Tiếng Việt | English

05/02/2021 - 11:21

Tảo mộ - Nét đẹp tâm linh ngày tết

Không biết phong tục tảo mộ có tự bao giờ, chỉ biết 25 tháng Chạp, con cháu quay về tảo mộ ông bà, tổ tiên.

Tục tảo mộ thường diễn ra vào ngày 24-25 tháng Chạp, tuy nhiên, đối với dòng họ Nguyễn Đình (tại TP.Tân An, tỉnh Long An), phong tục này diễn ra vào ngày 22 tháng Chạp.

Dòng họ Nguyễn Đình dọn dẹp các phần mộ

Ông Nguyễn Đình Chính, ngụ xã Hướng Thọ Phú, TP.Tân An, cho biết: “Trước đây, dòng họ Nguyễn Đình cũng tảo mộ vào ngày 24-25 tháng Chạp nhưng từ khi cụ bà mất vào ngày 22 tháng Chạp, dòng họ quyết định vừa làm đám giỗ cụ, vừa tổ chức tảo mộ. Cứ thế, thông lệ này được truyền qua nhiều thế hệ cho đến hôm nay”.

Buổi sáng ngày 22 tháng Chạp, tại khu mộ hơn 2ha của dòng họ Nguyễn Đình ở ấp 2, xã Hướng Thọ Phú, con cháu quay về để nhổ cỏ, chặt cây, quét dọn, tu sửa mộ phần cho sạch sẽ, sau đó thắp hương báo cáo với tổ tiên những việc mà dòng họ đã làm được, chưa làm được trong năm qua; đồng thời, cầu xin tổ tiên phù hộ cho dòng họ, gia đình một năm mới bình an, hạnh phúc và mời tổ tiên cùng về ăn tết với con cháu.

Ông Nguyễn Đình Triều, ngụ phường 5, TP.Tân An, chia sẻ: “Dòng họ Nguyễn Đình quê gốc tận miền Trung, sau này mới vào Nam khai hoang, lập nghiệp tại xã Hướng Thọ Phú, TP.Tân An. Dòng họ có được cuộc sống hôm nay tất cả là nhờ những người đi trước có công khai hoang, lập nghiệp, vì vậy, tảo mộ là việc làm rất thiêng liêng, ý nghĩa, nhắc nhở con cháu phải nhớ về cội nguồn, từ đó ra sức lao động, học tập để xứng đáng với tổ tiên dòng họ Nguyễn Đình. Việc tảo mộ nhắc con cháu nhớ về cội nguồn, tổ tiên để sau này tiếp nối truyền thống “Uống nước, nhớ nguồn” của dòng tộc mình”.

Trong ánh nắng vàng rực rỡ của những ngày giáp tết, dọc các con đường dẫn ra khu mộ dòng họ Nguyễn Đình, ông dắt cháu, cha dắt con mang dụng cụ đi tảo mộ. Người lớn hướng dẫn cho con trẻ những nghi thức cần thiết trong tảo mộ. Và cứ thế, thế hệ này tiếp nối thế hệ khác duy trì tục tảo mộ. Tục tảo mộ của dòng họ Nguyễn Đình nói riêng, người Việt nói chung trở thành nét đẹp thiêng liêng trong những ngày tết đến, xuân về.

Hơn hết, với nhiều gia đình, việc chăm chút mộ phần tổ tiên thì sẽ được tổ tiên phù hộ cho công việc được “thuận buồm xuôi gió”, sức khỏe dồi dào. Dù rằng niềm tin đó chưa bao giờ được lý giải về mặt khoa học một cách thấu đáo nhưng đó cũng là một niềm tin đáng trân trọng, bởi nó hướng đến cái thiện và những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Trong nhịp sống hối hả, nhiều người cuốn vào guồng quay của công việc, không có thời gian dành cho gia đình, người thân và dòng họ, thậm chí cả năm chưa gặp mặt nhau. Ấy vậy mà, con cháu dòng họ Nguyễn Đình vẫn sắp xếp thời gian về tảo mộ ông bà, tổ tiên, bởi đây còn là dịp sum họp dòng họ duy nhất trong năm.

Anh Nguyễn Đình Đang, ngụ ấp 2, xã Hướng Thọ Phú, TP.Tân An, bộc bạch: “Dòng họ Nguyễn Đình có hơn 1.000 con, cháu, trong đó có nhiều người đi làm ăn xa nhưng cứ đến ngày 22 tháng Chạp, không ai bảo ai, các con cháu cùng về tảo mộ và dùng bữa cơm đoàn viên với dòng họ. Tại đây, chúng tôi kể cho nhau nghe về những chuyện đã qua hay hình ảnh ông bà, tổ tiên lúc còn sống nhằm giúp thế hệ hôm nay hiểu hơn về dòng họ Nguyễn Đình. Việc làm này còn thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó trong gia đình, dòng tộc”.

Tảo mộ trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Đây cũng là một trong những nét đặc trưng làm nên Tết cổ truyền của người Việt./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết