Tiếng Việt | English

07/04/2022 - 22:10

Thay đổi tư duy sản xuất để thích ứng với thị trường

Những năm gần đây, chanh được xem là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Nhờ lợi nhuận từ cây chanh mà đời sống của nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Long An được cải thiện và nâng cao. Tuy nhiên, phần lớn người trồng vẫn canh tác theo kiểu truyền thống nên đầu ra của chanh chưa ổn định. Để chanh có đầu ra ổn định, các địa phương có diện tích trồng chanh lớn trong tỉnh đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ nông dân và tập trung tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tư duy sản xuất để thích ứng với thị trường.

Giá chanh tăng, nông dân có lãi cao

Mùa nắng nóng, người dân có nhu cầu giải khát nhiều nên giá chanh cũng bắt đầu tăng lên. Hiện thương lái thu mua chanh không hạt tại vườn với giá từ 9.000 - 13.000 đồng/kg, tùy theo chất lượng trái. Còn giá bán tại chợ từ 15.000 - 20.000 đồng/kg. Giá này đã tăng gần gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2021.

Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Bến Lức, đến nay, diện tích chanh toàn huyện trên 7.130ha, trong đó chanh không hạt hơn 6.560ha. Huyện đã thành lập được 39 tổ hợp tác (THT) và 6 hợp tác xã (HTX) trồng chanh. Huyện xác định cây chanh là cây trồng thích hợp để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩnVietGAP, GlobalGAP vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa có tính ổn định hơn so với các loại cây trồng khác. Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên giá chanh giảm mạnh và khó tiêu thụ. Tuy nhiên, từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình xuất khẩu đã ổn định nên giá chanh tăng trở lại. Thời điểm này, chanh có giá bán từ 13.000 - 15.000 đồng/kg. Với giá này, nông dân có lãi từ 5.000 - 7.000 đồng/kg.

Giá chanh tại vườn hiện ở mức từ 9.000-13.000 đồng/kg

Tổ trưởng THT Chanh không hạt ấp 6, xã Bình Đức, huyện Bến Lức - Nguyễn Văn Tươi chia sẻ: “Chanh của THT đã được chứng nhận đạt chuẩn GlobalGAP và có đầu ra ổn định nhờ được bao tiêu. Từ đầu năm 2022 đến nay, giá chanh đã tăng trở lại. Chúng tôi rất phấn khởi vì thu được lãi cao sau 1 năm khó khăn vì ảnh hưởng của dịch Covid-19”.

Theo ông Bùi Văn Nên - thành viên HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thuận Bình, huyện Thạnh Hóa, vườn chanh 2ha của gia đình ông đã trồng được hơn 6 năm, hiện cho năng suất ổn định, khoảng 40 tấn/năm. Sau khi tham gia HTX, ông được hướng dẫn chuyển đổi từ canh tác theo kiểu truyền thống sang hướng đạt tiêu chuẩn GlobalGAP và giới thiệu ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với công ty thu mua. “Năm trước, hầu hết người trồng chanh đều gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch bệnh. Nhờ khuyến cáo của ngành Nông nghiệp huyện và HTX mà chúng tôi đã chủ động trong việc giảm lượng trái, giữ sức cho cây. Năm nay, tình hình tiêu thụ có phần khởi sắc hơn, giá chanh cũng liên tục tăng nên chúng tôi rất phấn khởi” - ông Nên bộc bạch.

Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thuận Bình - Bùi Văn Khắp cho biết: “Sau hơn 10 năm thành lập, đến nay, hầu hết diện tích chanh của HTX đã được trồng theo hướng GlobalGAP và có đầu ra ổn định. Trung bình mỗi năm, HTX cung ứng từ 1.200 - 1.500 tấn chanh cho thị trường. Hiện giá chanh ở mức từ 13.000 - 18.000 đồng/kg. Với giá này, nông dân có lãi khá".

Hướng đến thị trường khó tính

Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Kinh Kha, thời gian qua, diện tích và sản lượng chanh trên địa bàn huyện tăng nhanh. Trong đó, nhiều diện tích được người dân mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Hiện hầu hết diện tích chanh đều trong giai đoạn thu hoạch, năng suất bình quân từ 18 - 20 tấn/ha/năm. Ngành Nông nghiệp huyện luôn tích cực tuyên truyền, vận động người trồng chanh canh tác theo hướng VietGAP, GlobalGAP,... để có đầu ra ổn định.

Nông dân thu hoạch chanh

Để nông dân chuyển đổi từ canh tác theo kiểu truyền thống sang canh tác theo tiêu chuẩn GlobalGAP và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các công ty thu mua là hướng đi đúng đắn. Vì, với sự hỗ trợ và hướng dẫn của các công ty, người trồng chanh có thể an tâm sản xuất và không còn lo về vấn đề đầu ra sản phẩm.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bến Lức - Lê Văn Nam cho biết: “Thay đổi tư duy sản xuất là một trong những nền tảng quan trọng giúp cây chanh “cất cánh”. Thời gian qua, huyện thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ nông dân thay đổi phương thức sản xuất, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất. Bên cạnh đó, huyện còn triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân xây dựng mã số vùng trồng cho cây chanh, triển khai và nhân rộng các mô hình sản xuất có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP,...; đồng thời, thường xuyên hỗ trợ, tạo điều kiện cho nông dân, THT, HTX tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ với doanh nghiệp để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm chanh”./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết