Tiếng Việt | English

10/02/2022 - 08:57

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp

Những kết quả Long An đã đạt trong năm 2021 thể hiện sự đoàn kết, đổi mới, xây dựng hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng điều hành, sự nỗ lực của nhân dân và doanh nghiệp (DN) trong toàn tỉnh.

Chủ trương đúng - đồng thuận cao

Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai, thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp và Kế hoạch phát triển KT - XH 5 năm 2021 - 2025, trong điều kiện hết sức khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, xem xét, phân tích một cách khách quan, toàn diện các vấn đề, trên cơ sở kết quả thực hiện nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2020 và những giải pháp quyết liệt đã đề ra từ đầu năm, với sự quyết tâm, đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của cộng đồng DN, doanh nhân và nhân dân, KT - XH trên địa bàn tỉnh đã đạt những kết quả tích cực, đời sống nhân dân ổn định và phát triển. Kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì tăng trưởng, hầu hết chỉ tiêu KT - XH đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út thăm, chúc mừng năm mới tại Công ty Cổ phần Songwol Vina (Khu công nghiệp Tân Đức, huyện Đức Hòa). Ảnh: Thanh Mỹ

Giá trị sản xuất công nghiệp và giá trị xuất khẩu vượt kế hoạch đề ra, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hiện đại, góp phần tích cực vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động và nâng cao đời sống nhân dân. Đây là điểm nhấn quan trọng về phát triển kinh tế của tỉnh Long An trong thời gian qua.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt 1,02%, tổng thu ngân sách nhà nước đạt hơn 123% dự toán Trung ương và hơn 119% dự toán HĐND tỉnh giao, đứng thứ 2 cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài với hơn 3,8 tỉ USD vốn đăng ký. Công tác quản lý chi ngân sách nhà nước được thực hiện chủ động, tích cực, đúng chế độ; kỷ luật, kỷ cương tài chính được tăng cường. Cơ cấu chi ngân sách đảm bảo theo đúng định hướng của Chính phủ; tăng cường tiết kiệm, cắt giảm chi thường xuyên để bổ sung cho chi đầu tư phát triển, củng cố tính bền vững của ngân sách nhà nước.

Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út thăm, chúc mừng năm mới tại Công ty TNHH Khoa Kỹ Sinh Vật Thăng Long. Ảnh: Thanh Mỹ

Về đầu tư phát triển, đầu tư xây dựng cơ bản được quan tâm, kế hoạch vốn năm 2021 được phân bổ đúng thời gian. Long An tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm và 3 công trình trọng điểm. Nhờ sớm phân bổ tất cả nguồn vốn, kết quả giải ngân vốn đầu tư công tiến độ giải ngân và khối lượng thực hiện đạt khá so cùng kỳ. Từ đó, đóng góp vào kết quả tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng cũng như tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh, bù đắp cho lĩnh vực thương mại, dịch vụ đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục được duy trì và phát triển; từng bước chuyển đổi mô hình theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo quy mô trang trại lớn. Chương trình Xây dựng nông thôn mới tiếp tục được cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và có nhiều khởi sắc. Lũy kế hết năm 2021, toàn tỉnh có 107 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 66,5% tổng số xã toàn tỉnh và 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Công tác cải cách hành chính được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện. Đặc biệt là cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” và cung cấp dịch vụ công qua các ứng dụng chuyển đổi số đã tạo thuận lợi và phục vụ người dân tốt hơn. Môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng thông thoáng, công khai, minh bạch. Tỉnh đã triển khai nhiều chương trình xúc tiến đầu tư, thu hút các tập đoàn, DN lớn vào tỉnh như Saigontel, Vina Capital, Thái Tuấn, Lotte,...Long An cũng tiến hành xây dựng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo cơ sở vững chắc để tỉnh quản lý phát triển bền vững trong tương lai.

Hành động quyết liệt

Bên cạnh những kết quả đã đạt, lãnh đạo tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận và đánh giá những hạn chế, khó khăn đang tồn tại: Các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người lao động trên hầu hết lĩnh vực còn gặp nhiều khó khăn trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Toàn xã hội đang phải tập trung giải quyết, xử lý những vấn đề khó, chưa có tiền lệ, mới phát sinh. Không ít DN bị ảnh hưởng nặng nề, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với thị trường tài chính - tiền tệ, thị trường lao động, môi trường đầu tư kinh doanh, đời sống của nhân dân và sức chống chịu của người lao động bị ảnh hưởng, nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp về tâm lý xã hội, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Trước các vấn đề này, lãnh đạo tỉnh thẳng thắn nhìn nhận, tự đánh giá, nghiêm túc rút kinh nghiệm, hành động quyết liệt, biện pháp, giải pháp cụ thể nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế thông qua các kế hoạch, chương trình, bằng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát đối với từng nhiệm vụ được giao, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT - XH, đảm bảo quốc phòng - an ninh, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân.

Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út thăm, chúc mừng năm mới tại Công ty TNHH Meat Deli Sài Gòn. Ảnh: Thanh Mỹ

Theo đó, mục tiêu tổng quát trong năm 2022 là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, kiên định thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân cùng với tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, kịp thời hỗ trợ người dân, DN. Xác định tiêm chủng vắc-xin, thuốc điều trị Covid-19 và nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân là các yếu tố quyết định trong phòng, chống dịch; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; khẩn trương triển khai các công trình trọng điểm, chương trình đột phá của tỉnh tạo động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh; phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường để nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. Các chỉ tiêu chủ yếu: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 6,5 - 7%. GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 90 - 95 triệu đồng. Tỷ lệ vốn đầu tư xã hội trên GRDP đạt bình quân 31 - 33%.

Theo đó, UBND tỉnh tập trung thực hiện hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển KT - XH. Triển khai nhất quán, nghiêm túc quy định về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, thần tốc hơn nữa chiến dịch tiêm vắc-xin, nhất là đẩy nhanh việc tiêm vắc-xin cho trẻ em, tiêm mũi tăng cường, bảo đảm khoa học, hiệu quả; ưu tiên bố trí nguồn lực để tập trung nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở. Huy động hiệu quả các nguồn lực cho phục hồi và phát triển KT - XH, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực ngoài Nhà nước.

Tỉnh tiếp tục hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai, thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong quí I/2022; tiếp tục triển khai, thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp tái cơ cấu ngành công nghiệp; tập trung phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng; thực hiện Chương trình Phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2025.

Đặc biệt, các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh phải được thực hiện theo các nghị quyết của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo chuyển biến rõ nét. Xây dựng hình ảnh tỉnh Long An là một tỉnh có môi trường đầu tư tiềm năng, thân thiện, bình đẳng trong mắt các nhà đầu tư.

Long An quyết tâm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và huy động nguồn lực hợp tác công tư để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng KT - XH, ưu tiên đầu tư các công trình trọng điểm, các công trình thuộc chương trình đột phá, hạ tầng giao thông, hạ tầng điện, nước, đô thị, văn hóa - xã hội.

Đồng thời, nâng cao năng lực và chất lượng công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới y tế cơ sở; ứng phó kịp thời với các tình huống khẩn cấp; tăng cường năng lực y tế cơ sở nhằm phát huy vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu, từng bước thực hiện để tiến tới mọi người dân đều được theo dõi, quản lý sức khỏe, khám và chăm sóc sức khỏe định kỳ.

Công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải được nâng cao, tiếp tục triển khai xây dựng hoàn thành và thực hiện Kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu 2021 - 2025 tỉnh Long An và Quy hoạch sử dụng đất các huyện, thị xã, thành phố thời kỳ 2021 - 2030. Công tác cải cách hành chính cũng được chú trọng, nâng cao chất lượng, trách nhiệm, tính năng động, chuyên nghiệp và ý thức phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực một cách hiệu quả, không hình thức; kiên quyết đẩy lùi tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, DN trong giải quyết công việc./.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út

Chia sẻ bài viết