Đây là mô hình của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh giao Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Thạnh Hóa thực hiện. Theo đó, mô hình có 30 hộ nông dân tham gia, sản xuất 30ha. Giống được sử dụng là giống nếp IR 4625, trung bình, gieo sạ từ 80-100kg/ha. Trên diện tích 1ha, nông dân được hỗ trợ hơn 3,6 triệu đồng đối với trường hợp cấy máy và gần 2 triệu đồng đối với trường hợp sạ lan.
Mô hình sử dụng giống lúa cấp xác nhận, có chất lượng tốt; giảm lượng phân bón hóa học thông qua việc sử dụng các loại phân bón thế hệ mới chậm tan, phân hữu cơ, phân bón Humic. Tham gia mô hình, nông dân thường xuyên được tập huấn đầu vụ về kỹ thuật chăm sóc lúa theo tiêu chuẩn VietGAP; được hướng dẫn cách sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong canh tác lúa theo hướng VietGAP và quy trình kỹ thuật "1 phải, 6 giảm".
Mô hình sản xuất lúa theo hướng VietGAP tại ấp Nước Trong, xã Thủy Đông
bước đầu mang lại hiệu quả
Theo đó, nông dân phải áp dụng đồng bộ kỹ thuật sản xuất và các biện pháp phòng trừ dịch hại IPM để giảm sử dụng thuốc BVTV, sử dụng thuốc BVTV sinh học, bảo đảm các quy tắc an toàn khi sử dụng thuốc BVTV và quản lý bao bì sau sử dụng. Đồng thời, phải ứng dụng cơ giới hóa từ khâu gieo sạ đến khâu thu hoạch, thực hiện kỹ thuật tưới nước ngập khô xen kẽ, không đốt rơm rạ,...
Là một trong số các hộ tham gia mô hình, ông Nguyễn Duy Tuần (ấp Nước Trong, xã Thủy Đông) cho biết: “Gia đình tôi có gần 3ha lúa áp dụng mô hình. Từ khi tham gia mô hình sản xuất lúa theo hướng VietGAP, tôi thấy lúa giảm sâu, bệnh, giảm chi phí đầu tư sản xuất, tạo ra hạt gạo sạch, an toàn. Hơn hết, mô hình góp phần bảo vệ được môi trường và sức khỏe nông dân”.
Trước đây, người dân thường sản xuất lúa theo phương pháp truyền thống nên khi chuyển sang mô hình sản xuất lúa theo hướng VietGAP, nông dân có phần bỡ ngỡ. Tuy nhiên, sau khi được cán bộ kỹ thuật tập huấn, hướng dẫn, nông dân cơ bản nắm được các kỹ thuật, quy trình sản xuất. Theo đó, chi phí sản xuất theo mô hình thấp hơn khoảng 400.000 đồng/ha so với sản xuất lúa theo phương pháp truyền thống.
Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp huyện Thạnh Hóa, sản xuất lúa theo mô hình VietGAP giúp nông dân hạn chế sử dụng thuốc BVTV, giảm chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập, biết áp dụng thêm nhiều tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt, mô hình góp phần giảm tình trạng ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, hướng đến sản xuất nông sản sạch, an toàn, bền vững./.
Hoài An - Trung Hưng