Hiệu quả từ phân loại rác
Theo thống kê, khối lượng CTR được thu gom, vận chuyển, xử lý trên địa bàn tỉnh Long An dao động từ 800-850 tấn/ngày. Tuy nhiên, lượng CTR phát sinh trên địa bàn dự kiến sẽ tăng lên theo thời gian. Theo quy định tại Điều 75, 79 của Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) số 72/2020/QH14 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022), chậm nhất ngày 31/12/2024, CTR sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân phải được phân loại tại nguồn. Vì vậy, các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương cần phải có các biện pháp quản lý, đẩy mạnh thực hiện theo quy định.
Tỉnh triển khai thí điểm phân loại rác tại nguồn trên địa bàn TP.Tân An và huyện Vĩnh Hưng để làm cơ sở nhân rộng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn sinh hoạt
Việc quản lý rác thải được tỉnh quan tâm, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện như Chỉ thị số 09/CT-UBND, ngày 16/8/2018 của UBND tỉnh về tăng cường quản lý CTR trên địa bàn tỉnh Long An; Kế hoạch số 3558/KH-UBND, ngày 14/11/2021 của UBND tỉnh về Quản lý thu gom, vận chuyển, xử lý CTR trên địa bàn tỉnh từ năm 2021 đến 2025; đồng thời, Nghị quyết số 05-NQ/ĐH, ngày 16/10/2020 Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra chỉ tiêu thu gom và xử lý CTR sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 ở khu vực đô thị đạt 100% và khu vực nông thôn đạt 95%.
Từ năm 2020 đến nay, trong khuôn khổ dự án quản lý CTR tỉnh Long An do Tổ chức WWF - Việt Nam hỗ trợ thực hiện, tỉnh đã thí điểm khu vực đô thị tại phường 3, TP.Tân An và đạt những kết quả thiết thực, khả quan. Bà Đặng Thị Dung (phường 3, TP.Tân An) chia sẻ: “Qua việc thí điểm, đến nay, chúng tôi đã biết cách và hình thành thói quen phân loại rác. Lượng CTR cần thu gom, xử lý của gia đình cũng giảm hẳn so với trước đây và quan trọng hơn là vấn đề BVMT được người dân chú trọng”.
Theo Chủ tịch UBND TP.Tân An - Võ Hồng Thảo, việc phân loại rác mang lại những tín hiệu khả quan trong công tác quản lý rác thải trên địa bàn, giảm áp lực trong thu gom; giảm thời gian, chi phí trong quá trình thu gom, xử lý. Người dân tự giác phân loại rác và nâng cao ý thức BVMT. Thành phố tiếp tục phối hợp, triển khai, nhân rộng trên địa bàn.
Hiện nay, Tổ chức WWF - Việt Nam hỗ trợ thực hiện thí điểm mô hình khu vực nông thôn tại huyện Vĩnh Hưng. Trong đó có hỗ trợ người dân thực hiện nhiều mô hình nhằm tận dụng tối đa chất thải hữu cơ từ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp để ủ phân compost. Đến nay, đã thu được một số kết quả và rút ra nhiều kinh nghiệm trong công tác triển khai.
Bà Nguyễn Thị Oanh (xã Thái Trị, huyện Vĩnh Hưng) cho biết: “Quá trình tham gia mô hình, chúng tôi biết cách phân loại rác thải, ủ phân hữu cơ. Điều quan tâm nhất của người dân là hướng xử lý, công nghệ xử lý rác có thật sự phù hợp không để chúng tôi phối hợp thực hiện”.
Theo quy định tại Điều 75, 79 của Luật BVMT số 72/2020/QH14 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022), chậm nhất ngày 31/12/2024, CTR sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân phải được phân loại tại nguồn.
|
Nhiều giải pháp được đề xuất
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng - Võ Văn Bảo, mô hình được thí điểm trên địa bàn góp phần nâng cao hiệu quả quản lý CTR. Rác thải được phân loại, ủ làm phân compost giúp tăng hiệu quả về kinh tế. Hiện huyện tiếp tục phối hợp các đơn vị đánh giá ưu, nhược điểm của việc sản xuất phân compost và đốt rác phát điện, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm phân compost. Huyện đang nhân rộng mô hình phân loại rác tại nguồn tại xã Vĩnh Bình và Tuyên Bình Tây. Vì vậy, lượng rác hữu cơ thu gom nhiều hơn mà Nhà máy xử lý rác thải Vĩnh Hưng đang hoạt động chỉ có 2 ô ủ phân compost, cần cải tạo thêm các ô ủ phân compost để nâng công suất xử lý rác hữu cơ. Tuy nhiên, nguồn kinh phí của huyện còn hạn hẹp, do đó huyện kiến nghị Sở TN&MT hỗ trợ kinh phí bảo đảm hiệu quả việc phân loại rác tại nguồn.
Ông Nguyễn Tân Thuấn thông tin, trong 2 ngày 24 và 25/7/2024, Sở phối hợp Tổ chức WWF - Việt Nam tổ chức hội thảo “Giải pháp xanh cho rác hữu cơ trong bối cảnh thực thi phân loại rác tại nguồn”. Hội thảo được các chuyên gia giới thiệu nội dung liên quan đến công tác định hướng công nghệ xử lý rác của Việt Nam, một số thực hành phân loại rác ở Việt Nam theo Luật BVMT năm 2020.
Một số giải pháp xử lý rác hữu cơ có thể áp dụng như sản xuất phân compost quy mô tập trung và thực nghiệm trên cây lúa và cải xanh; ủ phân compost tại hộ gia đình, cộng đồng; ủ phân compost từ rác hữu cơ nông nghiệp và lục bình - giải quyết ô nhiễm - sản xuất phân trùn quế sinh kế cho nông dân;...; những đánh giá ưu và nhược điểm của việc đốt rác phát điện và sản xuất phân compost trong bối cảnh phân loại rác tại nguồn.
Đồng thời, đoàn tham quan thực tế mô hình đang thí điểm tại huyện Vĩnh Hưng. Đây là cơ hội để tìm hiểu, nghiên cứu thêm một số giải pháp xử lý, tái sử dụng, tận dụng tối đa giá trị của rác hữu cơ; giảm tối đa lượng chất thải phải xử lý, qua đó giảm chi phí xử lý rác.
Mô hình Phân loại rác tại nguồn được thực hiện tại huyện Vĩnh Hưng đạt kết quả tích cực
Đề xuất về công nghệ tái chế CTR sinh hoạt, Thạc sĩ Đàm Văn Vệ - Trung tâm Công nghệ và Dữ liệu KSONMT (Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường), cho rằng: Sau phân loại theo điều kiện tự nhiên, KT-XH của địa phương, công nghệ tái chế, tái sử dụng nhựa nylon, sắt, thép, giấy bìa, vật liệu xây dựng,… từ chất thải đã phân loại có thể lựa chọn xử lý tại khu tập kết.
Tại địa điểm xử lý ứng dụng công nghệ sản xuất phân vi sinh từ chất thải thực phẩm vẫn cần có khâu tiền phân loại, bảo đảm chất lượng phân bón. Công nghệ đốt các loại CTR sinh hoạt khác còn lại có thu hồi năng lượng (phát điện), có thể kết hợp với CTR công nghiệp thông thường. Công suất đốt CTR bảo đảm đủ lớn về khối lượng và nhiệt trị cao, có hiệu quả kinh tế - môi trường; công nghệ chôn lấp phải hợp vệ sinh;....
Thạc sĩ Dương Thị Thành - Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho rằng, mô hình thí điểm tại huyện Vĩnh Hưng phát huy hiệu quả tích cực trong vấn đề quản lý CTR hiện nay. Trong đó, việc cải tạo và đưa dây chuyền sản xuất phân compost vào hoạt động tại huyện Vĩnh Hưng về công nghệ xử lý tương đối phổ biến, tốn ít diện tích hơn phương pháp chôn lấp. Bên cạnh đó, mô hình khá đơn giản, dễ vận hành, máy móc, thiết bị có thể chế tạo, thay thế tại Việt Nam và dễ dàng mở rộng nhà máy để nâng cao công suất. Một ưu điểm nữa là thu hồi hữu cơ sản xuất phân bón trong nông nghiệp và cải thiện cấu trúc đất; tận dụng các thành phần hữu cơ trong rác thải sinh hoạt để tái chế sản xuất phân bón compost được khuyến khích khi mà việc phân loại rác được thực hiện một cách bắt buộc trong cả nước, theo Luật BVMT năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ nhưng vẫn còn những hạn chế nhất định.
Trên cơ sở đó, đề xuất ứng dụng các công nghệ xử lý CTR tiên tiến, thân thiện môi trường; lựa chọn các công nghệ xử lý CTR kết hợp với thu hồi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, an toàn và phù hợp với điều kiện phát triển KT-XH của từng địa phương; phát triển ngành công nghiệp tái chế, khuyến khích sử dụng, tiêu thụ các sản phẩm từ quá trình xử lý CTR, rác tái chế, rác hữu cơ và rác còn lại.
Trong công nghệ tái chế rác cần hoàn thiện công nghệ với các yêu cầu xử lý, ngăn ngừa ô nhiễm thứ cấp, công nghệ tiên tiến của công nghệ, tuổi thọ và độ bền, tính đồng bộ của thiết bị, khả năng thay thế, nội địa hóa, chuyển giao công nghệ, phù hợp với địa phương. Bên cạnh đó, địa phương cần đẩy mạnh triển khai thực thi Luật BVMT về phân loại rác tại nguồn (công nghệ sản xuất phân compost, công nghệ đốt rác phát điện, phân loại rác tại nguồn, thu hồi nguyên liệu hữu cơ, hoàn thiện công nghệ ủ, hoàn thiện công nghệ đốt,...)./.
|
Hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác sinh hoạt, không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt sẽ bị xử phạt từ 500.000 đến 1 triệu đồng theo quy định của nghị định 45 về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
|
Châu Sơn