Mang lại hiệu quả
Thanh long là một trong những loại cây chủ lực của tỉnh Long An và là 1 trong 4 loại cây trồng được tỉnh chọn ƯDCNC để phát triển sản xuất. Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện toàn tỉnh có trên 8.930ha thanh long, đạt 92,1% kế hoạch, bằng 107,19% so cùng kỳ.
Diện tích cho trái khoảng 7.346,3ha, tập trung chủ yếu ở huyện Châu Thành, Tân Trụ, Bến Lức và TP.Tân An. Năng suất đạt 274 tạ/ha, sản lượng đạt 262.826 tấn. Tính đến tháng 7/2023, toàn tỉnh có trên 4.945ha thanh long ƯDCNC, đạt 82,42% kế hoạch đến năm 2025.
Các hợp tác xã sản xuất thanh long trên địa bàn tỉnh tham quan, học tập kinh nghiệm tại Hợp tác xã Long Hội (huyện Châu Thành)
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh tập trung chỉ đạo các chi cục trực thuộc, các địa phương xây dựng những mô hình điểm, mô hình nhân rộng và duy trì. Trong đó, nội dung triển khai tập trung vào hỗ trợ, hướng dẫn sử dụng phân bón hữu cơ, sản phẩm sinh học cải tạo đất, sản phẩm sinh học đối kháng nấm bệnh, ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất (hệ thống tưới tiên tiến, đèn led) và các thiết bị phục vụ sản xuất (bút đo pH, bút đo độ mặn), hướng dẫn quy trình sản xuất thanh long theo hướng GAP, hữu cơ,...; đồng thời, tập trung các giải pháp quản lý sử dụng chỉ dẫn địa lý thanh long Châu Thành Long An.
Mô hình trồng thanh long ƯDCNC của HTX Long Hội (xã An Lục Long, huyện Châu Thành) là một trong những mô hình tiêu biểu về ƯDCNC vào sản xuất thanh long của tỉnh. Việc áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất thanh long bước đầu đã làm thay đổi tập quán canh tác của người dân, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Giám đốc HTX Long Hội - Trương Minh Trung cho biết: “Hiện tại, tôi ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm để giảm công lao động và giá thành, tăng hiệu quả kinh tế so với sản xuất truyền thống. Toàn HTX có trên 50ha thanh long với trên 60 thành viên, sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP và được Công ty TNHH MTV The Fruit Republic Cần Thơ bao tiêu với giá ổn định, cao hơn thị trường từ 5.000-7.000 đồng/kg. Trung bình mỗi năm, thành viên HTX thu lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng/ha”.
Năm 2014, gia đình ông Nguyễn Văn Toàn (xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành) chuyển 2,2ha lúa sang trồng thanh long ruột đỏ. Thời điểm đó, nhu cầu thanh long ruột đỏ của thị trường cao, có giá bán tốt, thường cao hơn nhiều lần so với thanh long ruột trắng. Nông dân vì vậy mà ồ ạt chuyển sang cây trồng này. Theo ông Toàn, ban đầu, ông không có ý định chuyển sang trồng thanh long. Tuy nhiên, tất cả ruộng xung quanh ruộng nhà ông đều chuyển sang trồng thanh long, máy móc sản xuất lúa không thể vào ruộng được nên bắt buộc ông cũng phải chuyển sang trồng loại cây này.
Khoảng 5 năm đầu, ông Toàn chưa nghĩ đến việc ƯDCNC vào sản xuất. Thấy những ruộng xung quanh trồng thế nào, ông trồng theo như thế. Giữa ruộng, ông đào ao nước. Ngày 2 buổi, cả gia đình 4 người kéo đường ống bơm nước tưới cho cả vườn thanh long 2,2ha. Trung bình, mỗi ngày gia đình ông dành hơn 3 giờ để tưới nước.
Vài năm gần đây, nhu cầu thị trường giảm, thanh long ruột đỏ rớt giá, thậm chí không có thương lái thu mua. Nhiều nông dân đã chặt bỏ thanh long để chuyển sang trồng loại cây khác. Để giúp nông dân ổn định sản xuất, nhất là sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tổ chức nhiều buổi hội thảo, tập huấn, hướng dẫn nông dân ƯDCNC vào sản xuất. Đặc biệt, từ năm 2021, tỉnh thông qua Nghị quyết về Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2025. Thanh Long tiếp tục là 1 trong 4 loại cây trồng được tỉnh chọn để phát triển nông nghiệp ƯDCNC.
Ông Toàn và nhiều nông dân sản xuất theo kiểu truyền thống bắt đầu tìm tòi, tham gia các lớp tập huấn về sản xuất ƯDCNC, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP,... để bám trụ với cây thanh long. “Tôi vay vốn từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Châu Thành để đầu tư đèn cao áp thay cho đèn chữ U, đèn dây tóc và lắp hệ thống tưới nước tự động. Nhờ hệ thống này, tôi chỉ mất khoảng 20-25 phút mỗi ngày để tưới thanh long” - ông Toàn cho biết.
Bên cạnh đó, ông mạnh dạn chuyển đổi từ phương thức sản xuất truyền thống sang sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP dưới sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện. “Khi tham gia sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP, tôi không còn sử dụng phân gà tươi để bón và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý hơn trong quản lý dịch bệnh, làm quen với việc ghi chép nhật ký sản xuất, tiết kiệm điện và lượng nước sử dụng,... Trung bình mỗi năm, tôi có lợi nhuận từ 250-300 triệu đồng/ha” - ông Toàn chia sẻ.
Hướng đến phát triển bền vững
Khi tham gia sản xuất thanh long ƯDCNC, nông dân được hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả giúp việc sản xuất trở nên an toàn và bền vững hơn. Cụ thể như mô hình tưới nước tiên tiến, ủ phân bón hữu cơ, thu gom bao bì, chai thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng, sản xuất thanh long đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP,…
Công nhân sơ chế thanh long trước khi đóng gói để xuất khẩu
Thông tin từ Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh, đến nay, đã có 236 mã số vùng trồng được cấp để thanh long xuất sang các thị trường trên thế giới. Hiện tại, Chi cục tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói cho các loại cây trồng nhằm giúp người tiêu dùng có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Qua đó, nâng cao uy tín, thương hiệu, đưa trái thanh long tiếp cận những thị trường khó tính trên thế giới.
Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh - Nguyễn Quốc Trịnh cho hay: “Hiện nay, nhu cầu của thế giới về thanh long vẫn còn rất lớn. Tuy nhiên, ngoài yếu tố đẹp, bắt mắt thì các thị trường xuất khẩu và người tiêu dùng còn quan tâm đến vấn đề sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, nông dân cần thay đổi tập quán sản xuất, tập trung xây dựng mã số vùng trồng, chú trọng sản xuất sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đặc biệt là chú ý đến các quy định, yêu cầu từ thị trường xuất khẩu để có đầu ra ổn định”.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện, để tháo gỡ khó khăn cho người trồng thanh long và giúp cây trồng này phát triển bền vững, giải pháp hiện nay là đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; chuyển giao các giải pháp kỹ thuật để giảm giá thành trong thời điểm giá vật tư tăng cao; đồng thời, xử lý trái vụ và vận động nông dân tham gia vào các HTX để thực hiện tốt liên kết tiêu thụ.
“Thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp các sở, ngành liên quan và các địa phương tăng cường công tác vận động, tuyên truyền đến người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ,... triển khai đồng bộ từ khâu sản xuất đến cơ sở đóng gói, sơ chế, bảo quản để chủ động phục vụ xuất khẩu. Song song đó, Sở phối hợp nghiên cứu, phát triển giống thanh long mới thay thế giống bị thoái hóa để đa dạng sản phẩm và nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế của cây thanh long; đẩy mạnh công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả” - ông Nguyễn Chí Thiện thông tin./.
Bùi Tùng