Tiếng Việt | English

01/11/2019 - 09:36

Trại huấn luyện Nguyễn Chí Thanh - Nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ công tác Hội

Trại huấn luyện Nguyễn Chí Thanh khu vực Tây Nam bộ lần thứ III năm 2019 do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (LHTNVN) tỉnh Long An đăng cai tổ chức sẽ bế mạc vào tối nay, 01/11/2019. Hội trại nhằm kiểm tra, nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ công tác hội; công nhận huấn luyện viên cấp I Trung ương Hội LHTNVN và bổ sung lực lượng huấn luyện cho các tỉnh, thành trong khu vực.

Các trại sinh tham gia phần trò chơi sinh hoạt cộng đồng

Các trại sinh tham gia phần trò chơi sinh hoạt cộng đồng

Chinh phục thử thách

Gần một tuần vượt qua thời tiết nắng nóng gay gắt, 104 trại sinh là cán bộ, hội viên thanh niên (TN) đến từ 10 tỉnh, thành khu vực Tây Nam bộ: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Long An và TP.Cần Thơ nỗ lực vượt qua thử thách, hoàn thành yêu cầu của đợt huấn luyện. Để được công nhận là huấn luyện viên cấp I Trung ương, các trại sinh phải hoàn thành 33 nội dung thi (lý thuyết và thực hành) theo quy định: Tìm hiểu kiến thức lịch sử Đảng, Đoàn, hệ thống chính trị Việt Nam, Hội LHTNVN; lý thuyết mật thư; thực hành nghi thức Hội LHTNVN, thiết kế mô hình cổng trại; nhận và phát tín hiệu morse và semaphore; kỹ năng thắt nút dây, dựng lều trại; thực hành sơ cấp cứu; xây dựng kế hoạch tổ chức và kịch bản trò chơi lớn;...

Theo nhận định của hầu hết trại sinh, so với các trại huấn luyện cấp tỉnh, trại huấn luyện Nguyễn Chí Thanh là kỳ thi nghiêm túc và đầy thử thách. Nếu như tín hiệu morse hay semaphore ở trại cấp tỉnh chỉ dịch 20-30 ký tự thì hội trại này phải dịch khoảng 80-100 ký tự. Vì vậy, nếu trại sinh không nắm vững kiến thức, kỹ năng, tâm lý thiếu ổn định và sức khỏe không tốt thì khó vượt qua thử thách của đợt sát hạch lần này.

Các trại sinh tranh tài phần thi kỹ năng thắt nút dây

“Các nội dung thi diễn ra liên tục từ sáng sớm đến tận khuya, có nội dung tổ chức xuyên đêm. Điều đáng nói, trại sinh không được biết trước lịch các phần thi nên phải luôn trong trạng thái sẵn sàng thi hoặc “hành quân” trong đêm, bất kể thời tiết mưa hay nắng. Có những ngày cao điểm, các trại sinh thi một lúc nhiều môn trong khi còn phải làm những bài thi ở nhà để nộp đúng hạn. Nhiều bài thi làm trong bóng tối, chỉ sử dụng nến hoặc đèn pin. Thời gian làm bài cũng khác nhau, có môn chỉ 3 phút nhưng có môn kéo dài đến cả ngày” - trại sinh Phạm Duy Phương, đơn vị tỉnh Long An, chia sẻ.

Đối với các trại sinh, phần thi trò chơi lớn là một trong những môn khó, gay go nhất, đòi hỏi sự đoàn kết và tinh thần đồng đội. Trại sinh Võ Quốc Thành, đơn vị tỉnh Bến Tre, bộc bạch: “Chúng tôi phải di chuyển trong đêm với ánh sáng duy nhất là chiếc đèn pin, trong khi các thành viên trong nhóm hầu hết là người ngoài tỉnh nên không nắm được địa hình. Tuy nhiên, nhờ sức mạnh của sự đoàn kết và sự quyết tâm của cả đội, cuối cùng chúng tôi cũng hoàn thành thử thách này”. 

Phần thi thực hành nghi thức Đội của các thí sinh

Nâng cao kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ

Trại huấn luyện Nguyễn Chí Thanh còn là sân chơi để cán bộ Hội LHTNVN giao lưu học tập, trao đổi kinh nghiệm về tổ chức thực hiện công tác hội và phong trào TN tại cơ sở. “Tham gia chương trình huấn luyện khá vất vả, phải thức khuya, dậy sớm, di chuyển quãng đường dài nhưng chúng tôi cảm thấy rất vui, bổ ích. Đặc biệt, qua đợt huấn luyện này, chúng tôi được ôn lại những kỹ năng, kiến thức cơ bản trong công tác Đoàn, Hội, Đội; đồng thời, nâng cao bản lĩnh, sự tự tin khi xử lý mọi tình huống cũng như khả năng làm việc nhóm” - trại sinh Nguyễn Quốc Dũng, đơn vị tỉnh Long An, bày tỏ.

Phần thi dựng lều trại của các trại sinh

Sau 3 lần tổ chức, đến nay, trại huấn luyện Nguyễn Chí Thanh khu vực Tây Nam bộ bồi dưỡng, đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ cho hàng trăm lượt cán bộ hội các cấp, bổ sung lực lượng huấn luyện viên chất lượng, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng tổ chức hội và phong trào TN các tỉnh, thành khu vực Tây Nam bộ. Trại sinh Nguyễn Thanh Triều, đơn vị tỉnh Kiên Giang, thổ lộ: “Tôi rất tự hào khi được trở thành huấn luyện viên cấp I Trung ương. Đây vừa là trách nhiệm, vừa là động lực để tôi cố gắng đổi mới hình thức hoạt động, đưa các phong trào của hội ngày càng thiết thực, hấp dẫn hơn đối với hội viên, TN. Sắp tới, tôi sẽ tập trung triển khai hiệu quả phong trào Tôi yêu Tổ quốc tôi, chăm lo nhóm TN yếu thế, thiếu cơ hội phát triển có điều kiện vươn lên trong cuộc sống,…”.

“Long An tự hào là đơn vị đăng cai tổ chức trại huấn luyện mang tên Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam đầu tiên. Sự năng động, sáng tạo, bản lĩnh, tự tin của các trại sinh đến từ 10 tỉnh, thành phố trong khu vực Tây Nam bộ góp phần tạo nên thành công của trại huấn luyện lần thứ III này. Hy vọng rằng, các huấn luyện viên cấp I Trung ương sẽ không ngừng nâng cao nghiệp vụ, xứng đáng là lực lượng tiên phong trong việc đổi mới, mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp TN ở địa phương, đơn vị” - Chủ tịch Hội LHTNVN tỉnh Long An - Võ Trần Tuấn Thanh bày tỏ.

Trại là sân chơi rộng rãi để cán bộ hội có điều kiện giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm tổ chức thực hiện công tác hội và phong trào thanh niên tại cơ sở

Sau 5 ngày diễn ra (từ 28/10 đến 01/11/2019), với phương châm “Vững nghiệp vụ, thạo kỹ năng, vượt qua khó khăn, nâng cao đoàn kết”, trại huấn luyện Nguyễn Chí Thanh góp phần phát hiện, bồi dưỡng và xây dựng lực lượng cán bộ hội là những thủ lĩnh có chuyên môn, năng lực, đáp ứng yêu cầu về công tác huấn luyện TN. Đây cũng là ngày hội lớn của những người làm công tác TN; là dịp để cán bộ Hội LHTNVN trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ kỹ năng, xây dựng tình đoàn kết, gắn bó giữa các tỉnh, thành trong khu vực, góp phần xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh./.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1914-1967) là một tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam hết lòng yêu thương nhân dân; Chủ tịch Hội LHTNVN đầu tiên năng động, sáng tạo, có lối sống giản dị và khiêm tốn. Ông từng công tác ở nhiều lĩnh vực chính trị khác nhau và đều có khả năng phát triển lĩnh vực đó nên còn được gọi là “vị tướng phong trào”; là người đề ra chiến thuật đánh áp sát của quân giải phóng miền Nam với phương châm “Nắm thắt lưng địch mà đánh”.

Phong Nhã

Chia sẻ bài viết