Nghị lực của người lính
Dù đã 73 tuổi nhưng thương binh hạng 1/4 Phạm Văn Sơn (ấp Chánh, xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) vẫn giữ tinh thần lạc quan và tích cực lao động. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang, rộng rãi, ông Sơn hào hứng kể câu chuyện một thời khói lửa hào hùng của ông.
Dù đã 73 tuổi nhưng thương binh Phạm Văn Sơn vẫn tích cực lao động
Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, năm 15 tuổi, ông Sơn tham gia du kích. Đến năm 18 tuổi, ông thoát ly, tham gia bộ đội trinh sát thuộc Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đức Hòa. Năm 1970, ông Sơn bị thương nặng. “Trong lúc tôi bàn chiến thuật cùng đồng đội thì bất ngờ bị phục kích. Tôi bị mất 1 ngón chân và bị địch bắn xuyên qua bụng. Trước khi ngất đi, tôi chỉ nghe một tiếng bom nổ rền vang. Lúc tỉnh dậy, tôi đã thấy mình bị địch bắt, trên người nhiều thương tích, chân và tay không có cảm giác gì. Dù bị đánh đập, hành hạ dã man nhưng tôi quyết không khai báo” - ông Sơn nhớ lại.
Năm 1970, ông Sơn trở về quê hương, mang theo trong người những vết thương chiến tranh. Vừa điều trị, ông vừa làm liên lạc ở xã. Không lâu sau đó, ông lập gia đình. Thời điểm ấy, kinh tế gia đình ông rất khó khăn. Cứ mỗi khi trái gió trở trời, vết thương cũ tái phát khiến ông đau đớn. Năm 1985, ông phải phẫu thuật cắt bỏ 1 trái thận. Dù mất 81% sức khỏe nhưng khắc ghi lời dạy của Bác: “Thương binh tàn nhưng không phế”, vợ chồng ông lại động viên nhau cùng nỗ lực vươn lên.
Ông Sơn chia sẻ: “Từng là người lính, tôi luôn tự nhủ, trong chiến tranh sẵn sàng cầm súng đánh giặc thì thời bình phải nỗ lực chiến đấu trên mặt trận kinh tế. Ông bà xưa thường nói “an cư, lạc nghiệp”, vợ chồng tôi quyết định cất căn nhà tạm, nuôi heo, gà để cải thiện cuộc sống”.
Ngoài chăn nuôi, ban ngày, ông Sơn còn đi bán vé số, tối thì làm bảo vệ để kiếm thêm thu nhập. Nhờ cần cù, chịu khó, ông tích cóp xây được ngôi nhà khang trang và có điều kiện nuôi dạy con cái. Đến nay, dù cuộc sống đủ đầy hơn trước, tuổi cũng đã cao nhưng ông vẫn chưa cho phép bản thân nghỉ ngơi. Hàng ngày, ông vẫn chăm sóc trên 400 con gà nòi. Mỗi tháng, ông bán khoảng 50 con gà; sau khi trừ chi phí, ông thu lợi nhuận 4-5 triệu đồng/tháng.
Gương mẫu, làm kinh tế giỏi
Xuất ngũ với thương tật 25% nhưng người lính Cụ Hồ quyết tâm vượt qua đau đớn về thể xác để vươn lên, ổn định cuộc sống bằng nhiều nghề và hiện gắn bó với nghề nuôi chim bồ câu. Đó là thương binh hạng 4/4 Nguyễn Văn Thích (71 tuổi, ngụ ấp 3, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức).
Tình nguyện nhập ngũ khi tròn 16 tuổi, ông Thích cùng đồng đội hành quân ròng rã trên chiến trường Tây Ninh, Sư đoàn 9, qua Campuchia. “Tôi tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia được 3 năm thì về Châu Đốc, An Giang. Tại đây, trong một trận chống càn, tôi bị thương khắp cơ thể nhưng nặng nhất là ở tay, vai và lưng. Đó là những năm tháng mà tôi không thể nào quên” - ông Thích bộc bạch.
Để phát triển kinh tế gia đình, thương binh Nguyễn Văn Thích chuyển từ trồng lúa sang trồng bưởi da xanh, ổi nữ hoàng
Sau ngày giải phóng miền Nam, ông Thích trở về quê hương. Sức khỏe yếu nhưng ông tích cực lao động để cải thiện cuộc sống và nuôi 2 người con ăn học. Với 0,6ha đất ông bà để lại, ông trồng lúa nhưng năng suất không cao, thu nhập bấp bênh. Để phát triển kinh tế gia đình, ông bàn bạc với vợ chuyển sang trồng bưởi da xanh và ổi nữ hoàng. Nhờ được chăm sóc đúng cách, vườn cây ăn trái của ông phát triển tốt, cho năng suất cao. Cùng với trồng trọt, ông còn đầu tư xây chuồng để nuôi chim bồ câu.
Ông Thích chia sẻ: “Ban đầu, tôi chỉ nuôi thử nghiệm khoảng 100 con chim bồ câu. Sau thời gian ngắn, tôi nhận thấy chim bồ câu vừa dễ nuôi lại ít bệnh. Do chim nuôi nhốt nên chỉ cần diện tích nhỏ cũng có thể phát triển số lượng đàn lớn. Vì vậy, tôi quyết định mở rộng chuồng, trại để nuôi 500 con chim bồ câu. Tôi vừa nuôi, vừa học hỏi thêm kinh nghiệm”.
Mô hình nuôi chim bồ câu giúp thương binh Nguyễn Văn Thích cải thiện kinh tế, ổn định cuộc sống
Theo ông Thích, chim bồ câu được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng bởi thịt chim có thành phần dinh dưỡng cao. Bình quân mỗi tuần, ông bán từ 40-50 con chim bồ câu thương phẩm với giá khoảng 40.000 đồng/con, lợi nhuận trên 1 triệu đồng. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông còn nuôi dạy con thành đạt, sống chan hòa với hàng xóm, láng giềng. Gia đình ông nhiều năm liền được công nhận gia đình đạt chuẩn văn hóa.
Làm giàu nhờ nuôi tôm
Theo chân Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành, chúng tôi đến thăm ông Đặng Văn Tùng - thương binh hạng 1/4 (52 tuổi, ngụ ấp Xuân Hòa 1, xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành). Năm 20 tuổi, cũng như bao thanh niên khác, ông Tùng tình nguyện lên đường nhập ngũ tại Lữ đoàn Công binh 25. Trong lúc thực hiện nhiệm vụ, ông Tùng không may bị thương và mù một bên mắt.
Không đầu hàng số phận, sau khi xuất ngũ, ông Tùng luôn trăn trở làm sao để phát triển kinh tế, chăm lo cho gia đình. Bằng nghị lực của người lính Cụ Hồ, ông Tùng cùng gia đình mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao, vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Năm 2000, ông Tùng là một trong những người đi đầu thực hiện mô hình nuôi tôm ở xã vùng hạ còn nhiều khó khăn.
Không đầu hàng số phận, thương binh Đặng Văn Tùng (ấp Xuân Hòa 1, xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành) luôn trăn trở làm sao để phát triển kinh tế, chăm lo gia đình
Ông Tùng tâm sự: “Tôi chủ động tìm tòi, nghiên cứu biện pháp khoa học - kỹ thuật và được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương để tiếp cận các nguồn vốn vay, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Nhờ đó, ao tôm mang lại thu nhập ổn định hàng năm. Tôi có điều kiện để mua thêm đất mở rộng diện tích sản xuất. Từ 0,4ha đất nuôi tôm ban đầu, đến nay, tôi có 1ha, lợi nhuận hàng năm trên 100 triệu đồng”.
Nhận xét về tấm gương vượt khó vươn lên làm giàu của ông Tùng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Thanh Vĩnh Đông - Phạm Hồng Vũ cho biết: “Ông Tùng là hội viên gương mẫu xứng danh Bộ đội Cụ Hồ. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông Tùng còn đóng góp tích cực trong các phong trào do địa phương phát động như hiến đất, kinh phí, ngày công để xây dựng các công trình giao thông. Ông cũng không ngần ngại chia sẻ những kinh nghiệm nuôi tôm cho đồng đội, người dân để cùng nhau phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống”.
Từng xông pha trong lửa đạn, cống hiến tuổi trẻ, xương máu vì độc lập, tự do của dân tộc, khi trở về với cuộc sống đời thường, nhiều thương binh tiếp tục nỗ lực trên “mặt trận” phát triển KT-XH để làm giàu cho gia đình và góp sức xây dựng địa phương. Họ là những “thương binh tàn nhưng không phế”, tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo./.
Huỳnh Hương