Sáng 11/1 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư không phải là Bộ chi tiền mà là Bộ làm thể chế, chính sách, là kiến trúc sư quốc gia phục vụ cho sự phát triển.
Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Thực hiện chủ trương xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, năm 2016, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, như chủ trì soạn thảo dự thảo Luật Quy hoạch, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến; sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư về danh mục ngành nghề, đầu tư kinh doanh có điều kiện; trình Chính phủ ban hành Nghị định 19, 35, 60.
Tuy vậy, theo góc nhìn của ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần có sự thay đổi tư duy theo hướng phục vụ sự phát triển, quản lý Nhà nước đáp ứng được yêu cầu của phát triển thay vì năng lực của Nhà nước đến đâu quản lý đến đó. Và điểm then chốt là cần hoàn thiện và nâng cao chất lượng quy hoạch với tư duy mới, loại bỏ tất cả các quy hoạch đang cản trở sự phát triển.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, năm 2016 khó khăn dồn dập, nhưng nhiều chỉ tiêu quan trọng của kinh tế- xã hội đã cơ bản đạt được, niềm tin thị trường đã được khơi dậy. Trong các kết quả đó có đóng góp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Bộ đã đóng vai trò tham mưu trưởng trong phát triển kinh tế-xã hội; tham mưu xây dựng các thể chế, chính sách, các chiến lược, quy hoạch. Trong đó có một số Luật, một số Nghị quyết, như Nghị quyết 19,35, 60 của Chính phủ. Mới đây nhất Dự thảo Luật quy hoạch đã được trình Thường vụ Quốc hội, là một nỗ lực để khắc phục tình trạng cả nước đang có tới 20.000 quy hoạch. Thủ tướng cũng đánh giá cao Bộ bước đầu đã đề cập đổi mới mô hình tăng trưởng; tháo gỡ các điểm nghẽn để thúc đẩy tăng trưởng như giải ngân, điều hành kinh tế-xã hội.
Tuy vậy, Thủ tướng cũng nêu các tồn tại của Bộ là chiến lược phát triển có nhưng chưa rõ và chưa thực hiện được nhiều, trong đó có chương trình tái cơ cấu. Thủ tướng cho rằng cần có “đội đặc nhiệm” để tái cơ cấu với vai trò của bộ trưởng các bộ, bí thư tỉnh ủy các tỉnh, thành, nếu không sẽ lâm vào tình trạng “bản cũ chép lại”. Khi đó, năng suất lao động và hiệu quả của nền kinh tế tiếp tục sụt giảm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị
Trong tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của Bộ trong việc đẩy mạnh cổ phần hóa, khai thác nguồn lực phục vụ sự phát triển, nhất là khi lượng vốn cổ phần hóa mới chỉ đạt 8%, còn 92% lượng vốn chưa cổ phần hóa. Đó là nguồn lực lớn chưa phát huy tác dụng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Nhắc lại 3 nút thắt của nền kinh tế là hạ tầng, thể chế và nguồn nhân lực, Thủ tướng nhấn mạnh, tháo gỡ nút thắt thể chế là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thời gian tới.
“Thể chế Việt Nam còn rất nhiều ràng buộc mà các đồng chí phải nghĩ ra để tháo gỡ. Cho nên câu chuyện trọng tâm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là thể chế chính sách. Không phải là Bộ chi tiền mà là Bộ làm thể chế chính sách cho Chính phủ. Tiền nằm trong nhân dân, trong doanh nghiệp. Muốn tăng trưởng thì phải giải phóng nguồn lực” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng cho rằng, với vai trò là cơ quan soạn thảo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải đi đầu trong thực hiện Nghị quyết 01/2017 của Chính phủ; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung cho công tác xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển, công tác dự báo chính sách, nhưng phải theo một tư duy mới, cách làm mới.
Nhấn mạnh phải đổi mới cách làm, đổi mới tư duy, Thủ tướng nói: “Bộ Kế hoạch và Đầu tư là kiến trúc sư trưởng của đất nước, nên phải thực sự đổi mới từ bộ này thì đất nước mới phát triển được. Các cục trưởng, vụ trưởng, các nhà nghiên cứu phải suy nghĩ điều này này”.
Với 31 vụ hiện nay, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải rà soát, tái cơ cấu để bộ máy tinh gọn và hoạt động hiệu quả hơn; phải có tư duy lập kế hoạch cho Nhà nước chứ không phải lập kế hoạch cho thị trường. Trong công tác quy hoạch, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc xóa bỏ lợi ích nhóm, đặt lợi ích quốc gia và dân tộc lên trên hết; mạnh dạn loại bỏ các quy hoạch còn chồng chéo trong số 20.000 quy hoạch hiện nay, không để xảy ra tình trạng “xin – cho” trong quy hoạch. Và trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch có thể có sự va chạm, nên Bộ cần có dũng khí để thực hiện. Thủ tướng nhấn mạnh, nếu tự tin điều đó là đúng, vào sự liêm chính thì Bộ phải quyết tâm bảo vệ.
Nêu một thực tế hiện vốn đầu tư Nhà nước chiếm hơn 37,6% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, Thủ tướng lưu ý Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ cần một sự phân bổ sai sẽ gây lãng phí nguồn lực rất lớn, thậm chí là tai họa cho nền kinh tế. Chính vì vậy, với vai trò tham mưu, lập và phân bổ vốn đầu tư cho Chính phủ, Bộ phải ý thức được vinh dự và trách nhiệm này.
“Vì sao không gắn chuyện đó cùng với biến đổi khí hậu, vì sao không gắn với nông nghiệp chất lượng cao, vì sao để môi trường xấu? Chúng ta phải vì dân, vì sự phát triển, chứ không phải vì một động lực gì không tốt trong tư duy của chúng ta để ảnh hưởng đến đất nước. Vì đây thực sự là tiền thuế của dân. Nếu sử dụng tiền thuế của dân tốt thì chúng ta sẽ là người cán bộ vinh dự của đất nước. Tôi mong các nhà lập kế hoạch, các đồng chí có mặt ở đây có vai trò quan trọng trong việc sử dụng đồng tiền, hạt gạo của dân” – Thủ tướng nói.
Tại Hội nghị, Thủ tướng trao Huân chương Độc lập hạng Nhì cho nguyên Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh
Tại hội nghị này, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch – Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Quang Các kể lại câu chuyện khi Ủy Ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật quy hoạch hôm 10/1 vừa qua, một số bộ, ngành trước đó đã có ý kiến đồng thuận với dự thảo Luật, nhưng tại cuộc họp này, một số lãnh đạo các bộ lại có ý kiến theo hướng níu kéo, bảo vệ lợi ích của ngành mình, muốn giữ nguyên như cũ thay vì chấp nhận đổi mới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phê bình các cơ quan có ý kiến và nhấn mạnh, lãnh đạo các bộ không thể vì quyền lợi cục bộ của bộ mình mà nêu ý kiến như vậy./.
Vũ Dũng/VOV.VN