Tiếng Việt | English

25/02/2016 - 20:15

Thu nhập của người Việt sẽ đạt 18.000 USD/năm

Thu nhập bình quân của người Việt sẽ đạt 18.000 USD/năm vào 2035 nếu tăng trưởng GDP bình quân đạt tối thiểu 6%/năm.

Theo Ngân hàng Thế giới, tại Báo cáo Việt Nam 2035, trong vòng 20 năm tới tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người tối thiểu phải đạt 6,0%/năm thì mới tiến tới mốc 18.000 USD vào năm 2035. Đây là tỉ lệ tăng trưởng cao hơn hẳn so với tỷ lệ tăng trưởng bình quân theo đầu người là 5,5%/năm trong giai đoạn 1990-2014 và cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ tăng trưởng 3,8%/năm của các nước thu nhập trung bình trong cùng thời kỳ.

Với tốc độ tăng trưởng thấp hơn, khả thi hơn (nhưng vẫn là tham vọng) ở mức 5%/năm (là tốc độ tăng trưởng bình quân của Việt Nam 10 năm qua), GDP theo đầu người sẽ lên đến 15.000 USD vào năm 2035 và đưa Việt Nam ngang hàng Brazil năm 2014, và đạt 18.000 USD vào năm 2040.

Với lộ trình tăng trưởng trên 7%/năm (chỉ tiêu tăng trưởng theo khát vọng của Việt Nam), GDP theo đầu người sẽ đạt xấp xỉ 22.200 USD, tương đương với mức thu nhập của Hàn Quốc năm 2002 hoặc của Malaysia năm 2013. Tốc độ tăng trưởng cao hơn đó sẽ giúp Việt Nam đuổi kịp Indonesia và Philippines.

Ngoài ra, ít nhất 54 triệu trong số108 triệu người Việt Nam sẽ sinh sống tại đô thị vào năm 2035, nghĩa là tăng thêm 25 triệu dân đô thị so với hiện nay. Như vậy, tỷ lệ đô thị hóa hiện nay vào khoảng 33%, cần tăng thêm 1-2% mỗi năm mới hoàn thành chỉ tiêu này, phù hợp với tốc độ trong 20 năm qua.

Việt Nam hiện đang ở một ngã ba đường mang tính quyết định. Những quyết sách vào thời điểm hiện nay có ý nghĩa quan trọng đối với việc có đạt được khát vọng tăng nhanh thu nhập trong dài hạn hay không. Nếu tiến hành những cải cách cần thiết để nâng tăng trưởng GDP bình quân đầu người lên mức 7% một năm, giống như quỹ đạo tăng trưởng của Trung Quốc, thì đến năm 2035 Việt Nam có thể đạt mức thu nhập như của Hàn Quốc, và Đài Loan (Trung Quốc) vào đầu những năm 2000. Từ vị trí nước thu nhập trung bình cao, Việt Nam có cơ sở vững chắc để đạt mức thu nhập cao trong tương lai. Việt Nam cũng sẽ có cơ hội thuận lợi hơn để bắt kịp, thậm chí vượt trên các nước láng giềng có thu nhập trung bình như Indonesia và Philippines. Nhưng nếu tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người chỉ quanh quẩn ở mức 4%/năm thì đến 2035 Việt Nam sẽ chỉ đạt mức gần bằng Thái Lan hay Brazil hiện nay và ít có cơ hội bắt kịp với các nước láng giếng có thu nhập trung bình cao hơn.

Năng suất lao động vẫn là rào cản lớn

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy năng suất lao động là nhân tố cơ bản để thúc đẩy tăng trưởng. Các nhà kinh tế đều thống nhất rằng tuyệt đại bộ phận các nước không có khả năng thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình (dù có tăng trưởng nhanh hay không) gần như hoàn toàn do năng suất bị đình trệ. Và chính ở đây, bức tranh Việt Nam trở nên kém sắc hồng.

Đằng sau thành tựu tăng trưởng ấn tượng của Việt Nam từ năm 1990 là những dấu hiệu đáng lo ngại. Có hai điểm nổi bật khi so sánh những năm 90 với thời kỳ sau này (2000-2013). Thứ nhất, tăng trưởng GDP đã giảm 1 điểm phần trăm so với thập kỷ 1990. Sự giảm sút này một phần do môi trường xấu đi từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trong những năm 2008-2009, một phần do sự sụt giảm về tăng năng suất lao động bắt đầu từ cuối những năm 1990. Thực ra, đà sụt giảm tăng trưởng GDP đã được giảm bớt phần nào nhờ gia tăng lực lượng lao động trong giai đoạn sau năm 2000. Thứ hai, khi xem xét các thành phần đóng góp vào tăng trưởng năng suất lao động của hai giai đoạn cho thấy rất rõ, từ đầu những năm 2000, đóng góp của vốn lớn hơn và sự chuyển dịch cơ cấu ở quy mô lớn từ ngành nông nghiệp sang các ngành công nghiệp và dịch vụ.

Ngược lại, tăng trưởng năng suất nhân tố tổng hợp (TFP), nhân tố đóng góp chính cho tăng trưởng năng suất lao động trong những năm 1990, đã sụt giảm mạnh trong giai đoạn sau năm 2000 và tăng trưởng năng suất lao động đã giảm ở hầu hết các khu vực. Thực tế, năng suất lao động giảm trong các ngành khai khoáng, tiện ích công cộng, xây dựng, và tài chính, là những ngành mà doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

Text Box: (%)Text Box: (%)Text Box: (%)Do theo đuổi nhiều mục tiêu, trong đó lợi nhuận không phải là ưu tiên, cùng với các ưu đãi méo mó nên các doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả. Năng suất tài sản công ty (bao gồm vốn và đất đai) và các biện pháp tăng năng suất lao động trong suốt những năm 2000 đều cho thấy tình trạng không hiệu quả. Khu vực nhà nước vẫn chiếm vị thế độc quyền (hoặc độc quyền nhóm) trong các ngành quan trọng như sản xuất phân bón, khai mỏ, dịch vụ thiết yếu, ngân hàng, xây dựng và nông nghiệp. Tuy nhiên, dưới sức ép ngày càng tăng về tái cơ cấu, khu vực này ít nhất cũng đã tìm cách duy trì năng suất lao động để không đi xuống hơn nữa.

Hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân trong nước còn đáng quan ngại hơn. Hàng loạt các biện pháp cải cách đã được thực hiện nhằm thể chế hóa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân đã giúp kinh tế tư nhân tăng trưởng nhanh chóng kể từ cuối thập kỷ 1980. Nhưng khi con số doanh nghiệp tư nhân tăng lên thì năng suất của doanh nghiệp lại giảm xuống đến mức gần như không có khoảng cách giữa năng suất lao động và tài sản trong khu vực tư nhân trong nước và khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phần lớn đạt được với những phí tổn về môi trường. Khí thải nhà kính tăng với tốc độ cao nhất trong khu vực, còn chất lượng môi trường không khí, đất, và nước suy giảm nghiêm trọng. Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu với những khó khăn nghiêm trọng về khả năng thích ứng, nhất là ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Đặc biệt, hai vấn đề méo mó trong cấu trúc kinh tế thị trường non trẻ của Việt Nam đã gây tổn hại nhất đối với tăng năng suất. Thứ nhất là sự thương mại hóa trong quản trị nhà nước. Lợi ích thương mại hẹp của một số người có quan hệ chứ không phải kinh doanh hiệu quả đang lấn át và quyết định hoạt động kinh doanh. Các quan chức đã không quan tâm đúng mức đến hiệu quả kinh tế khi đã trao vô số những ưu đãi (ngấm ngầm hoặc công khai) cho những doanh nghiệp có quan hệ (ví dụ như tất cả các doanh nghiệp nhà nước, hầu hết doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và một vài doanh nghiệp tư nhân lớn trong nước), khiến cho nhiều doanh nghiệp tư nhân khó có thể tồn tại, ngay cả những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. 

Thương mại hóa trong quản trị nhà nước đã dẫn đến một cách tiếp cận không đồng nhất và thiếu đồng bộ với các cải cách thị trường, dẫn đến hai vấn đề mất cân bằng. Trước hết, dù ủng hộ cơ chế thị trường trong phân bổ nguồn lực, cách tiếp cận giảm thiểu sự kiểm soát của nhà nước đối với sản xuất và công nhận sở hữu tư nhân đối với tư liệu sản xuất vẫn dè dặt và không rõ ràng.

Điều này dẫn đến sự hình thành một tầng lớp doanh nhân hoặc nằm trong nhà nước hoặc có quan hệ chặt chẽ với quan chức nhà nước và doanh nghiệp nhà nước tiếp tục giữ vị trí thống lĩnh trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế.

Tăng trưởng GDP từ đầu những năm 2000 đạt được nhờ các yếu tố bù đắp cho sự yếu kém và sụt giảm của mức tăng năng suất, nhưng hiện nay các yếu tố này đã chạm tới ngưỡng giới hạn tự nhiên của chúng.

Trong giai đoạn phát triển tiếp theo, dự báo tác động đối với tăng trưởng kinh tế nói chung của mỗi một nhân tố nêu trên sẽ giảm mạnh hơn so với tác động lên xu hướng năng suất. Thêm vào đó, bối cảnh kinh tế thế giới sẽ kém thuận lợi hơn nhiều so với thời kỳ trước khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Lợi thế của Việt Nam hiện nay là vẫn còn đủ thời gian để tái khởi động tăng năng suất lao động mà không ảnh hưởng tới mục tiêu tăng thu nhập vào năm 2035.

Già hóa dân số nhanh chóng

Từ nay đến năm 2035, theo các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam sẽ phải đối mặt với cơ cấu dân số biến động rất mạnh. Trong hai thập niên vừa qua, đất nước đã được hưởng “lợi thế từ cơ cấu dân số” - tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động cao đã giúp đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế. Lợi thế đó nay đã hết dần: tỷ lệ số dân trong độ tuổi lao động đạt đỉnh năm 2013 và đang trên đà đi xuống.

Theo dự báo của Liên hiệp quốc, số người trong độ tuổi lao động bắt đầu giảm tuyệt đối ngay sau năm 2035. Quan trọng hơn, quy mô dân số đã tiến đến điểm ngoặt về dân số cao tuổi vào năm 2015 và sắp tới sẽ trở thành một trong những quốc gia có dân số bị già hóa nhanh nhất thế giới. Số người trên 65 tuổi sẽ tăng từ 6,3 triệu người hiện nay lên 15,5 triệu. Tỷ trọng dân số trên 65 tuổi sẽ tăng từ 6,7% năm 2015 lên 14,4% năm 2035, biến quốc gia từ một xã hội dân số trẻ thành xã hội dân số già./.

Vũ Hạnh/VOV.VN

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích