Một ghe hạ bạc ở đầu nguồn sông Tiền
Dạo chơi đêm Châu Đốc
Bước xuống bến xe khách Châu Đốc khi đêm về khuya. Tiếng chào mời đi Honda ôm, đi xe đạp lôi cứ nhao nhao lên. Điều đầu tiên là tìm chỗ nghỉ để cất hành lý cái đã. Phòng trọ 2 giường, máy lạnh, tivi,... 150.000 đồng/đêm. Không mắc! Xe đạp lôi ở miệt này, mình đi từ hơn nửa thế kỷ trước, bây giờ vẫn vậy. "Cô chú cho con 70.000 đồng, con chở đi khắp thành phố luôn" - chú chạy xe đạp lôi nài nỉ. Tôi bảo, dạo ít vòng, kiếm chỗ ăn khuya. "Được luôn!" - vừa nói, chú vừa gò lưng đạp tưng tưng hết đường này sang đường khác.
Khuya, phố nào cũng thức với du khách, nhộn nhịp cảnh ăn uống trên các vỉa hè. Xe du lịch đủ loại, đủ biển số các nơi đổ về. Chú xe đạp lôi nói, toàn xe đi viếng Bà Chúa Xứ. Thành phố này giàu lên, đường nhựa đều khắp, công trình xã hội, văn hóa mọc lên ngày càng nhiều đều có phần nhờ Bà. Mỗi năm, khách thập phương bá tánh về cúng Bà tiền muôn, bạc tỉ. Phúc lợi xã hội từ thiện cũng từ tiền cúng Bà mà có.
Chú say sưa với cảm xúc của mình. Hẳn nghề chạy xe đạp lôi thịnh hành cũng nhờ Bà! Chú nói, xe đạp lôi ở đây hiện có trên 7.000 chiếc. Du lịch Núi Cấm thì có hàng trăm xe thổ mộ, xe máy ôm. Du lịch tạo cho hàng ngàn lao động khá lên bằng nghề kinh doanh ăn uống. Du khách tạo cảm hứng để người dân sáng chế được nhiều món ăn, thức uống độc đáo phục vụ "thượng đế" của mình. Du lịch phát triển, lao động có việc làm; kinh tế vùng đô thị bán sơn địa ở phía Tây sông Hậu này ngày càng phát đạt; các khu phố mới cứ mọc lên, phình ra cả ở phía núi lẫn phía ruộng đồng.
Tôi chú mục vào từng con phố, thấy rất nhiều chùa, đền kiểu người Hoa thờ ông Quan Công (Quan Vũ) - một danh tướng phò nhà Thục Hán thời Tam Quốc, chết dưới tay quân Ngô vào năm 220 sau Công nguyên, khi mới 58 tuổi. Quan Vũ hiển thánh là nhờ có bộ tiểu thuyết Tam Quốc chí diễn nghĩa của La Quán Trung. Hẳn người Hoa có mặt ở xứ này rất sớm.
Chiếc xe đạp lôi quành ra đường cặp bờ kè sông Hậu có dải công viên chạy theo. Các điểm ăn uống vẫn nhộn nhịp ở đây, từng nhóm khách ăn uống rôm rả ngoài trời. Ở một góc công viên ánh lên tượng đài con cá mà tôi không rõ cá tra hay cá ba sa. Thành phố này giàu lên có phần công nghệ nuôi - chế biến - xuất khẩu cá tra, cá ba sa và một số loài thủy sản đặc chủng sông Mêkông khác.
"Ở trên Châu Đốc ngó xuống Vàm Nao/Thấy con cá bông lau nó nhảy nhào vô lưới/Anh ngồi anh chắc lưỡi... Hò ơ...". Nhớ lần tôi đi với Miller - một du khách Mỹ, đến nhà hàng nào ở đây, anh ta cũng đòi món cá bông lau nấu canh chua và kho tộ. Thứ cá thịt trắng, béo ngậy có nhiều ở sông Vàm Nao giáp Châu Đốc. Lạ, cái khúc sông chỉ dài hơn 6km, sâu tới 17-18m, đầy lòng chảo tạo các xoáy nước dư sức cuốn xuồng nhỏ vào miệng thủy thần mà lại là chốn làm ăn của dân hạ bạc săn cá khủng. Những "ông cá Hô", cá hồng vện, cá tra dầu,... nặng hàng trăm ký và nhất là cá bông lau sinh sống ở Vàm Nao để lại nhiều giai thoại vừa buồn, vừa cười trong dân gian vùng này.
Cá sủ và cá bông lau bán ở chợ Tân Châu
Thoáng giao du với người Chăm Châu Giang
Sáng hôm sau, chúng tôi đi đò sang bên kia bến Châu Giang (cầu qua đây đang thi công). Châu Giang với làng Chăm bản sắc khó lẫn vào đâu được. Những tòa thánh đường Hồi giáo toát lên một màu trắng tinh khiết bên đường. Làng Chăm trải dọc bờ sông Hậu. Nhà sàn mái tole, mái ngói lô xô từng dãy dài soi mình trên sông nước yên bình. Hai bên mép đường bày những hàng sào phơi lạp xưởng lên nước đỏ tươi mà chỉ lạp xưởng bò mới có.
Vâng, người Chăm ở đây chỉ ăn lạp xưởng bò, cấm có heo. Có lần, tôi đi với anh bạn dân bản địa, đến chơi nhà ông Mách Sa Rết - một người Chăm Châu Giang cố cựu. Khi tôi bước lên sàn nhà gỗ thì cô gái trong nhà vội rời khung dệt, biến vào nhà sau. Anh bạn nói nhỏ: "Tục lệ người Chăm, hễ con gái thấy có đàn ông đến nhà là lánh mặt ngay".
Chủ nhà Mách Sa Rết rất kín tiếng. Tôi còn nhớ hơn 40 năm trước, một lần đi đò đêm sang Châu Giang thì hết xe về Tân Châu. Bỗng người đàn ông cùng đi với tôi ngỏ lời mời về nhà ông nghỉ, chờ sáng mai hẵng đi. Tôi theo ông về nhà gần đó và được ông đãi cơm. Bữa cơm có các món ăn đều chế biến từ thịt bò. Sáng hôm sau, ông đưa tôi ra bến xe, mời tôi ăn bún bò rồi mới đi Tân Châu.
Quá tử tế! Trên đường, phụ nữ đều che khăn úp vào hai bên má phủ xuống vai, ngực và lưng, bước rón rén và chỉ nhìn xuống hai bàn chân mình. Còn nhớ lần Liên hoan Tiếng hát hẹn hò chín dòng sông (luân phiên tổ chức hàng năm ở mỗi tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long), tại Trung tâm Văn hóa Long An. Đoàn Chăm Châu Giang, tỉnh An Giang đoạt giải ba. Tôi gặp Trưởng đoàn là anh Sa Ri Giá.
Anh cho biết: Đưa được con gái Chăm lên sân khấu là cả một vấn đề. Trước hết, phải thuyết phục gia đình cô ta đồng ý. Rồi phải căng tấm màn dày làm buồng kín cho cô; mình ở bên ngoài đàn để dợt cho cô hát,... Bây giờ, hẳn "hương đồng gió nội" đã "bay đi ít nhiều" rồi? Làng Chăm Châu Giang nổi tiếng dệt thổ cẩm, cũng là nơi mở đường tơ lụa cho lãnh Mỹ A Tân Châu vang bóng một thời đi khắp nẻo thương hồ sông nước...
(còn tiếp)
Quang Hảo