Tiếng Việt | English

03/12/2023 - 08:54

Phục hồi chức năng cho người khuyết tật

Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Người khuyết tật (NKT) 03/12 được tổ chức hàng năm nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề NKT, quyền của NKT được hòa nhập vào mọi lĩnh vực của cuộc sống như chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa trong cộng đồng.

Ảnh minh họa

Ngày này cũng động viên NKT phấn đấu giành sự bình đẳng trọn vẹn về nhân quyền và quyền được tham gia hoàn toàn vào xã hội. Ngày Quốc tế  NKT do Chương trình Thế giới Hành động về người NKT khởi xướng và được Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 1992. 

 NKT là người bị tổn khuyết hay dị dạng một hay nhiều bộ phận chức năng của cơ thể, làm suy giảm khả năng hoạt động, khiến cho việc sinh hoạt, học tập, lao động gặp nhiều khó khăn, vì vậy họ chịu nhiều thiệt thòi so với những người cùng hoàn cảnh, cùng lứa tuổi. Tùy theo trình độ phát triển, mỗi nước có các quy định về tiêu chuẩn thương tật khác nhau. Theo thống kê, ít nhất cũng  có tới 1-1,2% NKT trên tổng số dân toàn thế giới.

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta vô tình bắt gặp những mảnh đời bất hạnh, cơ thể không được trọn vẹn được gọi là NKT. Pháp Lệnh của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội số 06/1998/PL-UBTVQH10 định nghĩa: “Người khuyết tật không phân biệt nguồn gốc gây ra khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hay nhiều bộ phận cơ thể hoặc chức năng biểu hiện dưới những dạng tật khác nhau, làm suy giảm khả năng hoạt động từ 41% trở lên. NKT bao gồm những người thiếu, mất, yếu một phần cơ thể hay trí tuệ. Sự suy yếu về thể trạng hay trí tuệ của NKT sẽ làm giảm khả năng vận động, giảm khả năng tư duy về nhận thức. Họ gặp khó khăn trong quá trình vận động và đôi khi các sinh hoạt cá nhân cần có sự giúp đỡ của người khác, những khiếm khuyết ấy ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận động , trí tuệ gây ra những suy giảm đáng kể và ảnh hưởng lâu dài đến đời sống của NKT ”.  

Hiện nay, số lượng NKT ở Việt Nam là khoảng hơn 7 triệu người, chiếm 7,06 % dân số từ 2 tuổi trở lên. Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng khuyết tật. Việt Nam là đất nước đã trải qua chiến tranh, những người chiến sĩ hy sinh một phần thân thể cho Tổ quốc ta gọi là thương, bệnh binh hoặc người bị tai nạn trong cuộc sống dẫn đến mất một phần cơ thể, người bị nhiễm chất độc da cam do hậu quả của chiến tranh. Hoặc do di truyền, do rối loạn nhiễm sắc thể hay khuyết tật bẩm sinh do ảnh hưởng trong quá trình mang thai.

 NKT nói chung gặp khó khăn về nhiều mặt, trong đó có học tập, việc làm, hôn nhân, kỳ thị,...Những khó khăn đó tác động qua lại lẫn nhau, là nguyên nhân và kết quả của nhau.

Ảnh minh họa

Theo Điều 3, Luật NKT số 51/2010 quy định về các dạng tật có 6 dạng khuyết tật bao gồm khuyết tật vận động; khuyết tật nghe, nói; khuyết tật nhìn; khuyết tật thần kinh, tâm thần; khuyết tật trí tuệ và tất cả khuyết tật còn lại xếp vào nhóm khuyết tật khác. Khuyết tật vận động bao gồm người bị thiếu, yếu, mất một hay nhiều phần tứ chi, vẹo lệch cột sống, gây khó khăn trong quá trình di chuyển, sinh hoạt hàng ngày. Theo WHO, tỷ lệ người mất tay chân do tai nạn giao thông là nhiều nhất, kế đến là do tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt, chấn thương trong thể thao, do chiến tranh. Trong Y khoa, một số bệnh nội tiết như tiểu đường, bệnh mạch máu như thuyên tắc động mạch tĩnh mạch cũng có thể gây đoạn chi,… một tỷ lệ rất nhỏ do di truyền bẩm sinh.

Những khó khăn mà NKT vận động gặp phải như trong học tập họ khó di chuyển đến trường, phải nhờ trợ giúp của người thân, khó sử dụng dụng cụ khi cơ thể khiếm khuyết, cụt tay phải viết bằng chân. Khó khăn về việc làm luôn luôn đòi hỏi sức khỏe, sức lực kém không thể mang vác nặng. Trong hôn nhân, những NKT khi đến với nhau bằng sự cảm thông sâu sắc, thấu hiểu, sẻ chia, hôn nhân sẽ lâu bền nhưng nếu hôn nhân của NKT không liên quan đến di truyền được vun đắp bằng cuộc sống hạnh phúc, cho dù có khi cần hỗ trợ của người thân. Những khuyết tật liên quan đến di truyền cần được sự trợ giúp của Y học.

Cuối cùng, cản trở lớn nhất với NKT là kỳ thị, nó là rào cản vô hình nhưng tàn nhẫn đẩy nhiều người ra bên lề của cuộc sống. Kỳ thị không phải là vấn đề thuộc vật chất, của khoa học - kỹ thuật mà nó là vấn đề thuộc tâm lý, và sự ý thức sâu xa giá trị sống của con người, không phải là lòng thương hại nhưng là lòng cảm thông thực sự sẽ chỉ hướng cho hành động đúng đắn của chúng ta với NKT

Những phương tiện để phục hồi chức năng cho nhóm khuyết tật vận động bao gồm: Trên thế giới chân tay giả được chế tạo từ những vật liệu truyền thống như gỗ, composite carbon, khớp được làm từ những vật liệu có độ bền cao như titan, thép, inox. Đỉnh cao của công nghệ làm chân giả là Computer leg có bộ vi xử lý được lập trình thông minh giúp tay chân giả hoạt động y như thật. Ở Bệnh viện Phục hồi chức năng điều trị bệnh nghề nghiệp, chế tạo ngón tay giả thẩm mỹ qua từng công đoạn: Làm cốt âm cốt dương quét bên ngoài từng lớp silicon đến khi đủ độ dày như ngón tay thật.

- Khuyết tật ngôn ngữ: Có 2 nhóm khó khăn về nói và nhóm khó khăn về đọc, viết. Khuyết tật ngôn ngữ có thể liên quan tới khuyết tật trí tuệ, khiếm khuyết giác quan như khiếm thính hoặc khiếm thị, có vấn đề tình cảm, tự kỷ hoặc rối loạn phát triển diện rộng, khuyết tật vận động (bại não). Tốc độ phát triển ngôn ngữ ở trẻ khuyết tật trí tuệ có thể kém hơn hoặc không có khả năng sử dụng các cấu trúc ngôn ngữ phức tạp, hay một trẻ khiếm thính có thể gặp khó khăn trong việc thực hiện theo hướng dẫn hay phát âm kém. Khuyết tật ngôn ngữ có thể còn liên quan tới nhiều loại rối nhiễu khác với biểu hiện nói lắp, nói khó, nói ngọng. Để phục hồi chức năng cho nhóm này phải tìm hiểu nguyên nhân và tác động can thiệp lên những nguyên nhân đó. Trong trường hợp người lớn đã từng nói năng lưu loát sau tai nạn giao thông tổn thương não, bị mất ngôn ngữ phải tập cho bệnh nhân học nói lại từ đầu từ đếm số, bảng chữ cái, nhận biết đồ vật.

- Thiểu năng trí tuệ: Có nhiều nguyên nhân gây ra như các vấn đề về gen như hội chứng Down; vấn đề trong thai kỳ như mẹ uống rượu, sử dụng ma túy, dinh dưỡng kém, mẹ bị mắc bệnh nhiễm trùng khi mang thai, mẹ bị tiền sản giật ảnh hưởng thai nhi và các vấn đề trong quá trình sinh nở. Thiểu năng trí tuệ có thể xảy ra nếu trẻ bị thiếu oxy trong khi sinh hoặc sinh quá non; bệnh tật hoặc chấn thương trước và sau khi sinh. Các loại nhiễm trùng như viêm màng não, ho gà, sởi có thể dẫn đến thiểu năng trí tuệ; chấn thương đầu nặng, tiếp xúc với các chất độc hại như chì cũng có thể gây ra thiểu năng trí tuệ. 

Các phương pháp giúp PHCN

+ Đối với nhóm khuyết tật vận động: Cần dạy lại cho người bệnh các kỹ năng thực hiện nghề cũ hoặc học nghề mới thích ứng với tình trạng thương tật, sức khỏe và khả năng của họ. Trợ giúp bằng lắp chân, tay giả; dụng cụ chỉnh hình: Nẹp chỉnh hình các loại như nẹp hông, đùi, gối-cổ chân, cổ chân, máng chỉnh hình, giày chỉnh hình...; Dùng các dụng cụ trợ giúp như xe lăn, khung tập đi, các đồ dùng có tay cầm đặc biệt, ghế ngồi đặc biệt,... tạo điều kiện cho NKT có thể di chuyển và thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày; cải thiện môi trường đường đi, nhà ở, phương tiện để NKT có thể thuận tiện làm các việc có ích.

+ Đối với nhóm thiểu năng trí tuệ: Khuyến khích tính độc lập của bệnh nhân, giúp bệnh nhân tham gia vào các hoạt động nhóm lớp nghệ thuật hoặc hướng đạo sinh sẽ xây dựng các kỹ năng xã hội; đồng thời, có chế độ dinh dưỡng tốt cho trí não như ăn bí đỏ có acid glutamic, cung cấp các dưỡng chất thiết yếu để tăng khả năng phản xạ của não bộ.

- Nhóm khuyết tật thị giác: Theo WHO, người khiếm thị khi chức năng thị giác bị giảm nặng ngay cả khi đã được điều trị và điều chỉnh tật khúc xạ tốt nhất nhưng thị lực ở mắt tốt chỉ ở mức dưới 6/18 hoặc thị trường bị thu hẹp dưới 100 kể từ điểm định thị. Chúng ta khắc phục bằng phương pháp giáo dục đặc biệt như với người khiếm thính, dùng ngôn ngữ trị liệu tập nói hoặc sử dụng các loại ngôn ngữ giao tiếp khác như viết, động tác bằng tay (thủ ngữ), dùng ánh mắt hoặc máy trợ thính,...với người khiếm thị, phương pháp phục hồi chức năng thị giác là đánh giá các tổn hại thị giác do chủ quan hay khách quan rồi chỉ định các dụng cụ trợ thị và hướng dẫn các kỹ năng nhìn, phục vụ và cải thiện môi trường sống phù hợp với người khiếm thị.

Công tác xã hội với NKT ở Việt Nam đã được thực hiện tốt, có tấm gương chị Nguyễn Thảo Vân là NKT đặc biệt hiện là Giám đốc Trung tâm Nghị Lực Sống, nơi đào tạo và tìm việc làm cho các lao động NKT ngành Công nghệ thông tin.

Trên thế giới đã lấy ngày 03/12 làm Ngày Quốc tế NKT còn ở Việt Nam chọn ngày 18/4.

Thông điệp của chúng ta thể hiện qua bài hát “Đôi mắt không còn vẫn còn nghe tiếng hát, đôi tai không còn vẫn nhìn thấy cầu vồng, đôi tay không còn liên hoan còn nhảy múa, đôi chân không còn ôm bạn trong vòng tay…”. Hãy cùng ôm bạn trong vòng tay để chia sẻ và cùng nhau xây dựng một thế giới hòa bình nhân ái./.

DSCK2. Lý Thị Nhất Định

Chia sẻ bài viết