Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh năm 2019, cần phấn đấu đạt kết quả cao hơn năm 2018 để tăng trưởng nhanh và bền vững hơn
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 đạt được nhiều kết quả quan trọng. Có thể nói là toàn diện, để lại những ấn tượng tốt đẹp và cho chúng ta thêm nhiều bài học quý, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ của nửa đầu nhiệm kỳ khoá XII. Đồng thời tạo đà và động lực mới, khí thế mới cho việc hoàn thành toàn bộ các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2019 và cả 5 năm 2016 - 2020. Vì vậy, năm 2019, cần phấn đấu đạt kết quả cao hơn năm 2018”.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, không khí phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang tiếp tục lan toả rộng khắp trên cả nước. Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng biểu dương và chân thành cảm ơn Quốc hội, Chính phủ, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, cộng đồng các doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên, đồng bào, chiến sĩ cả nước về những kết quả, thành tích và những nỗ lực phấn đấu, đóng góp to lớn đó trong năm 2018.
Đồng thời, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, chúng ta tuyệt nhiên không được chủ quan, thỏa mãn với thành tích, thắng lợi. Bởi vì, đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là về tài chính - tiền tệ và xuất khẩu dưới tác động của chiến tranh thương mại.
Một trong những điểm nổi bật trong năm 2018 là môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện
Một trong những điểm nổi bật trong năm 2018 là môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Theo đó, các bộ, ngành và địa phương tích cực triển khai các chỉ đạo của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp (DN) và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Các nhóm nhiệm vụ được triển khai đúng tiến độ, tập trung vào những nhóm giải pháp nhằm tạo thuận lợi, hỗ trợ DN tiếp cận các yếu tố sản xuất, như: vốn, mặt bằng, thị trường,… Thực hiện chủ trương cắt giảm tối thiểu 50% thủ tục hành chính, trong đó đã cắt giảm, đơn giản hóa 61% điều kiện kinh doanh và 60% thủ tục kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu. Rà soát, giảm chi phí kinh doanh, nhất là chi phí vốn, phí BOT, chi phí tuân thủ thủ tục hành chính gắn với triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Việt Nam được đánh giá thuộc nhóm 10 quốc gia cam kết mạnh mẽ nhất về cải cách chính sách thuế.
Năm 2018, kết quả khởi nghiệp, đăng ký kinh doanh tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Ước cả năm 2018, cả nước có khoảng 131.275 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 1.478.101 tỉ đồng, tăng 3,5% về số DN và tăng 14,1% về số vốn đăng ký so với năm 2017, vốn đăng ký bình quân trên một DN đạt 11,3 tỉ đồng, tăng 10,2% so với năm 2017. Đây là năm thứ tư liên tiếp có số lượng DN thành lập mới và số vốn đăng ký đạt cao nhất trong lịch sử. Đây là tín hiệu rõ cho thấy niềm tin của những DN đang hoạt động khi họ tiếp tục bổ sung vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, tình hình DN quay trở lại hoạt động rất tích cực.
Hiện nay có nhiều mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi liên kết phát huy hiệu quả
Đặc biệt, hiện nay có nhiều mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi liên kết phát huy hiệu quả, được mở rộng đầu tư. Các hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tổ hợp tác ngày càng nhiều và phổ biến trên cả nước, phù hợp với điều kiện phát triển ở nhiều vùng, nhiều khu vực, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên, góp phần giảm nghèo, giữ ổn định xã hội.
Điểm nổi bật khác của năm 2018 được Chính phủ đánh giá cao là kết cấu hạ tầng được tiếp tục quan tâm đầu tư. Nhiều công trình quan trọng, mang tính kết nối đồng bộ được hoàn thành, khai thác đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các hoạt động kinh tế, tăng cường liên kết vùng.
Hạ tầng đô thị phát triển mạnh, tỷ lệ đô thị hóa ước 38,4%, đạt sớm hơn chỉ tiêu đề ra đến năm 2020 (38 - 40%). Hạ tầng năng lượng, nhất là hạ tầng điện từng bước được hiện đại, đã đầu tư tăng thêm năng lực cung cấp điện, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của dân cư. Hạ tầng nông thôn từng bước được cải thiện, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, gắn liền với kết quả tích cực từ việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018 ước đạt trên 42%. Tiếp tục đầu tư, phát triển hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế; hạ tầng thương mại; hạ tầng thông tin; hạ tầng y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hoá, thể thao và du lịch;... từng bước đảm bảo kết nối đồng bộ và hiện đại, tăng khả năng tiếp cận của các tầng lớp nhân dân.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, mặc dù còn một số khó khăn, thách thức, các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 cơ bản được hoàn thành, đạt kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. Bước sang năm 2019, kinh tế Việt Nam tiếp tục có những yếu tố thuận lợi nhất định, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, niềm tin vào cải cách môi trường đầu tư kinh doanh được củng cố. Chúng ta sẽ không đánh đổi hay lựa chọn giữa chất lượng tăng trưởng và tốc độ tăng trưởng mà phải đạt được cả 2, nghĩa là phát triển nhanh và bền vững. Chính phủ luôn kiên trì nguyên tắc “3 trong 1” hay nói cách khác, 3 trụ cột bao gồm kinh tế, xã hội và môi trường. Trong khi tiếp tục phát huy tốt nhất những động lực tăng trưởng đã có, chúng ta phải tích cực tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới.
Năm 2019, Chính phủ xác định mục tiêu tổng quát là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo chuyển biến thực chất hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến và tận dụng có hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Chú trọng phát triển y tế, giáo dục, đào tạo, văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; quyết liệt phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Củng cố quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội./.
Gia Hân