Tiếng Việt | English

02/08/2022 - 21:35

Thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao thu nhập

Hiện nay, một số nông dân tại Làng nghề trồng mai xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An đã “chia tay” phương pháp canh tác truyền thống, chuyển sang mô hình canh tác thông minh. Nhiều người còn mạnh dạn áp dụng mô hình trồng mai kết hợp nuôi cá, bước đầu mang lại hiệu quả cao.

Áp dụng công nghệ tưới nước tiên tiến, tiết kiệm giúp người trồng mai có đủ lượng nước tưới khi hạn, xâm nhập mặn

Áp dụng công nghệ tưới nước tiên tiến, tiết kiệm giúp người trồng mai có đủ lượng nước tưới khi hạn, xâm nhập mặn

Được biết, năm 2003, nghề trồng mai tại xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa bắt đầu hình thành. Ban đầu, có khoảng 20 hộ trồng để tạo cảnh quan. Năm 2015, Tân Tây được công nhận xã nông thôn mới, từ đó hạ tầng nông thôn được đầu tư khang trang, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương, mua bán trong vùng, từ đó, diện tích trồng mai của xã ngày càng mở rộng.

Năm 2020, nghề trồng mai tại xã Tân Tây được UBND tỉnh quyết định công nhận là làng nghề, đến nay, có diện tích trồng là 412ha, với trên 300 hộ dân tham gia. Trung bình, người dân trồng được khoảng 2.000 gốc/ha. Sau 4-5 năm chăm sóc, trừ chi phí, nông dân thu hoạch, lợi nhuận hơn 800 triệu đồng/ha. Ông Phạm Văn Từ (ấp 4, xã Tân Tây) cho biết, trước đây, nông dân chủ yếu trồng lúa, thu nhập không cao. Ngày nay, nhờ trồng mai vàng, đời sống người dân được nâng lên. Thời gian qua, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở  giúp đỡ, hỗ trợ nông dân về đường sá, điện, đặc biệt là hướng dẫn về kỹ thuật trồng mai.

Được biết, sau khi Làng nghề trồng mai xã Tân Tây được công nhận, Chi hội Mai vàng Tân Tây cũng được thành lập với 60 thành viên. Năm 2021, Chi hội Mai vàng Tân Tây được hỗ trợ xây dựng mô hình áp dụng công nghệ cao, sản xuất thông minh, có 19 hộ tham gia với tổng diện tích 10ha. Khi thực hiện mô hình, nông dân áp dụng công nghệ tưới nước tiên tiến, tiết kiệm, giúp đủ lượng nước tưới khi hạn, xâm nhập mặn.

Mặt khác, khi áp dụng mô hình công suất điện năng nhỏ, kết hợp phân bón, phun thuốc gốc nhằm giảm chi phí, nhân công, giảm ô nhiễm môi trường khi canh tác. Theo đánh giá của ngành chuyên môn, khi trồng 2.000 gốc mai/ha, chi phí đầu tư khoảng 20 triệu đồng, tiết kiệm được 2 triệu đồng tiền điện và 8 triệu đồng tiền thuê nhân công phun xịt thuốc, bón phân mỗi năm so với phương pháp canh tác thông thường.

Song song đó, Chi hội Mai vàng Tân Tây còn được các cơ quan chuyên môn tỉnh, huyện hỗ trợ thực hiện mô hình vườn - ao - chuồng (VAC), qua đó, trồng mai kết hợp nuôi cá. Bước đầu, mô hình có 3 hộ tham gia, với tổng diện tích mặt nước 6.000m2. Khi tham gia mô hình, mỗi hộ được hỗ trợ 1.000 con cá giống: Cá tai tượng, rô phi, sặt rằn. Tận dụng kênh đào lên liếp mai, nông dân còn xây dựng chuồng trên mặt nước để nuôi gia cầm, sử dụng chất thải làm thức ăn cho cá, qua đó, giúp giảm chi phí sản xuất.

Sau 6 tháng thả nuôi, trừ chi phí, mỗi hộ có lãi khoảng 20 triệu đồng, góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân trong thời gian chờ thu hoạch cây mai vàng./.

Hoài An - Trung Hưng

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích