Đông đảo học sinh đến Khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng tìm hiểu về lịch sử của cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940
Mốc son chói lọi
Những ngày này, rất đông du khách khắp nơi tìm về Khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng (xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP.HCM) dâng hương, dâng hoa, tìm hiểu về cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940 anh dũng. Tổ trưởng Thuyết minh viên Khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng - Nguyễn Thị Hoa thông tin, nơi đây, vào đêm 22, rạng sáng ngày 23/11/1940, người dân Hóc Môn và Chợ Lớn, Gia Ðịnh, Sài Gòn vùng dậy khởi nghĩa. Và tại đây, từ ngày 23/11 đến 31/12/1940, thực dân Pháp bắt và xử bắn 903 cán bộ, đảng viên và nhân dân ta.
Khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 2002. Ðể ghi nhớ tinh thần quật cường, chiến đấu dũng cảm của các chiến sĩ hy sinh trong cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ, năm 2010, Thành ủy, UBND TP.HCM đầu tư xây dựng khu tưởng niệm với diện tích hơn 10ha gồm: Đền thờ, nhà truyền thống, quảng trường, các cụm tượng đài, hệ thống cây xanh, hồ phun nước,... Qua đây, lưu giữ những hiện vật, hình ảnh lịch sử về những con người, vùng đất của cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940, trở thành địa điểm giáo dục truyền thống cho tuổi trẻ về một thời kỳ ác liệt mà người dân Nam bộ cùng với Ðảng ta làm nên những sự kiện anh hùng.
Cùng với Khu tưởng niệm Ngã Ba Giồng, Di tích lịch sử Giồng Cám (ấp Bình Hữu 1, xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa) từng ghi dấu cuộc đấu tranh anh dũng, bi hùng của các chiến sĩ cách mạng trong cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ. Ông Ngô Văn Đức (84 tuổi), ngụ cùng ấp, kể: Nơi đây, vào sáng ngày 23/11/1940, nghĩa quân tổ chức trận địa phục kích tiêu diệt những tên ác ôn tay sai của thực dân Pháp, làm rung chuyển bộ máy cai trị của chúng ở từng làng, xã đến quận, tỉnh. Để đối phó, chiều 23 và 24-11-1940, thực dân Pháp khủng bố đồng bào ta hết sức dã man. Nhiều người bị thảm sát, bắt bớ, giam cầm, tra trấn tàn bạo. Sau đó, nhiều chiến sĩ bị xử bắn tại khu vực Ngã tư Đức Hòa (thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An): Nguyễn Văn Dương (tự Vườn), Nguyễn Văn Nai, Trần Văn Móng, Phạm Văn Tuội, Nguyễn Văn Giỗ, Lê Văn Lao, Đỗ Văn Mộc, Ngô Văn Diệp, Đỗ Văn Tiệp, Nguyễn Văn Sáu,...
“Tuy bị đàn áp, khủng bố vô cùng ác liệt nhưng chỉ 5 năm sau, người dân Giồng Cám cùng nhân dân cả nước làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lịch sử” - ông Đức tự hào.
Di tích lịch sử Giồng Cám - nơi ghi dấu tội ác của thực dân Pháp và tay sai trong cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ
Ngoài huyện Hóc Môn, Đức Hòa, cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ cũng diễn ra ác liệt tại một số địa phương khác trong tỉnh. Lần đầu tiên trong lịch sử, lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện trên đất Tân An - Chợ Lớn tại cầu Ông Chuồng, làng Phước Vĩnh Tây, quận Cần Giuộc (nay là huyện Cần Giuộc) và làng An Thạnh, quận Trung Quận (nay là Bến Lức). Gắn liền với cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ tại huyện Cần Giuộc là cuộc đời hoạt động cách mạng của nữ anh hùng Nguyễn Thị Bảy. Mặc dù bị địch bắt, bà vẫn nêu cao khí tiết của người cách mạng, kiên trung, bất khuất trước quân thù. Chính sự gan dạ ấy mà mật thám Pháp đặt cho bà biệt danh “bà Hoàng hậu đỏ”. Trước họng súng của kẻ thù, bà cùng các chiến sĩ hô to khẩu hiệu:
“Đả đảo đế quốc Pháp!
Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!
Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!”.
Ngày nay, công tích bà Hoàng hậu đỏ - Nguyễn Thị Bảy được lưu danh trên bia đá đặt tại thị trấn Cần Giuộc; tên của bà từ lâu được UBND tỉnh ra quyết định đặt thành tên đường tại phường 6, TP.Tân An. Năm 2010, bà được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Công viên Nguyễn Thị Bảy - nữ anh hùng tiêu biểu trong Khởi nghĩa Nam kỳ
Đổi thay trên quê hương anh hùng
Cố Giáo sư Trần Văn Giàu từng nói rằng: “Sài Gòn có một ngoại ô anh hùng, thì anh hùng bậc nhất là vùng 18 thôn vườn trầu Bà Điểm - Hóc Môn”. Thật vậy, Hóc Môn là địa phương được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang trong 2 thời kỳ kháng chiến, từ khởi nghĩa 18 thôn vườn trầu năm 1885 và Nam kỳ khởi nghĩa năm 1940. Sau Cách mạng Tháng Tám, Hóc Môn vẫn đi đầu trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Trong thời bình, mảnh đất này cũng là địa chỉ đỏ đi đầu trong công cuộc đổi mới với cách riêng của mình.
Quê hương Bà Điểm - Hóc Môn năm xưa nổi tiếng với trầu cau, nay diện tích trầu cau ở 18 thôn không còn nhiều và được thay thế bằng những cây trồng khác mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Nhiều hợp tác xã nông nghiệp - thương mại - dịch vụ ra đời mang lại nguồn thu nhập cho người dân. Cùng với rau sạch, hoa lan, cây kiểng, cá cảnh,... người dân Hóc Môn ngày càng ăn nên làm ra với việc chăn nuôi bò sữa, heo, gà, vịt ứng dụng công nghệ cao. “Nông dân ở đây thu nhập mỗi năm hơn trăm triệu đồng không còn là chuyện hiếm từ trồng lan, trồng kiểng, nuôi cá cảnh, chăn bò lấy sữa, nuôi heo thịt,...” - bà Nguyễn Thị Thủy Tiên, ngụ xã Khương Thới Thượng, thông tin.
Trở lại xã Đức Hòa Thượng, nơi từng diễn ra cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ ác liệt ở Tân An - Chợ Lớn, dù chịu bao mất mát, đau thương nhưng người dân vẫn kiên cường bám đất, giữ làng, chiến đấu đến ngày giành được thắng lợi. Hòa bình lập lại, cùng với nhân dân trong tỉnh, người dân nơi đây nỗ lực hàn gắn “vết thương chiến tranh”, góp sức xây dựng quê hương.
Phó Chủ tịch UBND xã Đức Hòa Thượng - Lê Thị Ngọc Kim cho biết, xã vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1994. Năm 2016, xã được công nhận danh hiệu xã văn hóa, nông thôn mới. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cùng sự nỗ lực của người dân nơi đây, bộ mặt nông thôn của xã càng thêm đổi mới với hệ thống trường học khang trang, trạm y tế, nhà văn hóa ấp, đường giao thông nông thôn được nâng cấp, sửa chữa đạt chuẩn.
Đời sống của người dân không ngừng được cải thiện thông qua việc phát huy và sử dụng hiệu quả hệ thống Thủy lợi Phước Hòa, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau, bò thịt. Đồng thời, địa phương chủ động phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty ITARICE duy trì và nhân rộng mô hình liên kết bao tiêu lượng lúa hàng hóa, giúp nông dân tăng lợi nhuận từ 2,5-3 triệu đồng/ha. Nhờ đó, đến nay, hộ nghèo của xã giảm còn dưới 1%, thu nhập bình quân đầu người trên 30 triệu đồng/năm.
Tượng đài chiến sĩ Nam kỳ khởi nghĩa tại Khu di tích Ngã tư Đức Hòa
Tiếp bước truyền thống anh hùng
Tổng phụ trách Đội trường Tiểu học Cầu Xáng (huyện Hóc Môn, TP.HCM) - Nguyễn Khánh Linh chia sẻ: “Tôi rất hãnh diện, tự hào khi quê hương có Khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng. Qua đây, giúp tuổi trẻ học hỏi, trau dồi thêm nhiều kiến thức về lịch sử, từ đó giữ gìn truyền thống cách mạng, cố gắng ra sức học tập, rèn luyện để trở thành người có ích cho đất nước”.
Theo Bí thư Huyện đoàn Đức Hòa - Trần Tiến Quí, Huyện đoàn tổ chức các hoạt động Về nguồn tại Di tích lịch sử Giồng Cám nhằm giáo dục truyền thống cho đoàn viên, thanh niên lòng yêu nước, yêu quê hương. Phát huy truyền thống anh hùng trong cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ, tổ chức thực hiện nhiều công trình, phần việc thanh niên ý nghĩa thông qua các hoạt động Thứ bảy tình nguyện, Ngày Chủ nhật xanh,...
“Tưởng nhớ đến sự hy sinh oanh liệt, tinh thần chiến đấu dũng cảm, bất khuất của bà Nguyễn Thị Bảy và các chiến sĩ Khởi nghĩa Nam kỳ, thế hệ trẻ chúng tôi ra sức gìn giữ những thành quả cách mạng vĩ đại, mỗi thanh niên phải sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh cao cả của thế hệ cha anh, xứng đáng với sự tin yêu và kỳ vọng của Đảng, Bác Hồ và của cả dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, Huyện đoàn thường xuyên tổ chức các đoàn đến thăm hỏi, vận động mạnh thường quân tặng quà, xây tặng nhà tình nghĩa, giúp các gia đình chính sách có cuộc sống ổn định” - Bí thư Huyện đoàn Cần Giuộc - Trần Hải Phú cho biết.
Cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ góp phần làm rung chuyển từng mảng lớn chính quyền địch ở cơ sở mà thực dân Pháp và tay sai dày công tạo dựng ngót 80 năm. Tuy nhiên, do thời cơ chưa chín muồi, cuộc khởi nghĩa thất bại nhưng tạo được tiếng vang lớn, không những trong nước mà còn làm nức lòng cả những chiến sĩ cách mạng Pháp, là những tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc, bước tiến mới trong đấu tranh bằng võ lực cho các dân tộc Đông Dương./.
Phong Nhã