Xót xa cảnh "người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh"
Trong nhiều nỗi đau, có lẽ mất đi người thân là đau đớn nhất. Hơn nửa tháng trôi qua kể từ ngày chiếc xe tải cướp đi sinh mệnh của em N.H.B.N. (SN 2008, ngụ xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) nhưng không khí tang thương vẫn bao trùm ngôi nhà nhỏ của em.
Từ khi cha mẹ ly hôn, em B.N. sớm trưởng thành hơn so với lứa tuổi. Sống cùng ông bà nội già yếu, lại thiếu vắng tình cảm của cha mẹ, B.N. gánh vác chăm sóc 3 đứa em nhỏ. Hiểu được hoàn cảnh gia đình khó khăn, B.N. xin ông bà nội được đi làm thêm kiếm tiền trang trải việc học của mình và các em.
Mỗi ngày, tranh thủ thời gian rảnh, em Nguyễn Huỳnh Bảo Thy (xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành) dạy 2 em nhỏ học bài
Trên đường đi làm thêm về, B.N. bị TNGT, chấn thương đầu rất nặng. Sau vài ngày chống chọi, em đã không qua khỏi. B.N. ra đi để lại nỗi đau xót cho gia đình và bạn bè, nhất là 3 đứa em còn quá nhỏ. Được biết, hôm đó, em còn ghé mua phở mang về cho các em nhưng chưa kịp về đến nhà, B.N. đã bị TNGT.
Chịu cảnh “lá xanh rụng trước lá vàng”, ông Nguyễn Văn Quyền (ông nội của B.N.) nghẹn ngào nói: “B.N. rất giỏi, hàng ngày đi học về, cháu thường phụ giúp vợ chồng tôi chăm sóc vài trăm gốc thanh long và chăm lo cho các em. Dịp nghỉ hè, cháu xin tôi đi làm phục vụ ở quán ăn để phụ ông bà lo cho các em. Thương cháu nhưng do hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, tôi đành để cháu đi làm thêm. Không ngờ cháu bị TNGT, rời xa gia đình mãi mãi”.
Lau vội những giọt nước mắt, thương đứa cháu hiểu chuyện của mình, vợ chồng ông Quyền kìm nén nỗi đau vào lòng. Giờ đây, ước mong cuối cùng của vợ chồng ông là có sức khỏe để lao động kiếm tiền chăm lo cho 3 đứa cháu còn lại đến lớn khôn.
Em Nguyễn Huỳnh Bảo Thy (em gái của B.N.) xúc động nói: “Chị đi rồi, giờ đây em không còn ai để tâm sự, dạy học bài nữa. Nhớ những bữa cơm em phụ chị nấu, nhớ những lúc 4 chị em ngồi chơi với nhau. Em sẽ cố gắng học thật giỏi, thay chị phụ giúp ông bà, chăm sóc các em”.
Mặc dù chỉ mới lên lớp 3 nhưng em Nguyễn Huỳnh Bảo Anh (em gái của B.N.) rất hiểu chuyện. “Em thường phụ bà nội vo gạo nấu cơm, lặt rau. Em sẽ chăm ngoan, học giỏi để có thể đỡ đần ông bà nội và các chị đỡ lo lắng cho em” - Bảo Anh hồn nhiên nói.
"Mỗi hoàn cảnh là một câu chuyện thương tâm của người trong cuộc cũng như thân nhân. Để không còn những nỗi đau ấy, hơn ai hết vẫn là ý thức, trách nhiệm của tất cả mọi người khi tham gia giao thông." |
Nỗi lo của người làm cha mẹ
Phận làm con phải chăm sóc cha mẹ, vậy mà, TNGT bất ngờ xảy ra, cướp đi ánh sáng của anh Đ.T.T. (SN 1996, ngụ xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ). Cuộc sống, sinh hoạt phải phụ thuộc vào gia đình, đạo hiếu với mẹ cha anh không thể vẹn tròn. Đã 2 năm trôi qua từ ngày bị tai nạn, vết thương trên thân thể của anh Đ.T.T. có thể đã lành nhưng nỗi đau tinh thần và những thay đổi trong cuộc sống thì vẫn còn đó, ám ảnh gia đình.
Ông Đỗ Thành Tài (cha của anh T.) vẫn chưa thể nào quên được ngày định mệnh đó. “Khi nghe tin con trai bị tai nạn đưa đến bệnh viện, vợ chồng tôi như chết lặng. Khi biết mắt con có nguy cơ không nhìn thấy được nữa, vợ chồng tôi đưa con đến nhiều bệnh viện, suốt mấy tháng trời, phải đi vay mượn rất nhiều tiền nhưng vẫn không thể lấy lại ánh sáng cho con” - ông Tài nghẹn ngào nói.
Gia đình anh Đ.T.T. (xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ) thường xuyên được chính quyền địa phương quan tâm, thăm hỏi, động viên
Lần đó, anh T. đi đám cưới một người bạn. Sau khi dự tiệc xong, trên đường về, anh bị một người đàn ông say rượu chạy ngược chiều đâm vào. Cú va chạm mạnh khiến anh T. bị thương nặng ở mắt. Từ đó, ánh sáng vĩnh viễn rời xa cuộc đời anh.
Bà Lê Thị Ngọc Loan (mẹ của anh T.) trải lòng: “Tôi ở nhà chăn nuôi, chồng đi làm thuê, một tuần kiếm được vài trăm ngàn đồng. Biết gia đình khó khăn nên T. chịu thương, chịu khó lắm. Vợ chồng tôi chỉ có đứa con trai duy nhất là T. thôi mà giờ mắt nó như vậy, dang dở một tương lai còn dài. Mỗi lần nhìn con, vợ chồng tôi đau lòng lắm”.
Kể từ sau vụ tai nạn, mọi sinh hoạt của anh T. đều nhờ vào sự trợ giúp của gia đình. Ông Tài cho biết: "T. không muốn cha mẹ cứ mãi lo lắng nên anh xin đi học nghề xoa bóp để có nghề nghiệp ổn định. Hàng ngày, cứ 7 giờ sáng, tôi chở con lên TP.Tân An học, chiều 4 giờ sẽ rước về. Khi nào con có công việc ổn định, vợ chồng tôi mới yên tâm được” - ông Tài nói.
Mỗi hoàn cảnh là một câu chuyện thương tâm của người trong cuộc cũng như thân nhân. Để không còn những nỗi đau ấy, hơn ai hết vẫn là ý thức, trách nhiệm của tất cả mọi người khi tham gia giao thông. Hãy tuân thủ quy định của pháp luật khi tham gia giao thông; nhường nhau khi qua đường; không phóng nhanh, vượt ẩu; không điều khiển phương tiện khi trong người có men rượu, bia; hãy đội mũ bảo hiểm cho mình và người thân khi đi môtô, xe gắn máy;... sẽ góp phần hạn chế đến mức thấp nhất những vụ việc đau lòng do TNGT./.
Thu Thảo