Tiếng Việt | English

16/09/2017 - 12:33

Tự hào đất và người Long An!

Trong 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, cùng cả nước, quân và dân Long An sát cánh, một lòng, đứng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc. Không chỉ ghi dấu nhiều chiến công oanh liệt, mảnh đất hiền hòa mà anh dũng này cũng là nơi sản sinh những người con ưu tú của dân tộc - niềm tự hào của quê hương Long An.

Lưu dấu chiến công

Long An có nhiều “địa chỉ đỏ”, ghi dấu những chiến công hào hùng của cha anh thuở trước. Trong đó, khu vực Ngã tư Đức Hòa - nơi đấu tranh của nhân dân lao động, là địa điểm xử bắn các chiến sĩ Nam kỳ khởi nghĩa, được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1989. Tại đây, ngày 04/6/1930, hàng ngàn người dân Đức Hòa tham gia cuộc biểu tình dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn - đồng chí Châu Văn Liêm và Bí thư Huyện ủy Đức Hòa - đồng chí Võ Văn Tần. Cuộc đấu tranh nhằm buộc địch thực hiện yêu sách của ta, đòi quyền dân sinh, dân chủ, giảm sưu thuế và chống áp bức, bóc lột,... Khi tình hình diễn ra căng thẳng, địch đàn áp, nổ súng làm chết và bị thương rất nhiều đồng chí, đồng bào. Đồng chí Châu Văn Liêm cũng hy sinh trong sự kiện này khi tiến lên đưa bản yêu sách và vạch trần tội ác của địch.

Cuộc biểu tình ngày 04/6/1930 là cuộc biểu tình lớn đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, mà trực tiếp là Tỉnh ủy Chợ Lớn, là đỉnh cao của phong trào cách mạng tỉnh Tân An - Chợ Lớn, minh chứng cho khả năng lãnh đạo, vận động quần chúng của Đảng và niềm tin một lòng theo Đảng của nhân dân Đức Hòa.

Học sinh tham quan di tích Ngã tư Đức Hòa

Sau Nam kỳ khởi nghĩa, thực dân Pháp tiếp tục đàn áp hòng dập tắt phong trào cách mạng. Tình hình này kéo dài đến giữa năm 1942. Cũng trong thời điểm này, bọn cầm quyền thực dân cho đắp một đài xử bắn ngay tại thị trấn Đức Hòa nhằm tiêu diệt các chiến sĩ cách mạng và khủng bố tinh thần quần chúng.

Bí thư Đoàn trường THPT Đức Hòa (thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa) - Đỗ Thị Liêm Chính cho biết: “Đoàn trường thường tổ chức cho học sinh đến tham quan, tìm hiểu khu di tích để các em càng tự hào về tinh thần bất khuất của thế hệ cha anh, cũng như về quê hương Đức Hòa anh hùng. Khu di tích góp phần rất lớn trong việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau”.

Một dấu son chói lọi trong những trang sử hào hùng của dân tộc là di tích Vàm Nhựt Tảo (xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ) - nơi nghĩa quân Nguyễn Trung Trực đánh chìm tiểu hạm Espérance của Pháp ngày 10/12/1861. Trận Hỏa hồng Nhựt Tảo là thắng lợi to lớn, khắc sâu vào lịch sử, tô điểm nét son trong những trang sử vẻ vang của dân tộc. Di tích cũng là địa điểm lưu niệm anh hùng Nguyễn Trung Trực, một tài năng quân sự lập nên những chiến công oanh liệt. Với những ý nghĩa to lớn ấy, Vàm Nhựt Tảo được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1996, xứng đáng được tôn tạo, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Du khách tham quan Di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo

Ngoài ra, Long An còn nhiều địa điểm minh chứng cho tinh thần bất khuất, sẵn sàng hy sinh để chiến thắng kẻ thù xâm lược của quân và dân Long An: Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ, căn cứ Bình Thành, khu vực miễu Bà Cố, Ngã tư Rạch Kiến, đồn Đức Lập,...

Những người con ưu tú làm rạng danh non sông

Người dân trong và ngoài tỉnh Long An có thể đến tham quan, tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của những người con ưu tú, góp phần làm rạng danh non sông, tiêu biểu như Khu lưu niệm Luật sư (LS) Nguyễn Hữu Thọ (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức) - di tích được xếp hạng cấp Quốc gia vào năm 2015.

