Tiếng Việt | English

04/07/2020 - 11:14

Thăm lại “dấu xưa” cụ Đồ Chiểu

Cần Giuộc ngày nay là một trong những huyện nổi bật nhất tỉnh với địa thế gần TP.HCM và ngành công nghiệp phát triển. Và Cần Giuộc cũng được biết đến trong áng Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu.

Tượng đài Nghĩa sĩ Cần Giuộc thể hiện tinh thần, khí phách anh hùng của người nghĩa sĩ nông thôn trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp

Khí phách trong cụm tượng đài

Cần Giuộc là quê bà Lê Thị Điền, vợ ông. Tại vùng đất này, nhà thơ yêu nước đã có thời gian gắn bó, đến nỗi lúc quay thuyền xuôi về Bến Tre, ông đã gửi lời từ biệt trong “Từ biệt cố nhân”:

“Vì câu nhân nghĩa phải ra đi

Day mũi thuyền Nam dạ xót xa”.

Chúng tôi về thăm Tượng đài Nghĩa sĩ Cần Giuộc để tìm hiểu rõ hơn về sự gắn bó của Nguyễn Đình Chiểu với vùng đất này. Tượng đài Nghĩa sĩ Cần Giuộc tọa lạc tại thị trấn Cần Giuộc, như một khu công viên phục vụ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, giải trí, một điểm vui chơi của người dân. Khu tượng đài được xây dựng gồm: Bệ tượng, nhóm tượng đài, bia văn tế và nhà trưng bày. Đây không phải là di tích lịch sử mà là nơi lưu dấu những hình ảnh về đất và người Cần Giuộc.

Tượng đài Nghĩa sĩ Cần Giuộc thể hiện tinh thần khí phách anh hùng của người nghĩa sĩ nông thôn trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Điểm nhấn của công trình là nhóm tượng đài gồm 11 hình tượng con người cao 2,7m, thể hiện hình ảnh những nghĩa binh trong tư thế chiến đấu theo tinh thần tác phẩm Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu.

Năm 2015, tượng đài được đưa vào sử dụng và đón khách du lịch. Ban đầu, chỉ có cán bộ, giáo viên trong địa bàn huyện đến tìm hiểu. Nhưng những năm gần đây, khu Tượng đài Nghĩa sĩ Cần Giuộc tổ chức đón khách đoàn học sinh, sinh viên, khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, tìm hiểu. 4 hộp hình trong khu trưng bày thể hiện nét đặc trưng của huyện Cần Giuộc bao gồm hình ảnh, tư liệu, tài liệu về đất và người Cần Giuộc. Hiện tại, phòng trưng bày được trùng tu, chuẩn bị thiết kế tủ sách trưng bày các quyển sách của Nguyễn Đình Chiểu.

Hộp hình mô tả trận công đồn của nghĩa sĩ Cần Giuộc trong nhà trưng bày

Ngoài tổ chức đón khách tham quan trong khu vực trưng bày, khu công viên còn là nơi tổ chức các lễ hội, chương trình văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao. Hàng năm, khu Tượng đài nghĩa sĩ Cần Giuộc đón hàng ngàn lượt khách đến tham quan, tìm hiểu. Riêng khách đến tham quan chùa Tôn Thạnh (xã Mỹ Lộc) lên đến 30.000-50.000 lượt/năm.

Ngôi cổ tự lưu dấu một nhà thơ

Chùa Tôn Thạnh, nơi được nhắc đến trong áng văn tế:

“Ôi thôi thôi! Chùa Tôn Thạnh năm canh ưng đóng lạnh

Tấm lòng son gửi lại bóng trăng rằm

Đồn Lang Sa một khắc đặng trả hờn, tủi phận bạc trôi theo dòng nước đổ”.

Tấm bia khắc câu văn tế được đặt trong khuôn viên chùa Tôn Thạnh như nhắc nhở với đời sau đây là nơi cụ Đồ Chiểu sáng tác nên áng văn bất hủ, như bài hịch trong thời điểm đó, kêu gọi các tầng lớp nhân dân đem sức tài ra đánh giặc cứu nước.

Bia tưởng niệm nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu được Nha Văn hóa Phủ quốc vụ khanh đặc trách văn hóa của chính quyền Sài Gòn xây dựng năm 1973

Mái chùa vẫn trang nghiêm ở đó, dù có nhiều đổi thay theo dòng lịch sử, những kiến trúc cũ không được giữ nguyên nhưng ký ức về cụ Đồ Chiểu thì như vẫn còn nguyên đó. Tấm bia ghi nhớ những ngày ông bốc thuốc, làm thơ, dạy chữ tại chùa được đặt trên đường vào chánh điện với nội dung:

“Dưới mái chùa Tôn Thạnh này, từ năm Kỷ Mùi (1859) đến năm Nhâm Tuất (1862) Đại chí sĩ Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) bề ngoài mở lớp dạy học, bên trong lãnh đạo nghĩa binh đánh Pháp, và cũng nơi đây, cụ đã sáng tác thơ Lục Vân Tiên”.

Mái chùa vẫn trang nghiêm ở đó, dù có nhiều đổi thay, những kiến trúc cũ không được giữ nguyên nhưng ký ức về cụ Đồ Chiểu thì như vẫn còn nguyên ở đó

Dưới mái chùa Tôn Thạnh, ông đã sáng tác tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc ghi nhớ sự hy sinh của những nghĩa quân tử trận. Họ “Vốn chẳng phải là quân cơ quân vệ”, mà là “dân ấp, dân lân mến nghĩa làm quân chiêu mộ”. Năm 1861, ông Bùi Quang Diệu lãnh đạo nghĩa quân bí mật tấn công đồn Tây Dương vì có thông tin địch rút bớt quân ở các đồn tập trung lực lượng đánh chiếm Biên Hòa. Nhưng cuộc chiến không cân sức nhanh chóng bị đàn áp bởi địch có tàu đồng, súng đạn, trong khi nghĩa quân chỉ có áo vải che thân, tầm vông, gươm giáo.

Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc được nhà yêu nước Nguyễn Đình Chiểu viết để điếu tế những nghĩa quân đã anh dũng hy sinh trong trận công đồn ấy. Dù mù lòa nhưng ông đã viết bài văn tế khiến người nghe thấy rõ sự bi hùng của những nông dân tự nguyện hy sinh để cứu lấy vận mạng dân tộc. Ông đã khóc các nghĩa sĩ bằng áng văn chương thống thiết, nhanh chóng lan xa, lan rộng. Chùa Tôn Thạnh, nơi lưu dấu nhà chí sĩ yêu nước cũng từ đó trở nên nổi tiếng.

Được biết, Nguyễn Đình Chiểu cùng gia đình về Cần Giuộc ngày địch chiếm thành Gia Định:

“Bến Nghé của tiền tan bọt nước

Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây”.

Thời gian ông lưu lại Cần Giuộc không phải là nhiều nhưng những gì ông để lại thì vẫn còn lưu mãi cho hậu thế. Người dân Cần Giuộc tự hào có chùa Tôn Thạnh, có trận công đồn mà tượng đài là lời nhắc nhở hùng hồn nhất.

Ngày nay, Tượng đài Nghĩa sĩ Cần Giuộc, chùa Tôn Thạnh trở thành điểm đến quen thuộc của người dân trong và ngoài huyện. Đó không chỉ là một chuyến tham quan mà còn là dịp nhắc nhở nhau về lịch sử, những chiến tích hào hùng, khí tiết hiên ngang, bất khuất của cha ông. Cần Giuộc vẫn tự hào là nơi ghi dấu cụ Đồ, dù chỉ trong một thời gian ngắn./.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết