“Làm hết việc chứ không hết giờ”
Sau khi triển khai phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) thi đua thực hiện VHCS” giai đoạn 2019-2025, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương. Nhận thức của CBCCVC về VHCS thay đổi rõ nét; bước đầu hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc góp phần xây dựng hình ảnh đội ngũ CBCCVC chuẩn mực, chuyên nghiệp, thân thiện trong thực thi nhiệm vụ; thể hiện đạo đức, lối sống của người cán bộ,... Nhiều cơ quan, đơn vị xây dựng bộ tiêu chí đánh giá VHCS và thái độ CCVC cũng như những chế tài xử lý vi phạm ứng xử và có cơ chế khen thưởng đối với cá nhân, tập thể thực hiện tốt,...
Chúng tôi đến Trung tâm Hành chính công huyện Đức Hòa, tỉnh Long An vào lúc 11 giờ 45 phút nhưng anh Nguyễn Minh Tâm vẫn còn làm việc để kịp trả kết quả thủ tục hành chính cho người dân. Anh nói đó là việc làm hàng ngày. Đức Hòa là huyện công nghiệp, mỗi ngày, anh cũng như các đồng nghiệp tiếp nhiều lượt người dân đến làm hồ sơ, giải quyết các thủ tục hành chính nên không tránh khỏi những lúc thiếu sót.
Cán bộ, công chức Trung tâm Hành chính công huyện Đức Hòa làm việc với tinh thần “hết việc chứ không hết giờ”
Tuy nhiên, nhớ lời dạy của Bác dành cho CBCC “Không có phận sự nào khác ngoài phận sự phục vụ nhân dân”, anh cùng đồng nghiệp tận tình hướng dẫn; giải quyết kịp thời, nhanh chóng và không để trễ hẹn những hồ sơ, thủ tục của người dân. Gần 5 năm gắn bó tại đây, anh đã quen với việc đi sớm, về trễ, làm hết việc chứ không hết giờ. “Không chỉ riêng tôi mà những anh chị khác đều quen với cường độ làm việc tại đây. Trong quá trình giải quyết công việc, có một số người dân, nhất là những người lớn tuổi không hiểu hết các thủ tục hành chính thì mình nên khéo léo, giải thích để họ không phiền lòng” - anh Tâm chia sẻ.
Cầm tập hồ sơ trên tay vừa ra khỏi Trung tâm Hành chính công huyện Đức Hòa, chị Âu Minh Thư (quận 6, TP.HCM) kể: “Sáng tôi bận việc, trên đường đến huyện Đức Hòa để làm thủ tục về đất đai lại bị kẹt xe nên vừa hết giờ hành chính. Tôi nghĩ chắc phải đợi đến đầu giờ chiều mới có thể nộp hồ sơ. Ai ngờ, mấy anh chị ở Trung tâm vẫn còn làm việc và hướng dẫn tôi tận tình, chu đáo”.
Thay đổi tác phong phục vụ nhân dân
Hưởng ứng phong trào thi đua, cấp ủy, chính quyền các địa phương trên địa bàn TP.Tân An đều quán triệt công việc, yêu cầu CBCC đi làm đúng giờ và làm việc với tinh thần khẩn trương để bảo đảm tiến độ, hoàn thành mọi chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra. Nhiều xã, phường trong thành phố có nhiều mô hình gắn liền với cải cách hành chính, cải cách đạo đức công vụ gắn với VHCS. Đó là mô hình 3 vui, Thư xin lỗi và lời cảm ơn,...
Đa số bộ phận “một cửa” cấp xã đều có gắn camera giám sát để chấn chỉnh thái độ làm việc của CBCC làm nhiệm vụ tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ. Không những vậy, từ mấy năm trước, UBND thành phố đã mở số điện thoại đường dây nóng (số của Chủ tịch UBND thành phố và Chánh Thanh tra thành phố) để các cá nhân, tổ chức thông báo đến người có trách nhiệm của thành phố về những CBCCVC thực hiện hành vi nhũng nhiễu, vòi vĩnh hoặc gây khó khăn cho cá nhân, tổ chức khi đến thực hiện các thủ tục hành chính.
TP.Tân An thực hiện văn hóa công sở gắn với đạo đức công vụ (Trong ảnh: Nhân viên Trung tâm Hành chính công thành phố đẩy mạnh việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4)
Với tinh thần khắc phục khó khăn, phấn đấu đạt nhiều thắng lợi quan trọng trong năm 2022, các xã, phường của thành phố tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính để phục vụ nhân dân, nhất là sự đồng thuận và thực hiện các chỉ đạo của UBND thành phố về nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2022, trong đó điểm nhấn mới là tư vấn, hướng dẫn và thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường mạng; khuyến khích người dân, tổ chức thực hiện thủ tục hành chính qua môi trường mạng, Cổng dịch vụ công trực tuyến,...
