Sáng 19/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt hơn 100 tài năng người Việt ở nước ngoài, đang tham dự các hoạt động của “Chương trình kết nối Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam” diễn ra từ ngày 18-24/8, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương tổ chức.
Thủ tướng gặp gỡ các trí thức tài năng tại buổi gặp mặt
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hơn 100 người Việt tài năng về Việt Nam lần này đều được đào tạo bài bản tại các trường đại học danh tiếng hàng đầu thế giới và công tác trong các ngành: công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nền tảng, các ngành công nghiệp chế tạo ứng dụng tự động hoá, robotics ...
Các trí thức này làm việc chuyên sâu trong các ngành, lĩnh vực công nghệ, đặc biệt trong việc phát triển ứng dụng công nghệ hiện đại mang tính nền tảng như trí tuệ nhân tạo, blockchain, dữ liệu lớn, an ninh mạng, Internet of Things…
Đây là những cá nhân có những thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu và lao động, được trực tiếp ghi nhận bởi cơ sở đào tạo, các tổ chức quốc tế có uy tín, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, các tài năng người Việt đều thể hiện nguyện vọng được đóng góp xây dựng đất nước, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó có thúc đẩy đổi mới sáng tạo, xây dựng Chính phủ điện tử.
Giáo sư Nghiêm Đức Long, Đại học Công nghệ Sydney, Australia, cho rằng, để tận dụng được thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cần xây dựng hệ sinh thái 4.0 có trọng tâm, xây dựng văn hóa 4.0 để mọi người dân đều hiểu và đồng hành cùng Chính phủ, và đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực.
Giáo sư Nghiêm Đức Long khẳng định, các tài năng người Việt ở nước ngoài cam kết nếu được đầu tư xứng đáng sẽ tạo ra các thành quả công nghệ hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế xã hội đất nước. Đồng thời cũng đề nghị Chính phủ đẩy mạnh phát triển thị trường công nghệ, đưa công nghệ vào sản xuất và đời sống.
Các trí thức cũng đã mạnh dạn đề xuất việc sản xuất robot mang thương hiệu Việt Nam, phục vụ cho trong nước và tiến tới xuất khẩu.
Giáo sư Vũ Lê Hải, Đại học Monate, Australia, đề nghị thiết lập các nhóm chuyên viên người Việt có nhiều nghiên cứu trong một số lĩnh vực đột phá, giúp hoạch định chính sách phát triển khoa học công nghệ trong nước.
Thủ tướng phát biểu tại buổi gặp mặt
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thủ tướng vui mừng gặp gỡ các trí thức ở các lĩnh vực, những người được đào tạo bài bản và mang trong mình tâm huyết muốn đóng góp cho sự phát triển quê hương đất nước. Cuộc gặp mặt càng thêm ý nghĩa khi diễn ra trong bối cảnh cả nước kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Thủ tướng đánh giá cao các trí thức đã có nhiều đề xuất thiết thực, cụ thể với Chính phủ để tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và cho biết, Chính phủ coi trọng cuộc cách mạng này với cốt lõi là dữ liệu lớn, nền tảng mở, rô bốt, trí tuệ nhân tạo... và nếu không nắm bắt được các cơ hội thì đất nước sẽ tụt hậu. Do đó, Chính phủ đang xây dựng Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0 với tinh thần quyết liệt để sánh vai với các cường quốc công nghệ.
Cho biết Chính phủ đang xây dựng Chính phủ điện tử và coi đây là một nhiệm vụ quan trọng, Thủ tướng mong muốn các trí thức tiếp tục đóng góp ý kiến để giúp Chính phủ thực hiện mục tiêu này.
Thủ tướng nhấn mạnh: "Tất cả người Việt Nam dù trong nước hay nước ngoài, đều có hướng về niềm tin Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến việc thúc đẩy phát triển, nhất là thúc đẩy khoa học công nghệ phát triển để đưa năng suất lao động và đất nước tiến bước hơn thời gian tới. Chúng tôi đi theo hướng này, kể cả thể chế, pháp luật, chỉ đạo điều hành. Như thế chúng ta có niềm tin là Đảng, Nhà nước, lắng nghe những ý kiến tâm huyết của trí thức và mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có chủ trương lắng nghe trí thức ở nước ngoài. Hôm nay tôi thực sự ấn tượng và cảm động các vị đưa ra các ý kiến sâu sắc".
Thủ tướng cũng mong muốn mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tìm được cách thức vận hành hiệu quả, thiết thực, để áp dụng tốt nhất ở Việt Nam. Chính phủ cam kết sẽ tạo mọi điều kiện để các trí thức tham gia vào các dự án chương trình khoa học công nghệ trong nước một cách thuận lợi, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Thủ tướng và các tài năng người Việt ở nước ngoài chụp ảnh lưu niệm
"Công nghệ và sáng tạo là cơ hội để giải quyết các vấn đề phát triển của Việt Nam. Chính phủ cam kết xây dựng một môi trường thuận lợi nhất để khuyến khích công nghệ và sáng tạo phát triển ở Việt Nam. Không có đổi mới sáng tạo, không có khoa học công nghệ, đất nước không thể phát triển, nhất là trước sự phát triển như vũ bão hiện nay của thế giới. Và đấy là con đường quan trọng nhất để đưa đất nước tiến lên. Các bạn là nhân tố để đóng góp cho sự phát triển ấy", Thủ tướng nêu rõ.
Tán thành quan điểm kết nối giữa các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, Thủ tướng mong muốn qua đó để đội ngũ các nhà khoa học ở nước ngoài đưa những kiến thức, công nghệ tiên tiến về Việt Nam, cùng các nhà khoa học trong nước triển khai chiến lược khoa học công nghệ của Việt Nam.
Tự hào về những trí thức tài năng tại buổi gặp mặt, Thủ tướng mong muốn các nhà trí thức phát huy tinh thần của rất nhiều nhà khoa học tài năng thế hệ đi trước, từ nước ngoài trở về cống hiến cho đất nước, được Nhà nước vinh danh như Giáo sư Trần Đại Nghĩa, nhà khoa học Lương Định Của,..., gần đây là vợ chồng giáo sư Trần Thanh Vân và Lê Kim Ngọc.
Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm tạo điều kiện về thủ tục, cơ chế đãi ngộ cho các chuyên gia, trí thức về nước làm việc./.
Vũ Dũng/VOV.VN