Tiếng Việt | English

10/08/2022 - 19:10

Tập trung thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Long An - Huỳnh Văn Sơn thông tin, ngay từ cuối năm 2021, tỉnh đã triển khai giao Kế hoạch đầu tư công năm 2022 và ban hành nhiều văn bản giao nhiệm vụ, chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022.

Long An tập trung một số giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Tỉnh xem giải ngân đầu tư công là một trong những mắt xích quan trọng để tạo đà phục hồi nền kinh tế, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội không chỉ riêng năm 2022 mà còn những năm tiếp theo. Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ giải ngân đầu tư công của tỉnh trong 7 tháng đầu năm 2022 còn thấp. Tổng vốn UBND tỉnh đã giao đến nay hơn 7.100 tỉ đồng. Đến ngày 03/8/2022 khối lượng thực hiện đạt gần 3.000 tỉ đồng, đạt 41,6% kế hoạch; giá trị giải ngân đạt hơn 2.700 tỉ đồng, đạt 38,6% kế hoạch (cùng kỳ giải ngân 40,5% kế hoạch).

Trong đó, vốn huyện quản lý hơn 2.100 tỉ đồng. Đến ngày 03/8/2022, khối lượng thực hiện và giải ngân 988,792 tỉ đồng, đạt 46,1% kế hoạch (cùng kỳ giải ngân 43,4% kế hoạch).

Vốn tỉnh quản lý hơn 5.000 tỉ đồng. Đến ngày 03/8/2022, khối lượng thực hiện đạt gần 2.000 tỉ đồng, đạt 39,7% kế hoạch và giá trị giải ngân đạt hơn 1.700 tỉ đồng, đạt 35,4% kế hoạch (cùng kỳ giải ngân 39,2% kế hoạch).

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - Huỳnh Văn Sơn cho biết: Mặc dù các ngành, các cấp có nhiều nỗ lực để đẩy nhanh tiến độ giải ngân; tuy nhiên tỷ lệ giải ngân chưa đạt yêu cầu, nguyên nhân chính do giá nguyên vật liệu, nhân công tăng nên chủ đầu tư phải làm thủ tục lập lại giá gói thầu cho phù hợp tình hình thực tế; giá nhiên liệu tăng cao ảnh hưởng đến giá cước tàu và hoạt động xuất khẩu, thời gian gần đây giá nhiên liệu xăng có giảm nhưng tình hình xuất khẩu vẫn chưa được cải thiện.

Các chủ đầu tư thực hiện công tác đấu thầu chậm (sau khi giao kế hoạch vốn các chủ đầu tư mới tiến hành đấu thầu, phải áp giá theo giá mới làm mất nhiều thời gian hơn). Công tác chuẩn bị đầu tư dự án chưa kỹ, một số dự án sau khi triển khai thực hiện mới thấy quy mô đầu tư chưa phù hợp nên phải điều chỉnh, làm chậm quá trình triển khai thực hiện. Công tác tổ chức thực hiện chưa kịp thời, các chủ đầu tư chưa chủ động phối hợp các đơn vị liên quan tháo gỡ khó khăn vướng mắc, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Riêng đối với nguồn vốn ODA: chủ đầu tư thực hiện thủ tục thanh toán, quyết toán chậm nên giải ngân còn thấp; vướng giải phóng mặt bằng nên một số hạng mục không triển khai được, một số hạng mục không sử dụng được vốn ODA chuyển sang sử dụng vốn ngân sách nhà nước thực hiện; điều chỉnh lại thiết kế theo mẫu mới của Bộ Y tế đối với các hạng mục triển khai năm 2022 nên công tác đấu thầu chậm.

Nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia mới được UBND tỉnh giao vốn (vốn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giao vốn ngày 28/7/2022 và vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững mới giao vốn ngày 02/8/2022) nên các chủ đầu tư chưa kịp giải ngân.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong những tháng cuối năm 2022, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất một số giải pháp trọng tâm. 

Thứ nhất, các chủ đầu tư phải khẩn trương và nghiêm túc thực hiện các Công văn chỉ đạo của UBND tỉnh về đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công.

Thứ hai, tiếp tục bám sát triển khai kế hoạch, lộ trình thực hiện của từng công trình đã được xây dựng từ đầu năm. 

Thứ ba, đôn đốc đơn vị thi công thực hiện lập hồ sơ thanh toán để đẩy nhanh tiến độ giải ngân khi khối lượng đã đủ điều kiện thanh toán, không làm tăng áp lực hồ sơ giải ngân đến Kho bạc Nhà nước vào các tháng cuối năm.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác chuẩn bị đầu tư, lập dự án và quản lý đầu tư xây dựng các dự án đầu tư công. 

Thứ năm, các chủ đầu tư, các ngành, các cấp, các địa phương chủ động, tích cực và phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Thứ sáu, tổ công tác kiểm tra, đôn đốc tiếp tục tích cực theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, giải quyết khó khăn cho các chủ đầu tư trong quá trình thực hiện. 

Thứ bảy, Sở Xây dựng kịp thời tham mưu điều chỉnh giá hàng tháng làm cơ sở triển khai thực hiện.

Riêng đối với các dự án sử dụng vốn ODA, các chủ đầu tư cần tích cực, chủ động trao đổi với các sở, ngành tỉnh, làm việc với nhà tài trợ nước ngoài, Bộ quản lý chuyên ngành, Bộ Tài chính; phải lập kế hoạch giải ngân thật chi tiết cho từng dự án ODA, bảo đảm có khối lượng đủ điều kiện thanh toán thì thanh toán ngay cho nhà thầu thi công./.

Châu Sơn

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích