Những cuộc hội ngộ lặng lẽ
Chúng tôi đến thăm các anh vào một buổi trưa tháng 4. Thời điểm này, đơn vị chỉ còn vài đồng chí được giao nhiệm vụ “giữ nhà”. Hầu hết cán bộ, chiến sĩ đều lên đường đi tìm đồng đội. Thượng tá Nguyễn Văn Chốn - Chính trị viên Đội K73, tiếp chúng tôi dưới bóng liếp mía mép rừng tràm. Anh mặc quân phục, cổ quấn chiếc khăn rằn, đôi mắt có phần khắc khoải, trầm tư. Anh ít nói, cũng ít cười, hầu như chỉ là những tiếng thì thầm tâm sự.
Nói đôi ba câu chuyện, anh đưa chúng tôi vào khu vực rừng tràm, nơi các cán bộ, chiến sĩ đang tìm hài cốt. Anh Chốn nhìn quanh một vòng, hỏi thăm các chiến sĩ, rồi anh nói như nói với chính mình: “Sáng giờ tìm được 1 bộ rồi, trước nơi đây là nghĩa trang. Nhưng khổ nỗi, nơi này từng bị dội bom nên có mộ bị “lật úp”....”. Im lặng một lúc, anh tiếp: “Cách đây mấy hôm, có một chú tìm đến chỉ phía hố bom có 2 ngôi mộ từng bị bom dội, ba chú ấy tự tay lấp lại. Anh em mình cũng đang tìm trong đó. Khổ, các chú ở đó như chết hai lần!”.
Hài cốt tìm thấy được gói lại trong tăng, trước khi đưa về cải táng tại nghĩa trang
"...tìm được “các chú” đưa về với quê hương, gia đình, không đơn thuần chỉ là nhiệm vụ mà là cả tấm lòng của thế hệ sau, phần nào đáp đền những hy sinh to lớn của người đi trước". |
Trong suốt buổi, thỉnh thoảng, chúng tôi lại nghe người chỉ huy khẽ chép miệng, thở dài: “Trời ơi, chú nằm đây mấy chục năm rồi!”. Người chỉ huy ấy ít nói, ít cười nhưng tình cảm. Anh gọi các chiến sĩ trẻ bằng con, anh nhắc nhở chiến sĩ này đội nón, chiến sĩ kia đi đứng cẩn thận kẻo bị cây và gai xóc vào chân. “Bao tay đâu? Đi từ từ, đinh không đó con ơi!” là những câu nói quen thuộc mà anh Chốn nhắc đi, nhắc lại suốt buổi. Anh thương các chiến sĩ trẻ tìm kiếm vất vả vì địa hình trũng, hố huyệt cứ đào là ngập nước, vừa bơm nước, vừa tìm nên tiến độ không nhanh.
Dưới hố huyệt, một chiến sĩ thông báo tìm được hài cốt, mọi người tập trung lại. Nước được bơm cạn, hài cốt còn nguyên vẹn. Ai cũng vui ra mặt! Anh Chốn trực tiếp hướng dẫn đưa hài cốt lên: “Nhẹ tay thôi con! Đỡ hai tay, nâng phần giữa, đừng để nước với đất làm trì xuống. Khéo, đừng để rách bạt. Cẩn thận con!”. Đại úy Nguyễn Tấn Trung - Phân đội trưởng Phân đội 1, Đội K73, vội làm thủ tục đánh dấu, lưu lại hồ sơ. Vừa làm, anh vừa giải thích: “Ở đây, hầu hết hài cốt được tìm thấy đều lạc danh nên chỉ đánh số thứ tự, ký hiệu để lưu lại. Thỉnh thoảng mới tìm được hài cốt có danh tính”.
Nỗi lòng người tìm kiếm
Các anh trân trọng từng kỷ vật, dù là nhỏ nhất của người đã hy sinh vì đó là hy vọng và có thể là manh mối giúp các gia đình tìm được người thân của mình. Anh Trung nói: “Biết đâu trong quá trình tìm kiếm, người ta nghe kể lại lúc hy sinh, người thân có mang theo kỷ vật gì đó. Mình ghi chép lại cẩn thận thì sẽ giúp người ta dễ nhận diện thân nhân. Một đồng tiền xu, chiếc đồng hồ, một cây kèn nhỏ đều được ghi chép kỹ trước khi để lại theo các chú”. Lúc làm nhiệm vụ, mỗi CBCS đều cẩn trọng đến từng chi tiết nhỏ. Họ dò trong từng vốc đất tìm lại một phần thân thể những người nằm xuống. Một đồng xu nhỏ cũng được rửa kỹ, lau sạch trước khi để nguyên lại cho các anh, các chú.
Anh Chốn kể: “Từ trước đến nay, Đội K73 quy tập được 2.073 bộ hài cốt nhưng chỉ biết tên tuổi 160 “chú”, còn lại đều lạc danh. Hầu hết đơn vị làm nhiệm vụ trên đất bạn Campuchia, thỉnh thoảng mới đi trong nước”. Tôi không hiểu sao anh có thể ngay lập tức đọc chính xác con số như vậy và cũng không biết, liệu có phải tính chất của công việc tạo cho anh nét trầm tư hay không. Sau này, trò chuyện với anh em trong đội mới biết, anh Chốn còn 2 người thân vẫn đang nằm lại đâu đó trên những chiến trường năm xưa. Anh Trung chia sẻ với chúng tôi: “Chú với bác ruột của anh Chốn hy sinh nhưng cũng chưa tìm được hài cốt. Nghe nói, gia đình anh cũng đi tìm kiếm mà chưa được...”.
Phân đội 1 Đội K73 đang quy tập hài cốt tại Bến LứcAnh Trung khoảng ngoài 30 tuổi và có “thâm niên” 10 năm đi tìm đồng đội. Anh cùng đơn vị “lăn lộn” khắp các chiến trường từ Svay Rieng, Pvey Veng, đến Phnom Penh, tìm thấy được hàng trăm bộ hài cốt của chiến sĩ ta hy sinh trên đất bạn. Kỷ niệm thì nhiều, vui có, buồn có, vất vả thì không cần phải nói. Anh nhận nhiệm vụ như đó là một phần cuộc sống của mình. Nhớ những ngày đầu là “lính mới”, anh cũng sợ, cũng run lắm, đêm về mất ngủ khi tay nâng những bộ hài cốt đầu tiên. Dần rồi cũng quen, đối với anh, việc tìm kiếm những người anh, người chú hy sinh trên đất bạn không chỉ là nhiệm vụ, đó là một việc làm thiêng liêng, ý nghĩa.
Và cũng trong những chuyến đi ấy, anh biết người dân nước bạn cũng quý và thương bộ đội Việt Nam nhiều lắm! Người dân hay mời bộ đội Việt Nam đến nhà, họ cũng trân trọng dành những điều tốt nhất cho bộ đội. “Thậm chí có lần, biết được dưới nền nhà có hài cốt bộ đội Việt Nam, gia đình cũng đồng ý để đội làm nhiệm vụ”. Chính những tình cảm đó giúp cho hành trình tìm đồng đội của Đội K73 bớt phần vất vả.
Anh Trung vẫn nhớ những ngày ở Campuchia, nắng như thiêu, không khí oi bức, đất cứng như đá, có khi gặp phải gò mối lại càng vất vả. Anh kể: “Vậy mà có ngày tìm mãi vẫn không biết chú nằm ở đâu. Ai cũng buồn nhưng biết làm sao, nhân chứng chỉ nhớ “mài mại” mà cảnh vật thì thay đổi nhiều, việc tìm kiếm càng lúc càng khó”.
Nhưng khó cách mấy thì các anh vẫn kiên trì, vì tìm được “các chú” đưa về với quê hương, gia đình, không đơn thuần chỉ là nhiệm vụ mà là cả tấm lòng của thế hệ sau, phần nào đáp đền những hy sinh to lớn của người đi trước./.
Phương Phương