Tiếng Việt | English

20/03/2022 - 08:50

Thăm nhà cổ Huỳnh Thủy Lê và nghe chuyện tình vượt biên giới

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê (TP.Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) không chỉ khiến nhiều người say đắm bởi lối kiến trúc Đông - Tây kết hợp mà còn chứa đựng một thiên tình sử lãng mạn nhưng đầy trắc trở giữa chàng thương gia người Hoa - Huỳnh Thủy Lê và cô thiếu nữ người Pháp - Marguerite Duras.

1. Ngôi nhà cổ của gia tộc họ Huỳnh nằm ở một vị trí vô cùng đắc địa, ngay trung tâm chợ Sa Đéc, phần mặt tiền soi bóng bên dòng Sa Giang. Thời Pháp thuộc, đây được xem như một vị trí “vàng” cho việc kinh doanh mua bán. Ban đầu, chủ nhân ngôi nhà là ông Huỳnh Cẩm Thuận (cha của ông Huỳnh Thủy Lê) - một thương gia người Hoa, từ Phúc Kiến (Trung Quốc) sang Việt Nam lập nghiệp bằng nghề buôn bán lúa gạo. Về sau, ngôi nhà trở thành nơi sinh sống của gia đình người con trai út Huỳnh Thủy Lê.

Bên trong nhà cổ Huỳnh Thủy Lê

Tọa lạc trên thửa đất rộng hơn 250m2, bên ngoài ngôi nhà được thiết kế theo lối kiến trúc biệt thự kiểu Pháp nhưng vẫn giữ nguyên kiểu nhà 3 gian truyền thống của người Việt, phần mái vòm điêu khắc hoa văn thời kỳ La Mã. Bên trong ngôi nhà lại là một không gian khác hẳn. Lối kiến trúc vương giả với những bao lam, hoành phi được chạm trổ cầu kỳ, sơn son thếp vàng. Từng viên gạch lót sàn đều được nhập khẩu từ Pháp. Ở giữa nhà, gia chủ cho đặt bàn thờ Quan Công, bởi theo văn hóa tín ngưỡng truyền thống của người Hoa, Quan Công là hiện thân của thanh liêm và chính trực.

Ngoài ra, bên trong ngôi nhà còn lưu giữ rất nhiều đồ cổ có giá trị, đặc biệt là bộ đi văng chân quỳ được cẩn xà cừ ngọc trai hình cánh dơi có niên đại hơn 100 năm. Ngoài lối kiến trúc ấn tượng, thể hiện sự giàu có của một gia tộc nổi tiếng trên đất Sa Đéc, ngôi nhà này còn là nơi bắt đầu cho một thiên tình sử giữa gia chủ và nữ nhà văn người Pháp - Marguerite Duras. Họ quen nhau trên chuyến phà Mỹ Thuận từ Sa Đéc lên Sài Gòn. Say đắm trước vẻ đẹp của cô gái người Pháp ở độ tuổi xuân thì, chàng thương gia họ Huỳnh cho nàng quá giang, rồi họ yêu nhau và chung sống cùng nhau 2 năm trên đất Sài Gòn.

Tuy nhiên, chuyện tình giữa hai người lại vấp phải sự phản đối kịch liệt của gia đình họ Huỳnh, sau đó, người con gái ấy mang theo mối tình đau khổ trở về Pháp. Ông Lê lấy vợ, sinh được 5 người con, cho qua Pháp du học. Trong một lần qua Pháp thăm con, ông điện thoại hẹn gặp người tình năm xưa nhưng bà Duras không đồng ý. Cuối cùng, họ không có cơ hội gặp lại nhau. Chính cuộc điện thoại hôm ấy đã làm cho bà xúc động, hồi tưởng lại mối tình năm xưa và cho ra đời cuốn tiểu thuyết Người tình.

Thời ấy, cuốn tiểu thuyết gây tiếng vang lớn, được dịch ra nhiều thứ tiếng và đoạt nhiều giải thưởng danh giá. Năm 1992, câu chuyện tình đẹp ấy tiếp tục được đưa lên màn ảnh và ngôi nhà cổ này cũng là một trong những bối cảnh của phim.

2. Tính đến nay, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê có tuổi đời 126 năm và được xem là ngôi nhà cổ nhất Sa Đéc. Sau nhiều biến cố thăng trầm của thời gian, hầu như ngôi nhà vẫn được gìn giữ nguyên vẹn. Đặc biệt, từ sau tiểu thuyết Người tình và bộ phim cùng tên ra đời, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê lại càng nổi tiếng, thôi thúc bước chân du khách trong và ngoài nước đến tìm hiểu và gửi gắm một chút hoài niệm về câu chuyện tình đẹp nhưng đầy tiếc nuối, đã lấy không ít nước mắt của độc giả, khán giả yêu văn chương và điện ảnh.

Anh Huỳnh Tấn Phát giới thiệu về bộ phim Người tình cho khách du lịch

Chị Nguyễn Thị Thanh Vân (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) chia sẻ: “Lần đầu tiên cả nhà tôi đi du lịch Đồng Tháp. Sau khi tham quan làng hoa Sa Đéc, vợ chồng tôi cùng các con và em gái đến nhà cổ Huỳnh Thủy Lê. Trước đây, vợ chồng tôi cũng từng biết đến phim Người tình, được nghe nhắc nhiều về ngôi nhà cổ này nên đến đây để tìm hiểu”.

Anh Huỳnh Tấn Phát (47 tuổi), nhiều năm làm bảo vệ nhà cổ, cho biết: Gia đình anh sinh sống gần đây nên biết nhiều về ngôi nhà cổ. Vì vậy, có những lúc, anh trở thành hướng dẫn viên “bất đắc dĩ” kiêm thuyết minh viên. Khi phim Người tình khởi quay, anh tham gia đóng vai quần chúng. Bình thường nếu không có dịch bệnh, ngày cao điểm nhất, nhà cổ đón khoảng 200 lượt khách, trong đó có những đoàn khách nước ngoài đi theo tour du lịch./.

Sa Đéc không chỉ là nơi xuất phát của mối tình đầu mà theo nhà văn Marguerite Duras, nơi đây còn khơi nguồn cho những cảm xúc và vun bồi cho sự nghiệp văn chương của bà. Năm 1996 (trước khi mất), bà Marguerite Duras xem phim xong đã nói: “Đôi khi tôi cũng nghĩ rằng sự nghiệp viết lách của tôi bắt đầu từ đó, giữa những cánh đồng, những khu rừng và trong sự hiu quạnh.

Có một đứa trẻ da trắng, gầy còm và lạc lõng mà người đó chính là tôi, giống người Việt hơn là Pháp, lúc nào cũng chân đất, không biết giờ giấc, không biết cách sống, thích ngắm chiều hoàng hôn trải dài trên sông, với khuôn mặt bị rám nắng”. Và thực tế trong phim đã có những hình ảnh rất quyến rũ, từ cảnh đồng quê mộc mạc miền Tây đến cảnh chộn rộn Chợ Lớn cuối thập niên 1930.

Theo lời của các thuyết minh viên tại nhà cổ, năm 2013, nơi đây đã tiếp đón một du khách rất đặc biệt là nhà văn Jean Mascolo - con trai của bà Marguerite Duras. Ông Jean Mascolo tìm đến Sa Đéc để tìm hiểu thêm về nơi bà ngoại của mình từng sinh sống và làm việc (Trường nữ tiểu học Sa Đéc Marie Donnadieu) và đặc biệt là muốn tìm hiểu thêm những bí ẩn trong căn nhà của Huỳnh Thủy Lê - người tình của mẹ ông.

Song Nhi

Chia sẻ bài viết