Tiếng Việt | English

29/05/2018 - 10:33

Trang trọng tổ chức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2562

Đại lễ Phật đản Phật lịch 2562 - Dương lịch 2018 được tổ chức trang trọng và tôn nghiêm với nhiều hoạt động, thu hút đông đảo tăng, ni, phật tử và người dân trong tỉnh tham gia.

Hàng năm, cứ vào tháng 4 âm lịch, tăng, ni, phật tử khắp nơi hân hoan đón mừng ngày đản sinh của Đức Phật Thích ca Mâu ni hay còn gọi là Đại lễ Tam hợp “Đản sanh - Thành đạo - Niết bàn”. Đại lễ Tam hợp (hay Đại lễ Vesak) là lễ hội văn hóa thế giới được Liên Hiệp Quốc công nhận vào ngày 15/12/1999 nhằm kỷ niệm ngày Đức Phật đản sinh. Đây là sự kiện trọng đại và nhiều ý nghĩa với những người theo đạo Phật.

Tuần lễ thính pháp Phật đản ở chùa Tào Khê, huyện Cần Đước (đêm 12/4 Âm lịch) Ảnh: MHD

Tuần lễ thính pháp Phật đản ở chùa Tào Khê, huyện Cần Đước (đêm 12/4 Âm lịch). Ảnh: MHD

Tại Long An, tuần lễ Phật đản được tổ chức trang trọng và tôn nghiêm. Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh tổ chức các buổi thính pháp từ ngày 22 đến 27/5/2018 (mùng 8 đến 13/4 âm lịch). Theo Hòa thượng Thích Minh Thiện - Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, nhằm kính mừng Đại lễ Phật đản Phật lịch 2562 - Dương lịch 2018, vào ngày 29/5 (ngày 15/4 âm lịch) tại chùa Thiên Châu, TP.Tân An diễn ra nhiều hoạt động như dâng hoa cúng dường, cử hành chuông trống bát nhã, thả bong bóng cầu nguyện hòa bình,... Dịp này, các tăng, ni, phật tử được ôn lại lịch sử phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và nghe thông điệp Phật đản của Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Một trong những nghi thức không thể thiếu trong lễ Phật đản là tắm Phật. Nghi thức này được tiến hành bằng cách tưới nước thơm lên tượng Phật sơ sinh. Ngoài việc kỷ niệm Phật đản sinh, nghi thức tắm Phật còn mang ý nghĩa xóa bỏ những muộn phiền, thân tâm trở nên thanh tịnh, hướng đến cuộc sống an lạc.

Ngoài tổ chức lễ chính, Giáo hội Phật giáo tỉnh còn tổ chức xe hoa diễu hành trên các trục đường. Cùng với Đại lễ tổ chức tại chùa Thiên Châu, TP.Tân An, các tự viện, cơ sở Phật giáo trong tỉnh tiến hành trang trí lễ đài Phật đản; tổ chức các nghi lễ cho phật tử đến cử hành; treo cờ, đèn, hoa, thả hoa đăng, tặng quà cho người nghèo;...

Các chùa trang trí xe hoa diễu hành ngày Đại lễ Phật đản

Các chùa trang trí xe hoa diễu hành ngày Đại lễ Phật đản

Trong không khí trang nghiêm của Đại lễ Phật đản, toàn thể tăng, ni, phật tử trong tỉnh đều thành tâm hướng về đức Phật, cầu nguyện cho quốc thái dân an, cuộc sống an lạc, hòa bình cho nhân loại. Chị Nguyễn Thị Tuyết Hoa, ngụ xã Hướng Thọ Phú, TP.Tân An, chia sẻ: “Vào ngày lễ Phật đản, người theo đạo chúng tôi thường vệ sinh nhà cửa, trang trí bàn thờ Phật, tham gia các buổi thính pháp, ăn chay, phóng sinh,... tất cả nhằm bày bỏ lòng thành tâm hướng về đức Phật”.

Việc tổ chức Đại lễ Phật đản giúp phật tử và người dân hiểu thêm về lịch sử ra đời của Đức Phật Thích ca Mâu ni. Qua đó, kêu gọi toàn thể phật tử tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, chung tay trong các hoạt động từ thiện, nhân đạo, góp phần xây dựng xã hội an vui, hạnh phúc./.

Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết