Tiếng Việt | English

11/10/2021 - 10:15

Tháo gỡ khó khăn, phục hồi nền nông nghiệp sau đại dịch (Bài cuối)

Những ngày xảy ra đại dịch Covid-19, bên cạnh thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch thì việc bảo đảm lương thực, thực phẩm cho người dân là rất quan trọng. Nông sản là “nguồn sống” để người dân không bị thiếu ăn, yên tâm ở nhà phòng dịch. Thế nhưng, đại dịch đã làm thiệt hại kinh tế rất lớn cho nhà nông. Điều này đặt ra câu hỏi, tỉnh Long An cần có giải pháp nào để phục hồi ngành Nông nghiệp sau đại dịch Covid-19 và thích ứng với tình hình mới hiện nay?

Bài cuối: Hướng đến nền nông nghiệp hiện đại

Với những bất cập, khó khăn trong việc sản xuất, tiêu thụ, vận chuyển hàng hóa trong đại dịch Covid-19, đã đến lúc ngành Nông nghiệp và nông dân cần thay đổi tư duy sản xuất từ kiểu truyền thống sang hiện đại, từ nhỏ, lẻ sang liên kết, mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao cùng với những kế hoạch quy hoạch phù hợp với đặc điểm, thổ nhưỡng của từng địa phương. Đây được xem là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại.

Phát triển kinh tế hậu Covid-19

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh, sự kết nối vùng và vai trò của thương lái là 2 vấn đề cần tư duy lại trong tiêu thụ nông sản bởi lâu nay, trong quy hoạch vùng và cả quy hoạch riêng của từng địa phương, vai trò của thương lái chưa được quan tâm đúng mức, trong khi đây lại là lực lượng quan trọng, tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào hoạt động sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Thời gian tới, vấn đề liên kết vùng trong sản xuất nông nghiệp cần được đẩy mạnh bởi thực tế trong thời gian dịch bệnh, do sự liên kết thiếu chặt chẽ mà nhiều chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nông sản ùn ứ, nông dân lao đao.

Liên kết sản xuất giúp nông sản được tiêu thụ dễ dàng hơn (Ảnh tư liệu minh họa)

“Đợt dịch thứ 4 bùng phát gây khó khăn cho việc đi lại, vận chuyển nông sản của thương lái, dẫn đến việc họ tạm rút khỏi thị trường. Chính điều này đã tác động rất lớn đến việc lưu thông hàng hóa, nông sản. Nhiều mặt hàng không tìm được đầu ra dẫn đến ùn ứ, rớt giá, trong khi nhiều nơi lại không có nguồn cung dẫn đến sự đứt gãy cục bộ trong tiêu thụ nông sản, làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất và sinh kế của nông dân” - bà Khanh cho biết thêm.

Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều nông sản không thể xuất khẩu, đây vừa là khó khăn, vừa là lúc để nông dân nhìn nhận, hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của sản xuất sạch và sự cần thiết của việc cấp mã số vùng trồng. Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh, toàn tỉnh hiện có 111 mã số vùng trồng trên thanh long, chuối, dưa hấu, chanh, xoài Úc với diện tích hơn 14.000ha, trong đó có 42 mã vùng trồng xuất khẩu sang thị trường khó tính, với diện tích gần 700ha; còn lại là thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, tỉnh còn có 133 cơ sở đóng gói trái cây được cấp mã số. Tuy nhiên, việc cấp mã số vùng trồng hiện nay còn nhiều hạn chế cần khắc phục, nhất là quy định về diện tích, ghi chép nhật ký và sản xuất an toàn.

Nếu như trước đây, mỗi tháng, Công ty (Cty) Nông sản Hồng Nguyên Long (xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành) xuất khẩu khoảng 400 tấn thanh long ruột đỏ thì khi dịch bệnh bùng phát, sản lượng xuất khẩu giảm còn 1/2, chủ yếu là thị trường Trung Quốc. Mặt khác, việc xuất khẩu cũng gặp khó khăn do yêu cầu ngày càng cao về chất lượng hàng hóa.

Giám đốc Cty TNHH Nông sản Hồng Nguyên Long - Trần Thái Long chia sẻ: “Việc áp dụng mã số vùng trồng với truy xuất nguồn gốc còn gặp nhiều khó khăn, trong đó, khó khăn nhất là ý thức của nông dân trong việc đáp ứng các tiêu chí xuất khẩu như hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nâng cao chất lượng nông sản,... Nếu xuất sang thị trường Trung Quốc mà gặp sự cố về kiểm định chất lượng, phía khách hàng sẽ gần như không nhập hàng của mình nữa”.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường, để đáp ứng tiêu chí xuất khẩu của các thị trường trên thế giới, đặc biệt là thị trường Trung Quốc thì những vùng trồng phải được cấp mã số và nông sản phải được sản xuất theo quy trình VietGAP hoặc GlobalGAP, có nhật ký sản xuất rõ ràng, đầy đủ. Vì vậy, hiện nay, ngành Nông nghiệp tỉnh và các địa phương tích cực tuyên truyền, hướng dẫn và mở rộng các mô hình hiệu quả; đồng thời, tăng cường tập huấn, khuyến khích người dân sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP.

Cần thay đổi tư duy sản xuất

Tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) Chanh không hạt ấp 6, xã Bình Đức, huyện Bến Lức - Nguyễn Văn Tươi cho biết: THT hiện có 3ha chanh không hạt được chứng nhận đạt chuẩn GlobalGAP và được Cty TNHH MTV The Fruit Republic Cần Thơ ký hợp đồng thu mua toàn bộ sản phẩm. Trung bình hàng năm, THT cung cấp cho Cty khoảng 100 tấn chanh và được hợp đồng bao tiêu với giá cao hơn thị trường từ 500-1.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Thanh - thành viên THT, bộc bạch: “Tôi tham gia THT gần 2 năm, từ đó đến nay không phải băn khoăn về đầu ra của trái chanh. Tuy có lúc giá cao, có lúc giá thấp nhưng nông dân vẫn yên tâm vì được bao nhiêu đầu ra cho nông sản. Đơn cử như trong đợt dịch này, THT vẫn hỗ trợ thu mua toàn bộ chanh cho chúng tôi với giá cao hơn thị trường từ 1.000-1.500 đồng/kg”.

Ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sạch là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại

Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Bến Lức - Trần Duy Thuận cho biết, hiện nay HTX tìm thị trường tiêu thụ ổn định cho trên 70% nông sản của các hộ dân có liên kết nên dù dịch bệnh nhưng HTX vẫn hoạt động khá ổn định. Với phương châm cùng chia sẻ rủi ro và lợi nhuận với người sản xuất, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Bến Lức thu mua chanh của các thành viên với giá cao hơn thị trường từ 500-1.000 đồng/kg. Đến thời điểm thu hoạch, nếu giá thị trường giảm sâu, HTX sẵn sàng hỗ trợ giá cho nông dân. “Điều này nhằm bảo đảm những nông hộ tham gia chuỗi liên kết lúc nào cũng có lợi nhuận từ sản xuất. Giá cả ổn định, quyền lợi được bảo đảm, các thành viên an tâm sản xuất hơn” - ông Thuận cho biết thêm.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền, qua đại dịch Covid-19 lần này, ngành Nông nghiệp và cả doanh nghiệp, nông dân đều thấy rõ vai trò của việc liên kết chuỗi sản xuất - cung ứng và sản xuất theo tiêu chuẩn cụ thể. Trong thời gian giãn cách xã hội, các HTX, THT sản xuất có thể tìm được đầu ra cho nông sản dễ hơn so với các nông hộ sản xuất riêng lẻ. Chính vì thế, ngay từ bây giờ, các địa phương cần đẩy mạnh việc liên kết trong sản xuất nông nghiệp, định hướng nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt và thực hiện hiệu quả công tác dự báo thị trường, sản lượng, thời điểm thu hoạch để điều tiết sản xuất - tiêu thụ hiệu quả nhất.

“Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc liên doanh, liên kết giữa các HTX, doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ nông sản. Song song đó, ngành thực hiện hỗ trợ người dân theo chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất của Trung ương và của tỉnh về cơ chế hỗ trợ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn theo từng giai đoạn. Mặt khác, chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình hiệu quả, các mô hình sản xuất tập trung quy mô lớn kết hợp với bao tiêu sản phẩm. Qua đó, từng bước thay đổi nhận thức của nông dân trong việc phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững” - ông Truyền cho biết thêm./.

Lê Ngọc - Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết