Tiếng Việt | English

05/08/2023 - 10:13

Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2023

Sáng nay 5/8, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7 năm 2023 để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2023; chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Nền kinh tế có nhiều dấu hiệu, triển vọng tích cực

Cùng với đó Chính phủ nghe báo cáo và thảo luận về rà soát, tổng hợp nhu cầu điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; kết quả xử lý kiến nghị, đề xuất của các địa phương gửi đến các Đoàn công tác của Thành viên Chính phủ làm việc tại địa phương.

Dự phiên họp có các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang; các bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quang ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đại diện lãnh đạo các ban, cơ quan của Trung ương Đảng, Quốc hội. 


Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2023

Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta đã đi qua tháng đầu tiên của quý III, trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp; khó khăn, thách thức tiếp tục nhiều hơn thời cơ, thuận lợi.

Trên thế giới, tăng trưởng vẫn thấp trong khi cầu tiêu dùng còn yếu, hàng rào bảo hộ gia tăng…; nhiều quốc gia tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt;  áp lực nợ công, nợ xấu của doanh nghiệp, rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản vẫn còn cao tại một số quốc gia; xuất hiện một số rủi ro, thách thức mới về an ninh lương thực toàn cầu; tình trạng thời tiết cực đoan diễn ra ở nhiều nơi, hạn hán kéo dài trên phạm vi rộng, bão lũ, thiên tai tại nhiều quốc gia...


Toàn cảnh Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2023

Ở trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, khi chịu tác động kép, vừa phải chống chịu với sức ép từ cả bên trong và bên ngoài, xử lý các vấn đề hiện tại và khắc phục các khó khăn, tồn tại nhiều năm. Trong bối cảnh đó, các cấp, các ngành, các địa phương đã nỗ lực vượt bậc, triển khai quyết liệt, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp đề ra.

Qua đó, trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm, cơ bản thực hiện được các mục tiêu tổng quát của năm 2023 với kết quả tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước. Tuy nhiên, cũng còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc.

Theo Thủ tướng, bước vào tháng 8, mặc dù dự báo tình hình thế giới và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng nền kinh tế nước ta đã có nhiều dấu hiệu, triển vọng rất tích cực trên nền tảng vĩ mô tốt. Trong tháng 8, có nhiều sự kiện và cũng là thời điểm thường xuất hiện mưa bão, rủi ro thiên tai, trong khi đó rất nhiều nhiệm vụ, công việc cả thường xuyên, đột xuất, xử lý tồn đọng…

Thủ tướng yêu cầu các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá toàn diện, phân tích kỹ, khách quan; nêu rõ những việc đã làm tốt để tiếp tục phát huy và làm tốt hơn, những việc còn chưa đạt yêu cầu, nguyên nhân khách quan, chủ quan, bài học kinh nghiệm...

Cùng với đó, nhận diện, dự báo bối cảnh, tình hình thời gian tới. Trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp trọng tâm, điểm mấu chốt, khâu đột phá trong tháng 8, những tháng còn lại của năm 2023 và thời gian tới. Đặc biệt, đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết Phiên họp để hoàn thiện, tổ chức thực hiện.


Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn phát biểu tại phiên họp 

Kinh tế Việt Nam được dự báo phục hồi trong nửa cuối năm 2023

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong tháng 7 và từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, các Kết luận, Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng.

Trong đó tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, hỗ trợ cho người dân, DN phát triển sản xuất kinh doanh; Tổ chức nhiều hội nghị, diễn đàn, phiên họp quan trọng về đẩy mạnh ngoại giao kinh tế; các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT; tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án cao tốc, triển khai các dự án ODA (vùng ĐBSCL); hoạt động ngân hàng; chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06; thực hiện cam kết COP26; thị trường BĐS…Tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động văn hóa, xã hội, thể thao; đặc biệt là các sự kiện ý nghĩa kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh, Liệt sĩ; Đẩy mạnh công tác đối ngoại, nhất là ngoại giao kinh tế, đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Israel.


Thủ tướng yêu cầu các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá toàn diện, phân tích kỹ, khách quan.

Trong bối cảnh quốc tế, trong nước rất khó khăn, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp dưới sự lãnh đạo của Đảng, tình hình KTXH tháng 7 tiếp tục xu hướng tích cực, nhiều lĩnh vực đạt kết quả tốt hơn so với tháng 6, đóng góp vào kết quả chung của 7 tháng đầu năm 2023, trong đó nổi bật là kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn được bảo đảm; Tăng trưởng được thúc đẩy; các ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế phục hồi tốt. 

Nông nghiệp tiếp tục có nhiều điểm sáng, là bệ đỡ vững chắc của nền kinh tế trong khó khăn: Lúa gạo được mùa được giá; xuất khẩu gạo 7 tháng tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá. Sản lượng thủy sản tháng 7 tăng 2,6%, 7 tháng tăng 1,9%. Xuất khẩu nông sản tháng 7 đạt 4,62 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ; 7 tháng đạt hơn 29 tỷ USD; riêng rau củ quả đã xuất khẩu 3,2 tỷ USD.

Công nghiệp tiếp tục đà phục hồi; Chỉ số SX công nghiệp (IIP) tháng 7 tăng 3,9% so với tháng 6 và tăng 3,7% so cùng kỳ; Thương mại, dịch vụ tiếp tục tăng khá; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tính chung 7 tháng tăng 10,4%. Khách quốc tế tháng 7 đạt hơn 1 triệu lượt người đây là tháng có lượng khách quốc tế lớn nhất từ sau mở cửa, tăng 6,5% so tháng trước và gấp gần 3 lần so cùng kỳ; tính chung 7 tháng đạt 6,6 triệu lượt, gấp 6,9 lần so cùng kỳ.

Đầu tư phát triển đạt kết quả tích cực, giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng đạt 267,63 nghìn tỷ đồng, đạt 37,85% kế hoạch, tăng 3,38%; về số tuyệt đối tăng 80,78 nghìn tỷ đồng.


Các đại biểu tại phiên họp

Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm; Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được tăng cường, đẩy mạnh, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân và toàn xã hội; Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh; uy tín và vị thế quốc tế của VN tiếp tục được củng cố và nâng lên.

Các tổ chức quốc tế đánh giá và dự báo tích cực về tình hình kinh tế Việt Nam. IMF dự báo quy mô GDP (tính theo sức mua tương đương) năm 2026 đạt 1.872 tỷ USD, vượt qua Thái Lan và trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 ở Đông Nam Á. Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2023 và tăng trưởng 7%. Việt Nam tăng 4 bậc về Chỉ số Hòa bình toàn cầu năm 2023. 

Vũ Khuyên/VOV

Chia sẻ bài viết