Tiếng Việt | English

04/02/2020 - 10:01

Phước Vân: Nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên ở Cần Đước

Xã Phước Vân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An là nơi có phong trào hoạt động cách mạng phát triển khá sớm. Từ những năm 1927, tổ chức Hội kín do nhà yêu nước Nguyễn An Ninh sáng lập đã có mặt ở Cần Đước.

Tại Phước Vân, nhiều người yêu nước như ông Võ Công Tồn, Đỗ Đăng Sóc, Nguyễn Văn Thân, Nguyễn Văn Phu,… tích cực tham gia hoạt động. Cùng thời gian này, tổ chức Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội do Nguyễn Ái Quốc sáng lập cũng được nhiều người dân Cần Đước tham gia. Từ đó, Cần Đước trở thành mảnh đất tốt để ươm mầm những hạt giống đỏ, góp phần xây dựng Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện.

Về nguồn tại Di tích lịch sử Nền Nhà hội Phước Vân

Ngay khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập vào ngày 03/02/1930, Chi bộ Đảng ở Phước Vân cũng được hình thành gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Hân, Nguyễn Văn Thân, Nguyễn Văn Phu, Ba Tri, Hai Ngưu, Phạm Văn Mười do đồng chí Tư Hân làm Bí thư. Sự ra đời của chi bộ Đảng là nhân tố quan trọng, thúc đẩy phong trào cách mạng tiến lên. Từ đây, phong trào cách mạng của nhân dân được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, gắn liền với sự kiện đốt Nhà hội Phước Vân. Đó là 8 giờ ngày 04/6/1930, Chi bộ Đảng huy động trên 500 quần chúng nhân dân ở Phước Vân và các xã lân cận của huyện như Long Cang, Long Định, Long Khê, Long Sơn,… tổ chức biểu tình, tiến về Nhà hội Phước Vân hô to khẩu hiệu “Đả đảo đế quốc, đả đảo quan lại, địa chủ, cường hào ác bá, trả ruộng đất về tay nhân dân...”. Trước sức mạnh quần chúng, bọn tề làng hoang mang, hoảng sợ, bỏ chạy, nhân dân đập phá Nhà hội, đốt giấy tờ, sổ sách,...

Sáng hôm sau, thực dân Pháp ra lệnh cho tề làng tập hợp dân trong khu vực, một số người bị bắt, tra tấn tại Nhà hội, một số đảng viên bị đưa ra tòa xét xử. Sau cuộc đấu tranh, phong trào cách mạng ở địa phương tạm lắng cho đến khi đảng viên bị bắt mãn hạn tù trở về. Năm 1935, Chi bộ Đảng Phước Vân được phục hồi, lãnh đạo nhân dân bước vào cao trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ trong những năm 1936-1939, tạo tiền đề cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940 và viết tiếp những trang sử hào hùng của quê hương Cần Đước trong cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp và 21 năm đánh Mỹ. Viết tiếp trang sử hào hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Phước Vân luôn đi đầu trong các phong trào thi đua, được công nhận xã văn hóa, nông thôn mới sớm của huyện.

Nhà hội Phước Vân - nơi ghi dấu sự kiện lịch sử, cuộc đấu tranh của nhân dân Phước Vân, Cần Đước đã chứng minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cuộc đấu tranh của nhân dân chuyển từ hình thức tự phát sang tự giác, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Nền Nhà hội Phước Vân được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, được UBND huyện Cần Đước xây dựng bia tưởng niệm, trở thành nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau./.

Kim Khánh 

Chia sẻ bài viết