn nhấp nháy hoặc để ở xa tầm với trẻ em.
• Các dây điện bị nứt vỏ bọc phải được thay hoặc băng kín cách điện. Sử dụng loại dây điện có chất lượng tốt, phù hợp với công suất điện.
• Các ổ cắm điện không sử dụng được che bằng các nút nhựa an toàn.
• Không dùng tre, tầm vông, các loại cây nhỏ để làm trụ điện.
• Chỉ sửa chữa điện khi đã ngắt cầu dao, nguồn điện.
• Lắp aptomat chống giật phù hợp ở hộ gia đình.
• Nối đất các thiết sử dụng điện trong nhà như máy giặt, tủ lạnh, mơ tơ bơm nước,...
Khoa Bệnh nghề nghiệp - Trung tâm kiểm soát bệnh tật