Ổn định đầu ra cho nông sản
Mô hình Cánh đồng lớn những năm gần đây đã trở thành một trong những giải pháp quan trọng để hình thành các vùng sản xuất lúa tập trung, quy mô lớn. Mô hình không chỉ hình thành nên vùng sản xuất lúa tập trung mà còn góp phần nâng cao chất lượng lúa, từng bước đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), vụ Đông Xuân 2021 - 2022, toàn tỉnh có 25 doanh nghiệp tham gia thực hiện mô hình Cánh đồng lớn tại 182 cánh đồng với 3.114 hộ tham gia, diện tích thực hiện hơn 15.700ha. Vụ Hè Thu 2022, đến nay, có 9 doanh nghiệp thực hiện tại 102 cánh đồng với 335 hộ tham gia, diện tích thực hiện 9.300ha.
Mô hình Cánh đồng lớn góp phần hình thành các vùng sản xuất lúa tập trung, quy mô lớn
Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mộc Hóa - Lê Văn Tùng cho biết: “Để người dân được tiếp cận với các mô hình liên kết, hợp tác sản xuất nông nghiệp hiệu quả, đầu vào và đầu ra của sản phẩm nông nghiệp được bảo đảm, Phòng đã đề nghị UBND các xã, thị trấn phối hợp các đoàn thể tuyên truyền, vận động để người dân trên địa bàn biết về hiệu quả của mô hình liên kết hợp tác sản xuất, kết nối với các doanh nghiệp, tạo đầu ra ổn định cho thị trường. Vụ Hè Thu này, huyện tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình liên kết hiệu quả để ổn định đầu ra, nâng cao thu nhập cho nông dân”.
Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ, Thương mại và Sản xuất nông nghiệp Hương Trang (xã Bình Hòa Trung, huyện Mộc Hóa) - Trần Văn Sửa cho biết, những năm qua, việc liên kết với Tập đoàn Lộc Trời được thực hiện tốt, số lượng hộ dân đăng ký tham gia liên kết cũng ngày càng tăng. Khi tham gia liên kết, nông dân được chuyển giao các kỹ thuật canh tác khoa học, hiệu quả hơn. Chất lượng lúa cũng đáp ứng tốt các tiêu chí của đơn vị thu mua nên đầu ra được bảo đảm. Song song đó, nông dân được hỗ trợ sử dụng công nghệ hiện đại: Máy cấy, máy sạ hàng, máy phun thuốc điều khiển từ xa,... Qua đó, vừa góp phần tiết kiệm chi phí đầu vào cho nông sản, vừa bảo đảm sức khỏe cho nông dân khi hạn chế tiếp xúc trực tiếp với các loại thuốc trừ sâu.
Nông dân ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất lúa
Theo anh Nguyễn Văn Toàn - thành viên HTX Dịch vụ, Thương mại và Sản xuất nông nghiệp Hương Trang, trước đây, mỗi khi phun thuốc bảo vệ thực vật, anh đều ước chừng và phun xịt theo kiểu truyền thống nên khá tốn kém và ảnh hưởng đến sức khỏe do tiếp xúc trực tiếp với hóa chất. Từ khi có kỹ sư nông nghiệp hỗ trợ các giải pháp áp dụng khoa học, lượng thuốc sử dụng trong cây lúa giảm hơn 30%, trong khi năng suất cây lúa cao hơn những năm trước. Với sự hướng dẫn trực tiếp từ các kỹ sư nên anh hiểu được đặc tính của từng loại bệnh và bệnh nào cần phun thuốc, bệnh nào không cần sử dụng thuốc.
Đối với cây thanh long, dù thời gian qua việc xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, nhiều nông dân thua lỗ phải phá bỏ và chuyển sang trồng các loại cây khác. Nhưng nhờ được cấp mã vùng trồng và thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, các thành viên của HTX Thanh long Long Hội (xã An Lục Long, huyện Châu Thành) vẫn tiêu thụ ổn định với giá cao, bất chấp dịch Covid-19 và mới đây là lệnh 248, 249 từ phía Hải quan Trung Quốc.
Giám đốc HTX Thanh long Long Hội - Trương Minh Trung cho biết, từ năm 2020 đến nay, mặc dù tình hình thời tiết diễn biến phức tạp cộng với dịch bệnh Covid-19 đang xảy ra, tiếp đó là chủ trương “Zero Covid” từ phía Trung Quốc, thanh long cũng như các mặt hàng nông sản khác của Việt Nam bị xuống giá và ùn ứ khó tiêu thụ. Tuy nhiên, thanh long của HTX vẫn bán được giá cao nhờ có hợp đồng bao tiêu với công ty thu mua.
“Hiện nay, Công ty TNHH MTV The Fruit Republic Cần Thơ ký kết hợp đồng thu mua đối với toàn bộ diện tích sản xuất thanh long GlobalGAP của HTX. Đây chính là cơ sở để các thành viên HTX tiếp tục duy trì cũng như mở rộng diện tích thanh long canh tác theo tiêu chuẩn GlobalGAP” - ông Trung cho biết thêm.
Thực tế cho thấy, từ mối liên kết giữa người dân với doanh nghiệp đã tạo ra bước đột phá quan trọng, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, việc sản xuất theo chuỗi liên kết không chỉ giúp bảo đảm đầu ra ổn định mà còn làm tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Tiếp tục xây dựng các chuỗi liên kết
Tại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, hầu hết HTX và người dân đã chú trọng đến hình thức liên kết chuỗi giá trị do doanh nghiệp đầu tư vốn, phân bón, giống, công nghệ, kỹ thuật sản xuất và thu mua sản phẩm. Đây thực sự là mô hình liên kết phù hợp với quy mô sản xuất hàng hóa lớn, khắc phục được hạn chế của kinh tế hộ, thuận lợi đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tạo vùng nguyên liệu và đầu ra ổn định cho nông sản.
Thông tin từ Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh, đến nay, toàn tỉnh xây dựng được 25 chuỗi rau, gạo, thịt gà, thịt heo, thủy sản an toàn; 1.439,58ha (75 cơ sở) được chứng nhận VietGAP trên các sản phẩm lúa, rau, thanh long, chanh; cấp 213 mã số vùng trồng cho các loại nông sản: Thanh long, chuối, dưa hấu, xoài, chanh; cấp 138 mã số đóng gói các sản phẩm: Chuối, chanh, thanh long, xoài.
Thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP được công ty ký kết bao tiêu
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường thông tin: “Để việc liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm có hiệu quả, thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn. Đặc biệt là hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp khi tham gia đầu tư liên kết sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh”.
Tuy hiệu quả của việc liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm nông sản cho người dân đã và đang được khẳng định nhưng để việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị thực sự phát triển bền vững thì các ngành có liên quan, các địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ và xây dựng kế hoạch phát triển cụ thể.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Chí Thiện, các HTX dịch vụ nông nghiệp phát huy hơn nữa vai trò trong việc liên kết hợp tác, đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và thực hiện cơ giới hóa trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Các cơ quan chức năng tăng cường các hoạt động hướng dẫn địa phương, đơn vị sản xuất xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản; thường xuyên dự báo thị trường tiêu thụ, giá cả hàng hóa nông sản theo tháng hoặc theo mùa để người dân, doanh nghiệp chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm, góp phần bình ổn thị trường, tránh tình trạng “được mùa - rớt giá, được giá - mất mùa”.
“Căn cứ điều kiện thực tế, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ tích cực tổ chức các hoạt động góp phần giúp chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp phát triển bền vững. Theo đó, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động tư vấn, hỗ trợ HTX, khuyến khích chuyển dịch, tái cơ cấu lĩnh vực sản xuất, kinh doanh theo hướng ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến nông sản gắn với liên kết vùng nguyên liệu tập trung và tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời, tiếp tục thu hút các doanh nghiệp có đủ năng lực về vốn, quản lý tham gia đầu tư, liên kết cùng các HTX để hỗ trợ nông dân chuyển giao ứng dụng khoa học - công nghệ mới và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia hội nghị kết nối cung - cầu và giới thiệu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh” - ông Thiện cho biết./.
Minh Tuệ