Tiếng Việt | English

22/01/2023 - 10:10

'Quả ngọt' từ chuyển đổi cây trồng

Những năm gần đây, phong trào chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả sang những cây trồng có giá trị kinh tế cao, nhất là cây ăn quả được nông dân trên địa bàn tỉnh tích cực thực hiện. Không những vậy, nhiều nông dân còn nhanh nhạy nắm bắt và ứng dụng tiến bộ khoa học -
kỹ thuật vào sản xuất, qua đó phát huy tối đa hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Nhờ chuyển đổi theo hướng đa cây trồng mà gia đình ông Lê Ngọc Trọng (ấp Bằng Lăng, xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh) có thu nhậphơn 300 triệu đồng/năm

Hơn 6 năm trước, ông Lê Ngọc Trọng (ấp Bằng Lăng, xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh) không dám nghĩ vườn cây chưa đến 1ha của gia đình có thể mang lại thu nhập gần 300 triệu đồng/năm như hiện nay. “Quả ngọt” này là nhờ ông mạnh dạn chuyển đổi từ đất lúa kém năng suất sang trồng các loại cây ăn quả như chanh, bưởi và sầu riêng. Ông Ngọc Trọng cho biết, thời gian đầu, ông gặp nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm trồng cây ăn quả. Ông tích cực tham gia các lớp tập huấn về ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, sử dụng phân bón, chăm sóc cây ăn quả nên vườn cây ngày càng xanh tốt, năng suất tăng dần qua các năm. “Những năm gần đây, thời tiết diễn biến phức tạp, giá cả thị trường biến động nhưng nhờ trồng đa cây giúp gia đình có nhiều nguồn thu và không bị phụ thuộc vào một loại cây trồng nhất định” - ông Ngọc Trọng nói.

Không chỉ gia đình ông Ngọc Trọng, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh cũng mạnh dạn chuyển đổi cây trồng. Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập - Trần Minh Nghĩa cho biết, trên địa bàn xã, các vùng trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, bưởi,... dần hình thành, thay thế những diện tích lúa đạt năng suất thấp. Nhờ chuyển đổi cây trồng, nhiều hộ dân trên địa bàn xã cải thiện thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ông Lê Văn Hậu (khu phố 3, thị trấn Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa) bên vườn sầu riêng trĩu quả

Thời gian qua, nhiều nông dân huyện Mộc Hóa cũng mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa sang cây ăn quả. Cách đây gần 10 năm, ông Lê Văn Hậu (khu phố 3, thị trấn Bình Phong Thạnh) mang cây sầu riêng về trồng thay thế cây lúa. Từ 0,5ha trồng thử nghiệm ban đầu, đến nay, ông Hậu phát triển lên 10ha với khoảng 1.700 gốc sầu riêng. Vườn sầu riêng của ông được đầu tư bài bản với đê bao khép kín và hệ thống tưới phun tự động. Theo ông Hậu, sầu riêng là cây trồng lâu năm, phải từ 5-6 năm mới cho trái và chi phí đầu tư rất cao, trên 1 tỉ đồng/ha. Thông thường, mỗi năm, sầu riêng chỉ cho thu hoạch 1 vụ vào tháng 3. Tuy nhiên, sau khi tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ nhà vườn ở tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, ông Hậu biết cách xử lý để sầu riêng cho trái thêm một vụ nghịch vào tháng 11. “Giá bán sầu riêng dao động từ 55.000-80.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, tôi có lợi nhuận trên 500 triệu đồng/ha/vụ” - ông Hậu nhẩm tính.

Những kết quả bước đầu trong chuyển đổi cây trồng trên địa bàn tỉnh khẳng định chủ trương đúng đắn trong việc khai thác, tận dụng tốt những tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống người dân./.

Minh Tuệ

Chia sẻ bài viết


Cung cấp Cây bàng đài loan Giá rẻ