Lãnh đạo Trung ương và địa phương cắt băng khánh thành Khu lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, năm 2015

LS Nguyễn Hữu Thọ sinh năm 1910, tại làng Long Phú, tổng Long Hưng Hạ, quận Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn (nay là thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức), trong một gia đình công chức trung lưu. Trở thành chiến sĩ cách mạng, ông không chỉ dùng kiến thức của mình để đấu tranh với kẻ thù, bảo vệ cán bộ, chiến sĩ và đồng bào yêu nước mà còn vận động trí thức, học sinh, sinh viên đấu tranh chống quân xâm lược.

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, LS Nguyễn Hữu Thọ được Đảng, Nhà nước giao nhiều trọng trách. Tháng 4/1976, ông được bầu làm Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tháng 4/1980, ông là quyền Chủ tịch nước và trở thành Chủ tịch Quốc hội vào năm 1981.

Khu lưu niệm cũng có các công trình gắn bó với quê hương, dòng tộc và thời niên thiếu của LS Nguyễn Hữu Thọ: Mộ ông bà nội và song thân, ngôi nhà thời thơ ấu. Đây là một trong những di tích tiêu biểu, góp phần đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của mọi người.

Một trí thức yêu nước nổi tiếng khác của quê hương Long An là Giáo sư (GS) Trần Văn Giàu - nhà cách mạng, nhà giáo, nhà nghiên cứu khoa học lỗi lạc, cống hiến cả cuộc đời cho đất nước. Khu lưu niệm GS Trần Văn Giàu (tọa lạc tại ấp Hồi Xuân, xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành) là địa chỉ Về nguồn của học sinh và sinh viên, là nơi tiếp đón nhiều khách tham quan trong và ngoài tỉnh.

GS Trần Văn Giàu sinh năm 1911, trong một gia đình trung lưu của huyện Châu Thành. Khi sang Pháp du học, ông tham gia phong trào chống thực dân Pháp, bảo vệ chiến sĩ cách mạng Việt Nam và bị bắt giam. Giữa năm 1930, ông bị trục xuất về nước và gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Nhiều lần “vào tù, ra khám” của chế độ thực dân, ông vẫn quyết một lòng theo cách mạng. Ông có nhiều công trình nghiên cứu, tác phẩm về lịch sử Việt Nam và triết học; là người thầy đào tạo nhiều nhà nghiên cứu, nhà sử học hàng đầu Việt Nam.

Nhà thờ Giáo sư Trần Văn Giàu tại ấp Hồi Xuân, xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành

Khu lưu niệm GS Trần Văn Giàu cũng là nơi ông được sinh ra, gắn bó từ thời niên thiếu, hình thành trong ông những khái niệm đầu tiên về lòng yêu nước. Hiện tại, ngôi nhà thờ và khu mộ gia tộc đang được ông Trần Văn Khoa - cháu ruột GS Trần Văn Giàu trông nom, gìn giữ. Ông Trần Văn Khoa cho biết: “Sinh thời, GS Trần Văn Giàu rất gần gũi, thương con cháu và được nhiều thế hệ học trò kính trọng. Ông là tấm gương sáng để các thế hệ con cháu trong gia đình, dòng tộc noi theo. Nối tiếp con đường mà ông đã chọn, con gái của tôi là giáo viên, con trai cũng là sinh viên sư phạm với mong muốn góp sức mình trong sự nghiệp “trồng người”, xây dựng quê hương”.

Không chỉ vậy, Long An còn có rất nhiều người con lỗi lạc mà mỗi người đều có những đóng góp to lớn trong 2 cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc như: Lãnh binh Nguyễn Văn Tiến, Nguyễn Văn Quá, Nguyễn Thái Bình,...

Những địa chỉ đỏ trên quê hương Long An góp phần rất lớn trong việc giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc. Được sống trong cảnh đất nước thanh bình, thế hệ trẻ hôm nay không thể nào quên những tháng ngày đau thương, mất mát, cùng sự hy sinh to lớn của lớp người đi trước; sẵn sàng tiếp bước, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết