Tiếng Việt | English

04/04/2019 - 18:12

Quyết liệt phòng, chống dịch tả heo châu Phi

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Long An, hiện nay, toàn tỉnh có trên 200.000 con heo, trong đó, khoảng 80% chăn nuôi theo hộ gia đình, 20% nuôi theo mô hình trang trại. Trước tình hình dịch tả heo châu Phi (DTHCP) diễn biến phức tạp, tỉnh không ngừng khuyến cáo các hộ chăn nuôi đề cao cảnh giác, phòng bệnh cho đàn heo.

Chốt kiểm dịch heo trước khi vào địa bàn tỉnh

Chốt kiểm dịch heo trước khi vào địa bàn tỉnh

Huyện Đức Hòa có trên 17.000 con heo và 4 cơ sở giết mổ quy mô lớn. Trước tình hình DTHCP diễn biến phức tạp, huyện tăng cường công tác phòng, chống nhằm bảo vệ đàn vật nuôi: Thường xuyên kiểm tra các cơ sở giết mổ, trang trại chăn nuôi; phối hợp Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh tiếp nhận các loại vắc-xin phục vụ tiêm phòng theo kế hoạch.

Các xã, thị trấn đã thành lập ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; đồng thời, tích cực vận động người dân thực hiện tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi thường xuyên theo hướng dẫn của cơ quan thú y, tổ chức vận động thực hiện tiêm phòng các loại vắc-xin khác như lở mồm long móng, heo tai xanh, dịch tả heo cổ điển,...

Huyện Bến Lức là cửa ngõ của tỉnh, tiếp giáp TP.HCM nên nguy cơ xảy ra dịch bệnh rất cao. Nhằm chủ động kiểm soát tốt DTHCP, UBND huyện thành lập 1 Đội Kiểm soát động vật lưu động và 2 chốt kiểm dịch động vật tạm thời: Chốt số 1 trên Đường tỉnh 830C tại điểm giáp ranh giữa địa bàn xã Tân Bửu với huyện Bình Chánh, TP.HCM; chốt số 2 trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương (tỉnh Tiền Giang) tại xã An Thạnh.

Hiện, các chốt kiểm dịch động vật tạm thời kiểm tra toàn bộ động vật, sản phẩm động vật từ các tỉnh phía Bắc và Tây Nguyên vận chuyển qua địa bàn huyện nhằm ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của vi-rút DTHCP.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bến Lức - Lê Văn Thuận cho biết: Bên cạnh tăng cường kiểm soát vận chuyển heo qua địa bàn, huyện bố trí đủ lực lượng kiểm tra và xử lý các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật vi phạm theo quy định, bố trí cán bộ trực 24/24 giờ, thông báo đường dây nóng để tiếp nhận thông tin từ người dân về tình hình dịch bệnh.

Huyện còn tổ chức thống kê đàn heo trên địa bàn và thành lập đoàn công tác các cấp để kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tại tuyến cơ sở, đẩy mạnh tiêu độc, khử trùng,...; tăng cường trách nhiệm của địa phương trong xác định ổ dịch, vùng dịch và vùng giám sát dịch bệnh; quản lý chăn nuôi, an toàn sinh học, tái đàn sau khi hết dịch; tuyên truyền DTHCP không lây sang người để người dân an tâm lựa chọn thực phẩm qua kiểm dịch, bảo đảm an toàn.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền đề nghị các huyện cần tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; đồng thời, thực hiện tốt công tác kiểm tra nguồn gốc động vật, sản phẩm được tiêu thụ trên địa bàn và nhập về từ nơi khác; tăng cường công tác kiểm soát giết mổ ở các cơ sở tập trung góp phần phòng, chống dịch bệnh tại địa phương.

Đối với các hộ chăn nuôi, khi tái đàn phải mua heo giống rõ nguồn gốc, sạch bệnh, thường xuyên vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường và hệ thống chuồng trại trong quá trình chăn nuôi, cần áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm phòng các loại vắc-xin theo định kỳ; khi phát hiện heo có những triệu chứng nghi ngờ dịch bệnh phải báo cáo ngay với chính quyền và nhân viên thú y để huy động mọi nguồn lực triển khai ngay các biện pháp dập dịch tại chỗ. Mục tiêu cao nhất là chủ động ngăn ngừa, không để phát sinh dịch bệnh./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết