Tiếng Việt | English

15/05/2023 - 10:25

Thu hoạch hẹ nước trái mùa

Thay vì phải đợi đến mùa lũ mới có hẹ nước bán, một nhóm nông dân tại xã Bình Hòa Bắc, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An có sự sáng tạo bằng cách tạo “lũ giả” để thu hoạch hẹ nước trái mùa. Cách làm này giúp nông dân có nguồn thu nhập đáng kể.

5 giờ, xóm nhỏ tại ấp Chánh, xã Bình Hòa Bắc đã sáng đèn, tiếng người cười, nói. Mọi người không quên dặn nhau cần chuẩn bị đầy đủ đồ bảo hộ để làm việc trong những ngày nắng gắt.

Trên cánh đồng thu hoạch hẹ nước trái mùa tại xã Bình Hòa Bắc

Nhân công nhổ hẹ nước đến nơi cũng là lúc mặt trời vừa ló dạng. Trên cánh đồng hẹ nước, những đôi tay thoăn thoắt lẫn trong những đám hoa súng tím rực một góc trời.

“Có nghề nào cho thu nhập mà không vất vả, cực nhọc. Đối với nông dân, tuy phơi nắng nhưng có thể trang trải cuộc sống gia đình, đi làm gần nhà thì tôi vui rồi” - bà Phan Thị Châu (67 tuổi) vừa nhổ hẹ, vừa nói.

Bà cũng chia sẻ, cách đây trên 10 năm, vùng này, hẹ nước mọc hoang kín cả ruộng, nhà ai cũng có, mỗi khi lũ rút, người dân phải dùng dây cước kéo bỏ đi. Những năm gần đây, lũ thấp và thất thường nên hẹ mọc hoang ít dần. Người dân địa phương phải chủ động bơm nước vào ruộng trước khi lũ về để tạo “lũ giả” cho hẹ mọc sớm. Bà Châu gắn bó với nghề nhổ hẹ nước mùa lũ đã trên 20 năm. Mấy năm nay, bà có thêm thu nhập từ khi địa phương có nghề trồng hẹ nước trái mùa. Bà cho rằng, nhổ hẹ không vất vả, song phải dậy sớm.

“Thời tiết mùa này khá nóng nên nhân công nhổ hẹ thường chuẩn bị các đồ nghề như nón lá, quần áo dài tay, mặt che kín,... Hơn nữa, do ngâm nước lạnh lâu, tay chân bị lở loét” - bà Châu bộc bạch.

Cách nay 2 năm, anh Đặng Minh Giang chuyển đất trồng lúa sang trồng hẹ trái mùa

Trên cánh đồng hẹ nước trên 1,7ha của gia đình anh Đặng Minh Giang (40 tuổi) rôm rả tiếng cười, nói. Anh Giang thông tin, cách đây 2 năm, anh chuyển toàn bộ diện tích đất trồng lúa sang trồng hẹ nước. Kỹ thuật trồng hẹ nước không khó, thậm chí rất dễ. Cây hẹ nước vốn có sức sống mãnh liệt. Người dân chỉ cần xới ruộng, làm nhuyễn đất và cấp nước vào ruộng tạo “lũ giả”; không cần phải bón phân, xịt thuốc. Tuy nhiên, theo anh Giang, có ruộng năm trước hẹ nước mọc bình thường nhưng năm sau bơm nước vào lại chỉ mọc toàn bông súng, rau chóc. Trồng hẹ nước cực nhất là lúc thu hoạch khi phải đứng trong nước hàng giờ, dùng tay nhổ từng bụi hẹ. Để các lứa hẹ kịp phát triển, nhân công sẽ dàn hàng ngang nhổ theo từng lối, sau khoảng nửa tháng mới quay lại khu vực cũ thu hoạch.

Tùy nhu cầu thị trường, mỗi ngày, anh Giang cùng 5 nhân công có thể nhổ 200-600kg hẹ nước. Hiện nay, giá hẹ nước dao động từ 12.000-15.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi ngày, thu nhập bình quân của gia đình anh trên 1 triệu đồng.

Trước đây, hẹ nước được xem là loại cỏ dại, chỉ có vào mùa lũ. Ngày nay, loại cỏ dại này là rau sạch, lại xuất hiện nơi đồng cao, khô hạn ở xã Bình Hòa Bắc. Theo các hộ dân, mỗi năm mùa lũ đều có hẹ nước mọc tại ruộng nhưng do chính vụ nên giá cả thường thấp. Vì vậy, họ phải tạo “lũ giả” thu hoạch hẹ nước trái mùa để cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Bình quân mỗi vụ thu hoạch kéo dài 2-3 tháng, thu nhập hàng trăm triệu đồng. Hẹ nước mềm, có vị xốp, giòn, ngọt thanh rất dễ ăn. Hẹ nước chấm mắm kho là món ăn đặc sản của miền Tây.

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam xã Bình Hòa Bắc - Nguyễn Thị Hữu cho biết, trên địa bàn xã hiện có 5ha trồng hẹ nước trái mùa. Nghề này có mặt tại xã cách nay hơn 10 năm. Nếu năng suất đạt và được giá, mỗi hécta hẹ nước một vụ có thể cho thu nhập từ 200-300 triệu đồng, cao gấp 5, 6 lần so với trồng lúa. Tuy nhiên, bà Hữu nhận định, đầu ra của loại rau này không ổn định nên địa phương không khuyến khích nông dân tăng diện tích./.

Như Nguyệt - Thường Sơn

Chia sẻ bài viết