Đường giao thông nông thôn rộng 5m tại xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ
Thay màu “áo mới”
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cứu nước, xã Long Hiệp, huyện Bến Lức là căn cứ cách mạng. Tháng 6/1930, chi bộ Đảng đầu tiên của xã được thành lập tại ấp Phước Tỉnh. Với truyền thống yêu nước và đảng viên hoạt động tích cực, chỉ trong thời gian ngắn, chi bộ xây dựng được nhiều cơ sở đùm bọc cán bộ địa phương, che chở, bảo vệ cán bộ cấp trên.
Đây còn là nơi ra đời của Ban Chấp hành chính thức đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc tỉnh Long An) vào tháng 11/1931, tại ấp Long Bình.
Dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng, quần chúng và đảng viên đấu tranh không sợ gian khổ, hy sinh, góp phần cùng cả nước giành lại độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Long Hiệp - Trần Thị Ánh Tuyết cho biết: “Chiến tranh kết thúc, xã có 280 liệt sĩ và 32 Mẹ Việt Nam Anh hùng. Phát huy truyền thống cách mạng hào hùng của địa phương, Đảng bộ, chính quyền và người dân Long Hiệp chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, đưa xã phát triển toàn diện về mọi mặt.
Vùng quê cách mạng nghèo khó năm nào giờ đây “thay da, đổi thịt”, trở thành “điểm sáng” trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước. Đời sống người dân không ngừng được nâng cao. Có được kết quả đó là nhờ sự quan tâm lãnh đạo của cấp trên, sự đoàn kết, thống nhất của Đảng bộ, chính quyền và sự đồng thuận của người dân”.
Nhà bia ghi danh anh hùng liệt sĩ xã Long Hiệp, huyện Bến Lức
Thời gian qua, hệ thống giao thông cùng các công trình phúc lợi được quan tâm đầu tư xây dựng. Những cánh đồng lúa cùng các loại rau ăn lá, ăn quả phát triển xanh tươi. Trải dài tiếp nối là những căn nhà ngói đỏ tạo nên một diện mạo tươi mới cho xã nông thôn mới (NTM) được công nhận năm 2019.
Hiện xã phấn đấu “về đích” xã NTM nâng cao vào cuối năm 2024. Đến nay, các tuyến đường giao thông trên địa bàn xã đều được nhựa hóa, bêtông hóa. Hệ thống chiếu sáng phủ khắp các xóm, ấp. Hộ dân sử dụng nước sạch đạt 88,56%. Trường Mẫu giáo Long Hiệp và Tiểu học Long Phước đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Trường Tiểu học và THCS Võ Công Tồn đang được sửa chữa để đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 2.
Ngoài ra, trên địa bàn xã có 2 khu công nghiệp giải quyết việc làm cho hơn 2.000 công nhân trong và ngoài xã. Công tác chăm lo gia đình chính sách, hộ cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn luôn được chú trọng. Từ đó, đời sống người dân được nâng cao. Hiện xã không còn hộ nghèo, chỉ còn 21 hộ cận nghèo. Thu nhập bình quân đầu người hơn 70,7 triệu đồng/năm.
Ông Trần Hữu Nghĩa (ấp Chánh) phấn khởi nói: “Các công trình đều được thực hiện theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” nên tạo sự đồng thuận cao. Đến nay, hệ thống giao thông, trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang, thuận tiện, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, học tập, chăm sóc sức khỏe của người dân. Tôi rất tự hào vì được sinh sống trên quê hương giàu truyền thống cách mạng”.
Trạm Y tế xã Long Hiệp, huyện Bến Lức duy trì đạt Bộ tiêu chí quốc gia, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân
Xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của huyện
Với truyền thống anh hùng trong kháng chiến, huyện Châu Thành có 9 xã anh hùng. An Lục Long là 1 trong số các xã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đây cũng là xã đầu tiên của huyện xây dựng thành công NTM kiểu mẫu.
Với hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện, cán bộ, người dân trong xã tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng trong công cuộc xây dựng địa phương.
Bí thư Đảng ủy xã An Lục Long - Lê Thị Thu Vân cho biết: “An Lục Long đạt xã NTM kiểu mẫu đầu tiên của huyện là kết quả nhờ sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong xã. Chúng tôi luôn quán triệt sâu sắc, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào thực tiễn, lấy phát triển kinh tế làm nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, gắn với đẩy mạnh phát triển văn hóa, KT-XH, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”.
An Lục Long bây giờ mang một sức sống mới khi đời sống người dân được nâng lên về mọi mặt. Thu nhập của người dân ở mức cao; đường giao thông thông suốt đến từng ngõ nhà, 100% nhà ở dân cư là nhà kiên cố,...
Đặc biệt, trong thời đại công nghệ số, việc chuyển đổi số được đẩy mạnh tại địa phương và từng bước đi vào đời sống người dân.
Xã có hạ tầng cáp quang và thông tin di động 4G/5G bao phủ đến hộ gia đình, thuê bao sử dụng điện thoại thông minh của xã đạt 80%; 75% người dân trong độ tuổi lao động được phổ biến kiến thức về sử dụng máy tính và kỹ năng số cơ bản; 100% sản phẩm OCOP được giới thiệu, quảng bá trên sàn thương mại điện tử.
Trụ sở UBND xã, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng xã, Trạm Y tế, trường học, nhà văn hóa ấp đều có wifi miễn phí.
Ông Võ Văn Bé (ấp Nhà Việc, xã An Lục Long, huyện Châu Thành) điều khiển hệ thống tưới thanh long bằng điện thoại
Việc ứng dụng công nghệ số còn đi vào đời sống một cách thiết thực khi nông dân An Lục Long bắt đầu ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào lĩnh vực nông nghiệp. Lão nông Võ Văn Bé (ấp Nhà Việc) đi đầu trong sử dụng công nghệ tưới nước và chiếu sáng thông minh bằng điều khiển từ xa trong sản xuất thanh long. Nhờ đó, ông không còn sợ gặp nguy hiểm mỗi khi tắt, mở đèn xông thanh long lúc trời mưa.
Chỉ cần ngồi trong nhà thực hiện một thao tác nhỏ trong điện thoại là có thể dễ dàng tưới nước, tưới phân bón hoặc tắt, mở đèn cho vườn thanh long. Đó là điều mà nền nông nghiệp hiện đại và bền vững đang hướng tới.
Đi lên từ gian khó
Từ vùng căn cứ anh hùng, xã Bình Hòa Nam (huyện Đức Huệ) đang từng bước xây dựng nông thôn mới nâng cao, mang đến sự phấn khởi cho người dân trong xã.
Nói về truyền thống anh hùng của vùng đất Bình Hòa Nam, không thể không nhắc đến những đóng góp, hy sinh của người dân trong xã. 35 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 195 liệt sĩ cùng rất nhiều người có công với cách mạng là minh chứng cho sự kiên trung của người dân trong hành trình chống ngoại xâm.
Năm 1945, cũng tại Bình Hòa Nam, Khu 7 được chính thức thành lập và không ngừng lớn mạnh, góp phần vào công cuộc bảo vệ quê hương.
Giờ đây, trên vùng đất “bom cày, đạn xới” đã phủ xanh những ruộng lúa, vườn chanh. Sau khoảng 10 năm chuyển đổi cây trồng từ lúa sang chanh, ông Nguyễn Văn Út (ấp 3, xã Bình Hòa Nam) khẳng định, lợi nhuận cây chanh mang lại cho gia đình gấp 3 lần lúa.
Ông Út nói: “Cây chanh cho trái quanh năm với năng suất khoảng 20 tấn/ha và mức giá thường dao động từ 8.000-28.000 đồng/kg, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Vài năm trở lại đây, giá chanh ở mức khá, nhờ vậy nông dân cũng phấn khởi hơn nhiều”.
Nhờ chuyển đổi sang trồng chanh, kinh tế gia đình ông Nguyễn Văn Út (ấp 3, xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ) ngày càng ổn định
Từ những kết quả đó, đời sống người dân Bình Hòa Nam được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người 72 triệu đồng/năm. Người dân sử dụng điện, nước hợp vệ sinh xấp xỉ 100%, trong đó hơn 80% sử dụng nước sạch.
Các công trình: Trường học, trạm y tế, đường giao thông nông thôn, trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng xã được quan tâm đầu tư xây dựng khang trang, phục vụ tốt hoạt động giáo dục, chăm sức khỏe, tinh thần cho người dân địa phương.
Phát huy kết quả đã đạt, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân ở những địa phương giàu truyền thống cách mạng tiếp tục đoàn kết một lòng, vượt qua những khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, đời sống ngày thêm ấm no, hạnh phúc./.
Ngọc Mận - Quế Lâm