Tiếng Việt | English

02/11/2017 - 15:00

Thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ về ứng phó với mưa bão

Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai chỉ đạo cần triển khai các biện pháp sẵn sàng ứng phó với bão, mưa lũ lớn có thể xảy ra tại các tỉnh miền Trung.

Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài báo cáo về diễn biến của áp thấp nhiệt đới ngoài Biển Đông và bão số 12. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Trong cuộc họp ứng phó với bão và mưa lũ sáng 02/11, tại Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài đã chỉ đạo các địa phương chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành cơn bão số 12 thực hiện nghiêm Công điện số 1659 ngày 01/11 của Thủ tướng Chính phủ và các Công điện số 84, 85 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.

Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh cần kiểm đếm, hướng dẫn theo dõi chặt chẽ tàu thuyền trên biển và nơi neo đậu, đặc biệt là các phương tiện hoạt động trên vùng biển quần đảo Trường Sa; thông tin cho các phương tiện để hướng dẫn, chủ động đối phó. Các địa phương cũng cần có lệnh cấm biển hợp lý căn cứ với tình hình thực tế.

Ông Trần Quang Hoài chỉ đạo cần triển khai các biện pháp sẵn sàng ứng phó với bão, mưa lũ lớn có thể xảy ra tại các tỉnh miền Trung, trong đó tập trung vào các việc theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; thông tin, cảnh báo kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân để chủ động phòng tránh theo phương châm 4 tại chỗ.

Ngoài ra, các địa phương phải kiểm tra, rà soát phương án ứng phó, bố trí lực lượng trực canh tại các hồ chứa xung yếu, nhất là các hồ chứa nhỏ đã đầy nước, chủ động nắm bắt và xử lý thông tin kịp thời để đảm bảo an toàn công trình và hạ du khi hồ xả lũ hoặc có sự cố công trình.

Cùng với đó, các địa phương còn cần rà soát phương án ứng phó với mưa lũ lớn, nhất là đối với an toàn đê điều, hồ đập, các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, vùng ven sông, suối, khu vực có nguy cơ ngập sâu, địa bàn thường xuyên bị lũ chia cắt, sẵn sàng phương án sơ tán người và tài sản để đảm bảo an toàn.

Ông Trần Quang Hoài chỉ đạo cần khẩn trương thu hoạch các diện tích lúa và hoa màu, nhất là vùng có nguy cơ bị ngập lũ, úng theo phương châm “Xanh nhà hơn già đồng”; chủ động tiêu thoát nước đệm để đảm bảo an toàn chống úng.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí tăng thời lượng phát sóng, đưa tin về diễn biến của bão, mưa lũ và phổ biến các kỹ năng ứng phó với bão và và mưa lũ để người dân, tổ chức chủ động phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương, tính đến 6 giờ sáng 02/11, trong 158 hồ cập nhật thông tin, có 6 hồ chứa thuộc liên hồ chứa khu vực Trung Bộ đang xả qua tràn: A Lưới 193m3/s, Chi Khê 443m3/s, An Khê: 20m3/s, Sông Ba Hạ 700m3/s, Đak Mi 4a 20m3/s, Vĩnh Sơn 5 110 m3/s.

Vụ An toàn đập, Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết khu vực Nam Trung Bộ có 501 hồ (132 hồ chứa lớn, 369 hồ chứa nhỏ), hầu hết các hồ đạt 60-85% dung tích thiết kế. Tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định các hồ đạt 30-50 % dung tích thiết kế. Hầu hết các hồ mực nước còn thấp dưới mức nước dâng nình thường. Có 61 hồ có cửa van, hiện các hồ đang vận hành xả lũ: Định Bình xả 96m3/s, Sông Quao xả 6,7m3/s, Đá Bàn xả 50m3/s.

Cũng theo cơ quan trên, có 57 hồ chứa xung yếu (16 hồ lớn, 41 hồ nhỏ). Các tỉnh có nhiều hồ xung yếu như: Quảng Ngãi 11 hồ, Bình Định 17 hồ... Các hồ đặc biệt cần quan tâm khi có mưa lớn gồm: Hồ Buôn La Bách, Hóc Răm (Phú Yên); Đập Làng, Ông Thơ (Quảng Ngãi); Kim Sơn, Thạch Bàn (Bình Định); Sông Biêu (Ninh Thuận); Trà Tân, Sông Quao (Bình Thuận).

Khu vực Đông Nam Bộ có 113 hồ (28 hồ chứa lớn, 85 hồ chứa nhỏ), hầu hết các hồ đạt 70-85% dung tích thiết kế, mực nước còn thấp dưới mực nước dâng bình thường. Có 4 hồ chứa xung yếu (Bình Phước 2 hồ, Đồng Nai 2 hồ).

Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa, mưa lũ đã làm khoảng 107 nhà huyện Vạn Ninh bị ngập cục bộ (hiện nước đang rút dần); ngập cục bộ tại 11 xã thuộc huyện Ninh Hòa trong đó các xã Ninh Thân, Ninh Phụng, Ninh Phú mực nước ngập sâu có nơi lên đến 1-1,5m, 1 nhà bị sập, 1 nhà bị hư hại; 1.224ha lúa và 15ha hoa màu bị ngập; 201 con gia súc và 4.360 con gia cầm bị chết, 553m kênh mương bê tông bị sập; 150m bờ sông, bờ suối bị sạt lở; 25 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại./. 

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết