Tiếng Việt | English

09/04/2020 - 15:50

Thầy giáo trẻ khơi nguồn sáng tạo cho học sinh

Không những tâm huyết, trách nhiệm cao với công tác giảng dạy, anh Lê Trọng Tình - giáo viên Trường THPT Cần Giuộc (thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An), còn có niềm đam mê nghiên cứu khoa học cháy bỏng. Nhiều năm qua, anh luôn đồng hành cùng học trò của mình tạo ra nhiều sản phẩm đoạt giải cao trong cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng cấp tỉnh.

Anh Lê Trọng Tình hướng dẫn học sinh trồng, chăm sóc rau, màu ứng dụng công nghệ cao

Anh Lê Trọng Tình hướng dẫn học sinh trồng, chăm sóc rau, màu ứng dụng công nghệ cao

Tiết học luôn sinh động

Là người con của huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, 10 năm gắn bó với tỉnh Long An và bộ môn Sinh học, anh Lê Trọng Tình được học trò, đồng nghiệp yêu mến bởi sự nhiệt tình, biết cách tạo sự hứng thú trong từng tiết học, giúp học sinh (HS) dễ dàng lĩnh hội kiến thức. 

Trần Thanh Trúc - HS lớp 11A5, nhận xét: “Em rất thích tiết học của thầy Trọng Tình bởi thầy chọn phương pháp truyền đạt hiện đại, sinh động, lấy HS làm trung tâm. Thầy đóng vai trò chủ yếu là thiết kế, tạo ra các tình huống có vấn đề để chúng em tự khám phá, nhận biết, tìm ra kết luận”.

Theo anh Trọng Tình, Sinh học là bộ môn rất gần gũi với đời sống, không quá khó khăn đối với HS bậc THPT. Tuy nhiên, nếu giáo viên không biết cách gây hứng thú cho HS thì khó mà mang đến sự hấp dẫn của môn học. Trong quá trình giảng dạy, anh tận dụng các phương tiện trực quan: Tranh ảnh, mô hình, vật mẫu,… minh họa cụ thể cho từng đối tượng sinh vật trong thực tế và từng nội dung kiến thức bài học. Qua đó, giúp tiết học ngày càng trở nên sinh động, HS được “mắt thấy, tai nghe”, nắm bắt kiến thức dễ dàng hơn.

Để môn học trở nên cuốn hút, ý nghĩa hơn đối với HS, anh Trọng Tình tăng cường các hoạt động thí nghiệm, thường xuyên tổ chức học nhóm, những buổi dã ngoại, tìm hiểu hoạt động tăng gia sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của nông dân. Đặc biệt, với sự hướng dẫn của anh, HS của trường trồng, chăm sóc 500m2 rau, màu ứng dụng công nghệ cao trong nhà lưới, có hệ thống tưới tiêu hiện đại, có quan trắc nhiệt độ và độ ẩm. 

“Thông qua các buổi thí nghiệm, dã ngoại không chỉ cung cấp thêm kiến thức khoa học thực tiễn cho HS mà còn là hoạt động thú vị, hấp dẫn giúp các em trở nên yêu môn học này hơn, biết vận dụng những kiến thức đã học vào cuộc sống” - anh Trọng Tình chia sẻ.

Truyền lửa đam mê sáng tạo

Ngoài giảng dạy, anh Lê Trọng Tình còn được biết đến là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khoa học - kỹ thuật của trường (có 100 HS tham gia sinh hoạt) nhiệt tình, luôn dành nhiều thời gian giúp HS nghiên cứu, sáng tạo nhiều sản phẩm đoạt giải thưởng cao. Đặc biệt, tại cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Long An lần thứ XII năm 2019, Đoàn trường THPT Cần Giuộc vinh dự giành 2 giải (nhì, ba) với đề tài Giá chấm trắc nghiệm và Phần mềm Soduku History Game.

Với sự hỗ trợ đắc lực của anh, hai HS Võ Bá Toàn và Huỳnh Nguyễn Đức Huy, cùng học lớp 11A1, cải tiến thành công giá chấm trắc nghiệm. Em Bá Toàn bộc bạch: “Khi có ý tưởng sáng tạo ra giá chấm trắc nghiệm, chúng em chủ động trao đổi và được thầy góp ý thêm. Sau đó, chúng em tìm vật liệu (hầu hết đã qua sử dụng) để cải tiến sản phẩm: Giá đỡ điện thoại, bánh răng, motor xoay chiều, dây điện, khay đựng giấy, trục xoay, công tắc, phích cắm,... Suốt quá trình hoàn thành các công đoạn của sản phẩm, thầy luôn theo dõi, hỗ trợ chúng em chế tạo thành công thiết bị”.

Giá chấm trắc nghiệm vận hành khá đơn giản, được cài đặt trên điện thoại thông minh sử dụng hệ điều hành Android. Ưu điểm nổi bật của sản phẩm này là không mất nhiều kinh phí để đầu tư; giúp tiết kiệm thời gian chấm thi với khoảng 10 giây/bài thi (ít hơn cách chấm thủ công từ 3-5 phút/bài thi); đồng thời, tích hợp các chức năng quản lý thông tin kỳ thi, môn thi, ngân hàng câu hỏi,...
Qua phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt”, anh Lê Trọng Tình không chỉ là bông hoa đẹp của ngành giáo dục mà còn là tấm gương sáng góp phần khơi dậy tinh thần tìm tòi tự học, niềm đam mê sáng tạo của HS..

Sông Măng

Chia sẻ bài viết