Tính đến đầu tháng 11/2022, giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đạt 75,87% (Trong ảnh: Công trình đường vành đai TP.Tân An đang được tập trung thi công để sớm hoàn thành)
Tập trung giải ngân vốn, tạo động lực phát triển kinh tế
Năm 2022, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh được bố trí trên 477 tỉ đồng, thực hiện 40 dự án. Tính đến tháng 10, Ban đã giải ngân khoảng 80% theo kế hoạch. Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp - Trần Bá Phước cho biết: Ban thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và làm việc với các chủ đầu tư để bảo đảm tiến độ cũng như thực hiện giải ngân theo khối lượng. Các gói thầu có giá trị lớn, đơn vị ký hợp đồng, tổ chức thi công để bảo đảm tiến độ.
Trong tháng 11/2022, Ban rà soát, kiểm tra, đánh giá tình hình và có kế hoạch điều hòa vốn phù hợp. Mặt khác, chúng tôi làm việc với nhà thầu yêu cầu đạt tiến độ, tập trung quyết toán, thanh toán khối lượng đã thực hiện, bảo đảm đến cuối năm giải ngân vốn đạt 100%.
Tỉnh tiếp tục thực hiện các biện pháp, giải pháp để bảo đảm hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công (Trong ảnh: Công trình cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây)
Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022, huyện Đức Hòa được giao 1.574 tỉ đồng. Trong đó, vốn cân đối ngân sách huyện 1.029 tỉ đồng, vốn tỉnh hỗ trợ (đã có quyết định giao kế hoạch) 528 tỉ đồng và vốn chương trình mục tiêu quốc gia 17 tỉ đồng. Tính đến tháng 10, huyện giải ngân trên 1.204 tỉ đồng, đạt 76,5% so kế hoạch, bằng 453,3% so cùng kỳ.
Theo Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa - Lê Trường Chinh, huyện tập trung quyết liệt, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Các chủ đầu tư có quan tâm đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai, thực hiện và lập thủ tục nghiệm thu thanh toán, quyết toán, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Huyện xem việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, để các dự án sớm hoàn thành, tạo động lực phát triển kinh tế.
Địa phương yêu cầu các chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Tăng cường phối hợp nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành hoặc vượt tiến độ đề ra theo cam kết, sớm đưa dự án vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư. Kiên quyết xử lý nghiêm các nhà thầu chậm trễ tiến độ theo cam kết hoặc vi phạm thời gian thực hiện theo hợp đồng đã ký kết. Trường hợp nhà thầu vi phạm hợp đồng và không đủ năng lực để thực hiện thì chấm dứt hợp đồng, lựa chọn nhà thầu khác theo quy định.
Đồng thời, huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn hoàn chỉnh thủ tục thanh toán khối lượng cho đơn vị thi công khi đủ điều kiện thanh toán, không để dồn vào những tháng cuối năm; thường xuyên đôn đốc đơn vị thi công thực hiện công tác giải ngân khi có khối lượng đã đủ điều kiện thanh toán, bảo đảm đến cuối năm 2022 giải ngân hết số vốn đã được bố trí.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - Huỳnh Văn Sơn, kế hoạch vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh được bố trí kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư thực hiện cũng như giải ngân. Nguồn vốn được bố trí đúng quy định và bảo đảm hiệu quả đầu tư. Tỉnh thường xuyên chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc các ngành chức năng và các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn được phân bổ.
Hiện nay, theo đánh giá, giải ngân vốn vẫn còn thấp. Nguyên nhân chủ yếu: Thực hiện chậm công tác đền bù, giải phóng mặt bằng dẫn đến mặt bằng thi công chưa bảo đảm ở một số dự án; giá nhân công tăng; các tháng đầu năm, giá nguyên vật liệu tăng cao (có thời điểm khan hiếm) làm tăng giá thành nên các nhà thầu thi công chậm; việc giảm thuế giá trị gia tăng (từ 10% xuống 8% một số loại nguyên liệu) theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 30/01/2022 của Chính phủ nên chủ đầu tư phải làm thủ tục lập lại giá gói thầu cho phù hợp tình hình thực tế; thời gian kiểm tra xác nhận giá trị khối lượng trước khi thanh toán cũng lâu hơn; một số chủ đầu tư tuy có quan tâm thực hiện nhưng chưa theo dõi sâu sát, chưa kịp thời đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nhất là còn chậm trong khâu chuẩn bị đầu tư, điều chỉnh dự toán, thủ tục đấu thầu, chậm làm thủ tục thanh toán, quyết toán; sự phối hợp trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng đôi lúc còn chưa chặt chẽ, kịp thời;...
Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh giải ngân khoảng 80% theo kế hoạch (Trong ảnh: Công nhân đang hoàn thiện công trình Khối cơ quan 3)
Để hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất một số giải pháp. Trong đó, các chủ đầu tư phải khẩn trương và nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg, ngày 17/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia những tháng còn lại năm 2022 và nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023 theo các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh.
Các chủ đầu tư tiếp tục lập và điều chỉnh kế hoạch thực hiện từng công trình tương ứng với từng thời điểm cho phù hợp tình hình thực tế; khi có phần việc nào chậm so với tiến độ thì phải kiểm tra, rà soát nguyên nhân để giải quyết hoặc đề xuất giải pháp giải quyết ngay. Đề nghị các chủ đầu tư tập trung hơn nữa trong việc thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, hoàn chỉnh các thủ tục thanh toán khối lượng cho đơn vị thi công khi đủ điều kiện thanh toán; đối với các dự án đã nghiệm thu đưa vào sử dụng thì khẩn trương thực hiện quyết toán để thanh toán lần cuối. Đẩy mạnh công tác chuẩn bị đầu tư, lập dự án và quản lý đầu tư xây dựng các dự án đầu tư công theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Chủ động, tích cực và phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; phối hợp giải quyết dứt điểm các vướng mắc, xác định thời gian hoàn thành cụ thể từng công đoạn; trường hợp vượt thẩm quyền, đề nghị đề xuất giải pháp dứt điểm báo cáo UBND tỉnh cho chủ trương thực hiện.
Đề xuất Sở Xây dựng kịp thời tham mưu công bố giá vật liệu xây dựng hàng tháng làm cơ sở triển khai, thực hiện; sớm thực hiện công tác thẩm định các dự án liên quan đến lĩnh vực xây dựng mà các chủ đầu tư có văn bản đề nghị.
Bên cạnh đó, các chủ đầu tư thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo theo yêu cầu của UBND tỉnh, nêu rõ tiến độ thực hiện từng dự án, báo rõ khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân thực hiện chậm và giải ngân thấp; đề xuất giải pháp hoặc kiến nghị cụ thể cơ quan, đơn vị nào phải giải quyết khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân. Đề nghị một số chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân dưới mức bình quân chung của tỉnh khẩn trương thực hiện và giải ngân. Đối với các chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân cao vẫn tiếp tục tập trung thực hiện các công trình để giải ngân hết kế hoạch vốn được phân bổ, góp phần nâng cao tỷ lệ giải ngân trên địa bàn tỉnh,...
“Sở Kế hoạch và Đầu tư tích cực theo dõi, rà soát, làm việc với các chủ đầu tư để đề xuất UBND tỉnh điều chuyển vốn từ công trình giải ngân thấp sang công trình có tỷ lệ giải ngân cao và có nhu cầu bổ sung vốn để nâng cao tỷ lệ giải ngân của tỉnh” - ông Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh./.
Tổng vốn đầu tư công năm 2022 UBND tỉnh giao đến nay là 8.727,871 tỉ đồng. Đến ngày 09/11/2022, khối lượng thực hiện 7.278,046 tỉ đồng, đạt 83,39% kế hoạch; giá trị giải ngân 6.621,680 tỉ đồng, đạt 75,87% kế hoạch. |
Châu Sơn