Phó Giám đốc Trung tâm Hành chính công TP.Tân An - Võ Văn Thang thông tin, năm 2022, thành phố rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách pháp lý không phù hợp, gây khó cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; chỉ đạo rà soát thường xuyên, hoàn thiện các quy trình, loại bỏ các thủ tục hành chính chồng chéo, phức tạp, hết hiệu lực thi hành.
Ngoài ra, công khai, minh bạch quá trình tổ chức thực hiện, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính của CBCCVC; công khai, minh bạch đầy đủ chủ trương, chính sách, tài liệu pháp lý, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trên Trang thông tin điện tử của thành phố, đẩy mạnh việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, nhất là đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số.
Đổi mới tư duy, sửa lối làm việc
Thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc là 1 trong 3 địa phương được tỉnh chọn làm điểm thực hiện chuyển đổi số (CĐS). Để đáp ứng được mong muốn của người dân về sự cải cách có tính đột phá, hướng đến một nền hành chính phục vụ, thuận tiện nhất cho tổ chức và công dân, thị trấn triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong giải quyết thủ tục hành chính.
Theo Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cần Giuộc - Lê Thị Mộng Cầm, thực hiện VHCS gắn với thái độ của CBCC, thị trấn xác định các nhiệm vụ cụ thể nhằm xây dựng CĐS trong chính quyền địa phương để tăng khả năng tương tác với người dân, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, hợp tác xã mở rộng cơ hội tiếp cận công nghệ số, giúp người dân, hộ kinh doanh dễ dàng giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, dịch vụ đặc trưng trên môi trường số.
Hiện 100% CBCC có máy tính làm việc; 100% cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND thị trấn được kết nối mạng nội bộ, Internet và sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dụng. “Các nội dung cơ bản về CĐS, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số,... là phù hợp xây dựng CĐS cho địa phương trong tình hình hiện nay. Kết quả triển khai thí điểm CĐS tại thị trấn sẽ là tiền đề, kinh nghiệm để tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình ra các địa phương khác trên địa bàn huyện. Vì vậy, chúng tôi phải ra sức thực hiện nhiệm vụ được giao” - bà Cầm nói.
Cán bộ tại bộ phận “một cửa” thị trấn Cần Giuộc hướng dẫn người dân nộp hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến
Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh - Nguyễn Hoàng Minh cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức thực hiện phong trào thi đua “CBCCVC thi đua thực hiện VHCS”, UBND tỉnh ban hành kế hoạch về tổ chức thực hiện các phong trào thi đua “CBCCVC thi đua thực hiện VHCS” giai đoạn 2019 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Riêng năm 2021, tỉnh đã phát động phong trào thi đua, khen thưởng chuyên đề về xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số tỉnh Long An giai đoạn 2021 - 2025.
Đến nay, phong trào này được các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã đưa vào thành một tiêu chí chấm điểm thi đua của CBCCVC, người lao động. Qua đó, góp phần nâng cao VHCS, đạo đức công vụ, tính chuyên nghiệp, phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ CBCCVC của tỉnh.
Từ phong trào này cho thấy có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của CCVC, người lao động về xây dựng VHCS; đổi mới về cách thức lãnh đạo, điều hành công việc, cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực hơn trong thực thi nhiệm vụ cũng như văn hóa ứng xử trước cộng đồng; khắc phục nhanh những biểu hiện lệch chuẩn trong tác phong, lề lối, tinh thần, thái độ làm việc cũng như trong giao tiếp, ứng xử với nhân dân./.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh về quán triệt, triển khai, thực hiện kết luận, quy định của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được nhấn mạnh, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có những cán bộ rất tận tâm với công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, từ đó góp phần quan trọng vào sự phát triển của tỉnh. Tuy nhiên, cũng còn một số CBCCVC làm việc chưa thật tận tâm, còn đối phó, làm chưa hết trách nhiệm. Và ở đâu đó trong các cơ quan, đơn vị vẫn có cán bộ làm việc còn rề rà, đi trễ, về sớm nên chất lượng, hiệu quả công việc chưa cao. Vì vậy, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu CBCCVC phải chấn chỉnh, xem lại thái độ làm việc; cần phải thật tận tâm, trách nhiệm trong công việc, nhất là trong ứng xử, giao tiếp với người dân,... |
Song Nhi