Tiếng Việt | English

23/12/2021 - 13:25

Tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm phải bám sát mục đích công tác cải cách tư pháp

“Trong quá trình tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm (PTRKN) phải quán triệt, bám sát mục đích công tác cải cách tư pháp (CCTP) là xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo CCTP tỉnh Long An - Nguyễn Thanh Hải khẳng định.

Tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm góp phần nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa - khâu đột phá trong công tác cải cách tư pháp (Trong ảnh: Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh - Nguyễn Thanh hải tặng bằng khen các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm)

Tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm góp phần nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa - khâu đột phá trong công tác cải cách tư pháp (Trong ảnh: Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh - Nguyễn Thanh hải tặng bằng khen các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm)

Phiên tòa rút kinh nghiệm - trọng tâm công tác cải cách tư pháp

Theo Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh - Lê Quốc Dũng, thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược CCTP, 5 năm qua, ngành Tòa án và Viện Kiểm sát phối hợp chọn và tổ chức xét xử được gần 1.000 PTRKN. Trong đó, có 577 phiên tòa hình sự, 402 phiên tòa dân sự và 16 phiên tòa hành chính, kinh doanh, thương mại, lao động.

Việc tổ chức các PTRKN theo yêu cầu CCTP trên địa bàn tỉnh từ năm 2016 đến nay không chỉ phục vụ thiết thực chủ trương về CCTP mà còn cụ thể hóa các quy định trong những bộ luật hiện hành; giúp nâng cao chất lượng các phiên tòa xét xử, bảo đảm tính công khai, dân chủ, giảm tỷ lệ án bị hủy, bị sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán, nâng cao tính thuyết phục của bản án, xét xử đúng người, đúng tội, tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm và góp phần tích cực trong bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa; đồng thời, góp phần vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, công dân.

Đặc biệt, từ việc tổ chức các phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm đã tạo chuyển biến tích cực về nhiều mặt trong công tác xét xử, nhất là nâng cao chất lượng tranh tụng trong từng phiên tòa - khâu đột phá trong công tác CCTP đã đề ra. Trong các PTRKN, hội đồng xét xử luôn bảo đảm dành thời gian tối đa cho việc tranh luận giữa kiểm sát viên với bị cáo, người bào chữa, người bị hại và những người tham gia tố tụng khác và tạo điều kiện cho bị cáo, người bào chữa thực hiện quyền bào chữa theo quy định. Từ đó, tạo cơ sở cho việc hội đồng xét xử đưa ra các phán quyết bằng các bản án có căn cứ, đúng pháp luật, có tính thuyết phục cao.

Từ những kết quả tích cực của việc tổ chức các PTRKN mang lại, Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh khẳng định, 5 năm tổ chức PTRKN theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh đã được triển khai, thực hiện đúng định hướng, chủ trương của Đảng, bảo đảm quyền lực Nhà nước được thực hiện thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong thực hiện các quyền lập pháp, tư pháp và hành pháp, phát huy được dân chủ, tăng cường pháp chế. Từ đó, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị và sự nghiệp phát triển KT - XH của tỉnh.

Gần 1.000 phiên tòa rút kinh nghiệm được Tòa án phối hợp Viện Kiểm sát cùng cấp tổ chức xét xử trong 5 năm qua (Trong ảnh: Phiên tòa xét xử vụ án hình sự đối với bị cáo Trần Tuấn Khanh về tội vận chuyển trái phép chất ma túy và vận chuyển trái phép vũ khí quân dụng được tổ chức kết hợp trình chiếu chứng cứ tại phiên tòa)

Gần 1.000 phiên tòa rút kinh nghiệm được Tòa án phối hợp Viện Kiểm sát cùng cấp tổ chức xét xử trong 5 năm qua (Trong ảnh: Phiên tòa xét xử vụ án hình sự đối với bị cáo Trần Tuấn Khanh về tội vận chuyển trái phép chất ma túy và vận chuyển trái phép vũ khí quân dụng được tổ chức kết hợp trình chiếu chứng cứ tại phiên tòa)

Phải bám sát mục đích công tác cải cách tư pháp

Trước những kết quả từ việc tổ chức phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm trên địa bàn tỉnh 5 năm qua, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo CCTP tỉnh - Nguyễn Thanh Hải khẳng định việc tiếp tục tổ chức các PTRKN theo tinh thần CCTP là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Ông cho rằng, trong quá trình tổ chức PTRKN, phải quán triệt, bám sát mục đích công tác CCTP là xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong đó, các ngành Tư pháp cần đặc biệt chú ý, trọng tâm của hoạt động tư pháp phải là công tác xét xử với mục đích cuối cùng là hoạt động xét xử phải được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao, CCTP phải được đặt dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng, bảo đảm chiến lược CCTP được thực hiện đúng định hướng, giữ vững ổn định chính trị. Trong thực hiện chiến lược CCTP phải được quán triệt với tinh thần đây không chỉ là công việc của các cơ quan tư pháp mà là sự nghiệp chung của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Với yêu cầu công tác CCTP trong thời gian tới, nhất là chương trình của Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh về trọng tâm công tác CCTP giai đoạn 2021 - 2026, Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh yêu cầu các cơ quan tư pháp cần phối hợp chặt chẽ với 2 cơ quan Viện Kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân cùng cấp để tổ chức các PTRKN nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xét xử, đáp ứng tốt yêu cầu CCTP. "Khi tổ chức các PTRKN, cần lựa chọn các vụ án không quá phức tạp nhưng cũng không quá đơn giản và cần quan tâm hơn đến các vụ việc hành chính, kinh doanh, thương mại, lao động để đa dạng hơn, đồng bộ hơn trong xét xử rút kinh nghiệm.

Sau các phiên tòa, bắt buộc phải thực hiện họp rút kinh nghiệm, nội dung rút kinh nghiệm phải thực hiện toàn diện từ công tác điều tra, xây dựng hồ sơ vụ án, việc chuẩn bị phiên tòa, thực hành quyền công tố kiểm sát hoạt động xét xử của kiểm sát viên đến tác phong, phong cách ứng xử, đối đáp tại phiên tòa của những người tham gia tố tụng. Qua các PTRKN, phải nâng cao được chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, coi đây là khâu đột phá trong công tác CCTP. Cán bộ có chức danh tư pháp, trước hết là những điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán trực tiếp thụ lý vụ án cần đổi mới mạnh mẽ trong tư duy và hành động để chủ trương nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa thực sự trở thành điểm nhấn trong CCTP của tỉnh.

Đồng thời, các cơ quan tư pháp cũng cần quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp tinh thông về nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, làm nòng cốt trong công tác CCTP, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền tư pháp hiện đại như chiến lược CCTP đã đề ra” - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo CCTP tỉnh - Nguyễn Thanh Hải yêu cầu các cơ quan tư pháp thực hiện./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết